Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị cần làm rõ các vướng mắc hiện nay để định hình chính sách phát triển nhà ở cho thời gian tới

06/06/2023 - 08:10

BDK.VN - Sáng 5-6-2023, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn thảo luận dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Tổ sáng ngày 5-6-2023. Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn thảo luận dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Tổ sáng ngày 5-6-2023.

Tham gia thảo luận tại Tổ số 9, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho rằng: Việc trình Quốc hội cho ý kiến sửa đổi Luật Nhà ở cho thấy Chính phủ luôn lắng nghe hơi thở cuộc sống, kịp thời có động thái để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chương trình, dự án phát triển nhà ở hiện nay. Qua thực tiễn công tác quản lý nhà nước ở địa phương về nhà ở, đại biểu thấy có nhiều vấn đề đang vướng do quy định của Luật hiện hành.

Theo khảo sát thì 70% các dự án nhà ở hiện nay đang gặp vướng mắc về mặt pháp lý. Đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ khi trình Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở cần tổng hợp, làm rõ những vướng mắc chủ yếu trên phạm vi cả nước, từ đó, định hình chính sách về phát triển nhà ở cho thời gian tới. Việc sửa đổi Luật Nhà ở có liên quan đến nhiều luật khác như: Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư… do đó, cần phải có sự rà soát, đối chiếu để đảm bảo các quy định thống nhất, đồng bộ, sát thực tế, từ đó mới tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

Về các nội dung cụ thể, đại biểu có một số ý kiến góp ý như sau:

Về bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án đô thị, đại biểu cho rằng cần phải tách bạch việc bố trí nhà ở xã hội trong các dự án đô thị. Theo quy định của Luật hiện hành, các dự án đô thị mới phải dành ít nhất 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội nhưng việc xây dựng nhà ở xã hội này cho chủ đầu tư hiện hành hay cho nhà đầu tư khác thì trong thực tế còn đang vướng.

Ngoài ra, Luật hiện hành chỉ quy định nhà ở xã hội đối với các dự án thuộc các đô thị loại III trở lên, còn ở đô thị loại IV, loại V thì hiện nay chưa có quy định nên địa phương lúng túng không biết áp dụng tỷ lệ bao nhiêu %. Trong khi đó, các nhà máy, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động có khuynh hướng dịch chuyển về các đô thị loại IV, loại V để thuận lợi trong việc tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp này cần phải có chổ ở cho công nhân nhưng lại đang vướng mắc vì không có quy định về xây dựng nhà ở xã hội tại các đô thị này.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về xây dựng nhà ở xã hội, khu lưu trú cho công nhân ở các đô thị loại IV, loại V, đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tự bỏ vốn ra đầu tư xây dựng nhà ở, khu lưu trú cho công nhân.

          Về công tác quy hoạch phát triển nhà ở, từ thực tế địa phương cũng như qua theo dõi lĩnh vực xây dựng cả nước, theo đại biểu cái vướng lớn nhất là vấn đề pháp lý liên quan đến quy hoạch, theo quy định hiện hành một dự án phải có đủ 4 loại quy hoạch theo thứ tự: Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và dự án. Quá trình phê duyệt các dự án đầu tư nhà ở không đơn giản. Trong sửa đổi Luật Nhà ở lần này, đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi quy trình phê duyệt dự án sao cho ngắn gọn, cơ bản là phải tuân thủ quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, còn quy hoạch chi tiết và dự án thì cân nhắc quy định cho phù hợp.

          Về phát triển nhà ở đô thị: Có 2 dạng dự án: chỉnh trang đô thị và khu đô thị mới. Theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu phát triển đô thị của Việt Nam khá cao, tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%, đến năm 2045 tỷ lệ đô thị hoá thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và Châu Á. Hiện nay, cả nước đạt 40% nhưng nhiều địa phương đạt tỷ lệ còn rất thấp. Đại biểu đề nghị đối với các địa phương có tỷ lệ đô thị hóa thấp thì nên có chính sách khuyến khích phát triển các dự án đô thị lớn để đảm bảo đồng bộ về hạ tầng, đổi mới bộ mặt đô thị, nếu phát triển các dự án nhỏ, chỉnh trang đô thị thì sau này Nhà nước lại phải tốn kém chi phí để mở rộng, kết nối hạ tầng giữa các khu vực.

          Về sự thống nhất giữa pháp luật về nhà ở với pháp luật đất đai, việc mua bán, giao dịch nhà ở phải gắn liền với quyền sử dụng đất hợp pháp, nhất là đối với nhà chung cư, nhà liên kế, đại biểu đề nghị cần phải quy định rõ trong dự thảo Luật, nếu không thì thị trường bất động sản không thể nào giao dịch được.

           Về số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam, khoản 1, Điều 21 dự thảo Luật quy định: “Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 19 của Luật này chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá hai trăm năm mươi căn nhà”. Đại biểu đề nghị cần làm rõ cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của quy định này. Theo đại biểu, nên quy định rõ các điều kiện nào để người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, định cư thì được mua nhà ở, chứ không nên quy định cứng về tỷ lệ, số lượng sở hữu như dự thảo sẽ rất khó thực hiện và khó kiểm soát.

Về quy định công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại thì với mỗi khối nhà ở, chủ đầu tư được phép dành diện tích 1 sàn để kinh doanh dịch vụ, thương mại để phục vụ nhu cầu của người dân trong phạm vi dự án. Đại biểu cho rằng chỉ nên quy định mỗi khu nhà ở phải dành ít nhất 20% diện tích sàn để kinh doanh dịch vụ, thương mại, không nên áp đặt dành hẳn 1 sàn.

Quy định của Luật đất đai khi giao đất cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở thì có thời hạn 50 năm, trường hợp đặc biệt lên đến 70 năm nhưng khi sản phẩm xây dựng xong là nhà ở được bán ra, gắn với quyền sử dụng đất thì trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lại không quy định thời hạn của nhà ở. Đề nghị quy định cho thống nhất để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.

Về nhà ở tái định cư, quan điểm của Đảng là khi thu hồi đất thì người có đất bị thu hồi phải được bố trí chổ ở bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật có quy định cụ thể về tiêu chí để định lượng thế nào là tốt hơn (về nhà ở, môi trường, sinh kế…) để hiện thực hóa quan điểm của Đảng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Về xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, Điều 31 dự thảo Luật quy định: “UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng chương trình phát triển nhà ở và gửi lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng về các nội dung tại các điểm c, d, đ và điểm e khoản 1 Điều 29 của Luật này trước khi trình HĐND cùng cấp thông qua. Sau khi được HĐND cùng cấp thông qua, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt và triển khai thực hiện chương trình”. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật nên quy định theo hướng phân cấp, phân quyền cho địa phương, trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, UBND tỉnh xây dựng Chương trình phát triển nhà ở trình HĐND tỉnh thông qua, sau đó, UBND tỉnh báo cáo Bộ Xây dựng, bỏ quy định phải xin ý kiến của Bộ trước khi trình HĐND tỉnh để cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức cho cả phía bộ ngành và địa phương.

          Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN