Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre đóng góp vấn đề tội phạm và vi phạm pháp luật, ma túy và tội phạm ma túy

14/11/2018 - 07:38

Đại biểu Quốc hội (QH) đơn vị tỉnh Bến Tre tham gia thảo luận báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Ngày 13-11-2018, QH thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, các đại biểu QH đơn vị tỉnh Bến Tre tham gia thảo luận:

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tán thành cao với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Báo cáo đã phản ánh khá đầy đủ, chân thực một bức tranh về hoạt động tư pháp, trong đó có hoạt động điều tra. Không ai phủ nhận rằng, các cơ quan điều tra nói chung, trong đó cơ quan điều tra Công an nhân dân đã có những cống hiến vô cùng to lớn trong hoạt động tố tụng. Hàng triệu vụ án lớn nhỏ đã được khám phá, góp phần mang lại sự bình yên cho xã hội và công lý con người.

Đại biểu Nhưỡng khẳng định, công tác điều tra là rất quan trọng. Công lao của cán bộ sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng điều tra là vô cùng to lớn. Những tấm gương của cán bộ điều tra rất sáng, rất trong. Có những hy sinh của người cán bộ điều tra là vô cùng oanh liệt. Đảng, nhân dân, Chính phủ, ngành Công an không bao giờ quên. Điều đáng tiếc là trong lĩnh vực điều tra vẫn còn có những con người không xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân, thậm chí có kẻ dám dùng bộ trang phục và quân hàm cao quý, nghiệp vụ chuyên môn nhà nước trang bị để lội ngược dòng đạo lý.

Qua các vụ án oan sai như: vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn - Bắc Giang; vụ Trần Văn Thêm - Bắc Ninh, Huỳnh Văn Nén - Bình Thuận, Phạm Hồng Thái - Ninh Bình v.v... và còn nhiều vụ đang trong diện xem xét vì người dân đang kêu oan. Những vụ án oan đó đều khởi nguồn từ hoạt động điều tra có sai sót, vi phạm rất nghiêm trọng pháp luật tố tụng. Qua đó, cho thấy các cơ quan có thẩm quyền trong đó có cơ quan điều tra đã chưa quan tâm quyết liệt trong việc xử lý các tin báo tố giác, tố cáo của công dân dẫn đến các đại án đã bị che mờ, không được ngăn chặn kịp thời.

Đại biểu Nhưỡng mong muốn sẽ có một cuộc cách mạng thực sự, để lực lượng điều tra, người giữ cửa đầu vào của công tác tố tụng nước nhà được chấn chỉnh, giúp đỡ, ủng hộ, tạo điều kiện để ngày càng trong sạch, vững mạnh, lấy lại niềm tin của Đảng, cử tri và nhân dân.

Đại biểu Đặng Thuần Phong góp ý vấn đề ma túy và tội phạm ma túy. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Đặng Thuần Phong góp ý vấn đề ma túy và tội phạm ma túy. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Đặng Thuần Phong đặc biệt quan tâm đến vấn đề ma túy và tội phạm ma túy. Vì đây là vấn đề hiện đang ám ảnh trong đời sống cộng đồng, đang là thách thức đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, tác động rất lớn đến thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Theo đại biểu Phong, tình hình ma túy và tội phạm về ma túy tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp xuất phát từ các nguyên nhân:

Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành không quy định cụ thể về quy trình cai nghiện, điều trị nghiện ma túy, chế độ cai nghiện, các can thiệp cần thiết đối với người nghiện ma túy. Một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành không đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định của một số luật được QH thông qua sau thời điểm Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực, như Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy đủ 12 đến dưới 18 tuổi không được thực hiện. Do khoản 1 Điều 29 của Luật Phòng, chống ma túy quy định: “Người nghiện ma túy từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ”. Cơ sở hiến định để áp dụng biện pháp này là Điều 61 Hiến pháp năm 1992. Cai nghiện bắt buộc đối với trẻ em hiện nay là biện pháp cai nghiện bắt buộc tại trung tâm, cách ly ra khỏi cộng đồng hai năm. Đây không phải là biện pháp thích hợp để bảo vệ trẻ em, chống lại việc sử dụng bất hợp pháp ma túy và không phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền trẻ em.

Quy định về biện pháp quản lý sau cai nghiện bắt buộc tại cơ sở quản lý trong Luật Phòng, chống ma túy hiện nay cũng không phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và cần được bãi bỏ.

Các loại ma túy mới liên tục xuất hiện, trong đó nhiều loại mạnh, cực độc, gây tác hại nghiêm trọng cho người sử dụng và là nguyên nhân của nhiều loại vi phạm pháp luật.

Nhận diện được những nguyên nhân trên, đại biểu Phong kiến nghị đối Chính phủ: (1) Tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy để sớm đề xuất với QH đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của QH. (2) Tiến hành rà soát, đánh giá các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống ma túy để kịp thời bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung những mâu thuẫn chồng chéo hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện. (3) Xác định rõ quan điểm, chủ động hơn trong việc huy động và bố trí nguồn lực phòng, chống ma túy. Trong đó, đảm bảo nguồn lực ngân sách nhà nước và huy động các nguồn xã hội hóa khác. Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng đề án để đảm bảo nguồn lực trong công tác phòng, chống, cai nghiện ma túy. (4) Sơ kết thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo tương thích trong xây dựng pháp luật và xử lý những vấn đề ma túy và cai nghiện ma túy. Chính phủ và Tòa án nhân dân cần nghiên cứu, xem xét về án ma túy theo tinh thần Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Tòa án và thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này để đảm bảo khả thi hơn trong tương lai và xử lý những vấn đề bức xúc do ma túy gây ra.

Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN