Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

05/06/2018 - 19:06

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Chiều ngày 4 và sáng 5-6-2018, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre đã đưa ra nhiều câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre chất vấn 2 vấn đề:

Thứ nhất, qua khảo sát thực tế ở một số địa phương cho thấy tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp có chiều hướng gia tăng. Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? Định hướng hoạt động thanh tra, kiểm tra của Bộ trưởng trong thời gian tới.

Thứ hai, đánh giá về quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chưa thật hiệu quả. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng nhập khẩu phế liệu đưa các chất thải nguy hại vào Việt Nam. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề này?.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường là vấn đề xã hội rất bức xúc. Vi phạm này có mấy nguyên nhân sau:

Thứ nhất, do chủ trương thu hút đầu tư, năng lực của các doanh nghiệp, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp. Thứ hai, năng lực để chúng ta kiểm tra, giám sát, kiểm soát chưa đầy đủ. Trên thực tế, riêng ngành tài nguyên, môi trường ở Trung ương cũng không kiểm soát hết được các đối tượng mình quản lý. Thứ ba, các biện pháp phòng ngừa, do trước đây chúng ta chưa nhận thức được nên chưa đưa ra được những yêu cầu về giám sát, kiểm soát thường xuyên, trong đó có vấn đề phát hiện của người dân.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đã đưa ra các giải pháp: Thứ nhất, cần rút ra bài học trong thời gian sắp tới, phải quan tâm từ khâu đánh giá tác động môi trường đến khâu phân loại các lĩnh vực đầu tư sản xuất, để khoanh lại những lĩnh vực tiềm năng ô nhiễm cao, xác định những doanh nghiệp cần quan tâm thường xuyên để quản lý.

Thứ hai, phải áp dụng các biện pháp công nghệ; yêu cầu đối với những khu vực khó có thể giám sát thường xuyên được thì phải có quan trắc tự động về không khí, nước. Các hệ thống này phải chuyển đến các cơ quan quản lý trực tiếp ở địa phương để giám sát, nếu có phát hiện vi phạm thì kịp thời xử lý.

Thứ ba, thanh tra, kiểm tra hiện nay không hiệu quả, thông báo đến thì doanh nghiệp có thể chạy hết công suất của công nghệ xử lý nhưng khi chúng ta về thì ban đêm có thể doanh nghiệp tắt máy v.v... Cho nên, thanh tra hiện nay cũng cần phải thay đổi, không phải thực hiện thanh tra thường xuyên mà cần thanh tra đột xuất trên cơ sở phát hiện của người dân.

Biện pháp cuối cùng là yêu cầu đình chỉ hoạt động nếu doanh nghiệp vi phạm một vài lần và trên thực tế công nghệ về sản xuất không thể khắc phục được. Tương lai, chúng ta cần phải phân dòng các loại đầu tư và phân dòng từ công nghệ sản xuất mới là chính. Sau đó, chúng ta mới quan tâm đến vấn đề giám sát, kiểm soát. Những loại hình thân thiện với môi trường thì chỉ quan tâm tới hậu kiểm, không tập trung quan tâm đến tất cả các loại hình công nghiệp.

Bộ trưởng cho rằng: “Trên thực tế, chúng ta không đủ năng lực, để giải quyết với tầm nhìn. Chúng ta cần phải phân loại dự án và phải đưa ra những quy định đầu tư để những dự án ngay từ đầu là những dự án thân thiện, công nghệ cao. Chúng ta phải làm tốt các khâu phòng ngừa trước”.

Bộ trưởng đưa ra giải pháp: Chúng ta cần phải khoanh vùng. Đối với những dự án tiềm năng ô nhiễm nguy cơ, bên cạnh cải tiến cách thức mà chúng ta thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm thì cần phải tăng cường các chế tài hơn. Đặc biệt, nếu khi đã vi phạm xả thải ra môi trường vượt quá quy định, nguy hiểm đến chất lượng và đời sống người dân thì cần phải có biện pháp để đình chỉ hoạt động. Bộ cũng đã tính đến tất cả vấn đề môi trường hiện nay là hoàn toàn có công nghệ xử lý. Chính vì vậy, việc chúng ta áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, nhưng nhà máy mà ô nhiễm thì phải chịu sự cung cấp các dịch vụ của các đơn vị xử lý. Và chúng ta phải tính thế nào để thu hút xã hội hóa tham gia khu vực này. Bên cạnh chú ý đầu tư về công nghệ, quy trình quản lý nghiêm ngặt thì cần phải quan tâm đến xử lý chất thải.

Vấn đề phế liệu nhập khẩu, chúng ta đã có rất nhiều quy định, kiểm soát từng lô hàng nhập nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều con đường để phế liệu ô nhiễm về đất nước ta. Theo Bộ trưởng phải tính đến lộ trình lựa chọn đối với phế liệu nào có thể có ý nghĩa đóng góp trong quá trình sản xuất, còn phế liệu có nguy cơ ô nhiễm thì chúng ta không cho nhập nữa. Sắp tới, trong luật phải có quy định cụ thể hơn về nhập phế liệu.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Mỗi năm nước ta có 12 triệu tấn rác thải và mỗi năm tăng thêm bình quân 9%, tức là khoảng 1 triệu tấn. Chúng ta đã sử dụng vốn ngân sách và vốn ODA rất lớn cho các nhà máy và doanh nghiệp xử lý rác thải ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,… Nhưng hầu hết, chúng ta đều chôn rác, gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến vấn đề tốn kém ngân sách và ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn vốn ODA”.

Đại biểu Nhưỡng đề nghị, Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này ? Giải pháp quản lý nguồn vốn ODA và ngân sách nhà nước để xử lý chất thải hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay khó khăn ở địa phương là nhiều nhà máy rác đã đầu tư kinh phí rất lớn, nhưng không vận hành được, không đáp ứng yêu cầu. Vốn từ ODA cũng là ngân sách, nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư cũng là nguồn lực xã hội nên hết sức lãng phí. Từ nay trở đi, khi ký hợp đồng với các công ty cung cấp các dịch vụ này, bên cạnh thỏa thuận về giá, chúng ta phải thỏa thuận việc họ phải chịu trách nhiệm đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường. Trong trường hợp không đáp ứng thì chúng tôi kiến nghị phải đóng cửa nhà máy đó.

“Nếu đóng cửa một nhà máy rác thì phải tính toán đến việc không xảy ra các vấn đề mất an ninh xã hội. Đặc biệt, khi tồn đọng một lượng rác lớn. Đây là bài toán có lẽ trung ương và địa phương sẽ cùng nhau xem xét” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Về giải pháp cụ thể, Bộ trưởng cho rằng: Phải huy động một phong trào toàn xã hội, người dân tham gia và phân loại tại nguồn. Đối với chất thải rắn thì không thể chôn lấp được; rác hữu cơ người dân có thể tự phân loại và tự xử lý được; còn đối với loại khác thì chúng ta cần phải tái chế, tái sử dụng. Hiện nay, đã có công nghệ để khí hóa thành nhiệt năng, thậm chí chất thải của nhiệt năng cũng có thể sử dụng làm phân vô cơ.

Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN