Với tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), mặn xâm nhập sâu vào đất liền đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc trồng trọt, chăn nuôi của người nông dân, nhất là ở 3 huyện biển trên địa bàn tỉnh.
Trước tình hình này, vấn đề đặt ra là người nông dân cần phải đa dạng hóa các hình thức canh tác sao cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Số liệu thống kê những năm gần đây cho thấy, tại một số nơi trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện biển, tình trạng xâm nhập mặn tăng lên khoảng từ 5%o đến 20%o. Vấn đề này ít nhiều tác động nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước ngọt và chăn nuôi, tác động tiêu cực đến sinh kế và thu nhập của người nông dân. Để giải quyết vấn đề này, Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) và Trường Đại học Cần Thơ đang triển khai chương trình phối hợp nghiên cứu, xây dựng những mô hình canh tác phù hợp hơn để hỗ trợ nông dân thích ứng tối đa với tiềm năng kinh tế của vùng và khả năng bền vững khi đối mặt với những thay đổi về điều kiện khí hậu, môi trường. Các mô hình được xây dựng dựa trên điều kiện canh tác tốt nhất với mức chịu mặn cho phép từ 0 đến 20%o. Mô hình thí điểm và đào tạo nhân rộng đi cùng với sự phát triển của các kỹ thuật canh tác thích ứng mới.
Mô hình thí điểm này dự kiến được triển khai ở 40 hộ nông dân tại huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Tham gia mô hình, người nông dân sẽ được trang bị các kỹ thuật và công nghệ canh tác phù hợp bền vững trong thời gian dài; đa dạng hóa sinh kế nông nghiệp và thay đổi không chỉ còn sản xuất mỗi lúa gạo. Hỗ trợ nâng cao khả năng thích ứng của nông dân và cung cấp phương tiện lâu dài, bền vững về kinh tế, sinh kế và an ninh lương thực. Hỗ trợ giảm nghèo bằng cách giảm thiểu rủi ro canh tác và tổn thất trong thu hoạch.
Để trang bị kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt trong điều kiện BĐKH, người nông dân được tham gia khóa đào tạo do Trường Đại học Cần Thơ giảng dạy, hướng dẫn học viên đa dạng sinh kế; bao gồm việc chuyển đổi không còn phụ thuộc vào việc sản xuất lúa gạo truyền thống, một công việc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng xâm nhập mặn, thay vào đó là chuyển sang nuôi tôm, cá và trồng các loại lúa chịu mặn. Ngoài ra, nếu vùng đất không còn thích hợp cho việc trồng trọt, người nông dân cũng được hướng dẫn chuyển đổi sang nuôi tôm hoặc cá và được hỗ trợ tôm giống, cá giống và thức ăn chăn nuôi trong thời gian đầu. Trường Đại học Cần Thơ cũng có những hoạt động hỗ trợ phù hợp và giúp đỡ về mặt kỹ thuật bằng cách đo mức độ nhiễm mặn.
Trước tiên, mô hình sẽ được nhân rộng lên 1.000ha tại huyện Bình Đại để có thể kết hợp với các phương pháp canh tác thích ứng mới với việc trồng dừa. Mô hình được phát triển dựa trên các điều kiện xâm nhập mặn, nên có tính phù hợp cao không chỉ ở các huyện thí điểm, mà còn được triển khai trên nhiều tỉnh ven biển khác ở Việt Nam.