Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, những năm qua, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em.
Tuy nhiên, vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng. Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn này có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.
Đề cập đến những tồn tại, hạn chế, báo cáo giám sát phân tích, một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được tiến hành thường xuyên; hình thức tuyên truyền chậm đổi mới; nội dung tuyên truyền còn nghèo nàn, chưa thiết thực.
Việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức; vẫn để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, thậm chí xảy ra cả trong gia đình và nhà trường. Công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với sự phát triển của du lịch, nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có cả những đối tượng đã có án tích về xâm hại trẻ em, nhưng biện pháp quản lý, giám sát các đối tượng này chưa chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ xâm hại trẻ em trong hoạt động du lịch, đặc biệt là xâm hại tình dục. Một số địa phương chưa quan tâm bố trí đất đai, đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.
Công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ có nguy cơ bị xâm hại hoặc đã bị xâm hại còn một số hạn chế; nhiều địa phương chưa thống kê đầy đủ, chính xác số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nên không cảnh báo được nguy cơ và biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em chưa tương xứng với tình hình.
Dẫn từ báo cáo giám sát đầy đủ dày 58 trang và các phụ lục, báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương của Đoàn giám sát, các đại biểu Tăng Thị Tuyết Mai (Trà Vinh), Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) lên án mạnh mẽ tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là tại các đô thị lớn, với nhiều phương thức, thủ đoạn và đối tượng khác nhau. Rất nhiều trường hợp kẻ xâm hại trẻ em lại là người thân trong gia đình nên việc tố cáo không dễ dàng gì, những điều này đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Có trường hợp, trẻ em đã tự tử.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi: Liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu mà chưa được hồi đáp? Vết thương lòng của các em khi nào lành lặn? Từ đó, đại biểu cho rằng, nhiều quy định pháp luật chưa rõ ràng như tội ấu dâm, chưa có phòng xử án riêng. Nhiều vụ việc bị gia đình giấu. Nhiều vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng như trẻ tự tử, trẻ tự làm hại mình. Xã hội cần vào cuộc quyết liệt để bảo vệ, tạo hành lang pháp lý vững mạnh, tiếp nhận thông tin từ trẻ em, gia đình, công khai danh tính kẻ xâm hại, bảo đảm an toàn cao cho trẻ em.
Từ đó, để răn đe và nghiêm trị, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị cần “thiến hóa học” kẻ xâm hại để ngăn ngừa loại đối tượng này. Theo đại biểu, việc “thiến hóa học” này được nhiều nước trên thế giới đã làm và có hiệu quả. Đồng thời, Luật Giám định tư pháp cũng cần quy định rõ về xâm hại trẻ em là loại giám định đặc biệt.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, mặt trái của môi trường mạng đang gây ra nhiều nguy cơ với trẻ em, trong khi Việt Nam thuộc tốp các quốc gia dùng internet nhiều nhất thế giới. Do đó, nhiều hình ảnh về xâm hại, bạo lực trên môi trường mạng bị kẻ xấu đưa lên, chia sẻ, ảnh hưởng không nhỏ đến các em.
“Xâm hại trên môi trường mạng để lại hậu quả rất lớn. Nếu xâm hại ngoài xã hội chỉ được một vài người chứng kiến thì hình ảnh xâm hại bị đưa lên mạng có thể theo các em suốt cuộc đời”, đại biểu Thủy nói.
Từ đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị các phụ huynh dành sự quan tâm và thời gian thỏa đáng để chia sẻ với các con các vấn đề này. Bộ Công an thông tin đầy đủ phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để có biện pháp phòng chống. Bộ Giáo dục và đào tạo đưa vào chương trình giáo dục các biện pháp phòng, chống xâm hại trên môi trường mạng.
Nguồn: quochoi.vn