Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

16/11/2018 - 12:57

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy góp ý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy góp ý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Chiều 15-11-2018, Quốc hội (QH) biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn đại biểu QH tỉnh Bến Tre đã tham gia thảo luận.

Đại biểu Thủy thống nhất về sự cần thiết sửa đổi luật theo tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, đại biểu Thủy đề nghị, lần sửa đổi này cần rà soát, tính toán tính tương thích với các luật hiện hành, lường trước và dự báo những tác động về chính sách thuế, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia, để sửa đổi toàn diện đảm bảo “tuổi thọ” của luật.

Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2007. Sau 10 năm thi hành đã sửa đổi 3 lần vào các năm 2012, 2014, 2016, nếu tính luôn lần này là 4 lần. Như vậy từ năm 2012 đến nay, bình quân hơn 2 năm sửa đổi một lần. Có nghĩa cứ sau hơn 1 năm thi hành luật, cơ quan soạn thảo đã phải có các bước chuẩn bị để sửa đổi luật. Việc sửa đổi luật như vậy ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý thuế, nhất là việc thích ứng của người nộp thuế đối với cơ chế chính sách mới.

Đại biểu Thủy kỳ vọng lần sửa đổi này sẽ nhận diện rõ và bổ sung các giải pháp hiệu quả hơn để chống chuyển giá. Hiện nay, những hành vi chuyển giá rất đa dạng, tinh vi, việc bổ sung những giải pháp sửa đổi trong dự thảo luật là rất cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu Thủy băn khoăn về tính khả thi của một số giải pháp:

Về giao dịch điện tử: Dự thảo chưa quy định khuyến khích hay bắt buộc áp dụng mà chỉ quy định áp dụng khi có đủ điều kiện, như tại Khoản 1 Điều 8. Dự thảo cũng không đề cập điều kiện thực thi, lộ trình áp dụng, chế tài xử lý nếu không áp dụng. Thậm chí chưa quy định nội dung này trong nghĩa vụ của người nộp thuế tại Điều 17.

Về quản lý rủi ro tại Điều 9: Việc xác định tiêu chí, đánh giá, phân loại rủi ro phụ thuộc rất lớn vào năng lực và ý kiến chủ quan của cán bộ quản lý thuế. Trong khi chưa xây dựng được chuẩn mực đạo đức của cán bộ thuế. Những tiêu chuẩn công chức quy định tại Khoản 2 Điều 10 chưa mang tính đặc thù của ngành quản lý thuế. Như vậy, không nhất thiết phải đưa vào luật.

Về cơ chế thỏa thuận trước, về phương pháp xác định giá tính thuế: Mặc dù đây là phương pháp được đánh giá khá hiệu quả để chống chuyển giá trong thời điểm hiện nay, nhưng nguyên tắc được quy định tại Khoản 5 Điều 42 dự thảo chưa quy định trình tự, thủ tục, cách làm và lộ trình bắt buộc áp dụng, đối tượng bắt buộc áp dụng cơ chế này.

Về kiểm tra, thanh tra thuế: Mặc dù dự thảo luật dành đến 16 điều quy định về nội dung này, nhưng nội dung chi tiết các khoản gần như kế thừa Luật Thanh tra. Chưa có quy định đặc thù về thanh tra thuế. Thậm chí còn lẫn lộn, chồng chéo giữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Chưa làm rõ quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, của trưởng đoàn thanh tra và của thành viên đoàn thanh tra. Có nhiều quy định vượt quá thẩm quyền của thanh tra, trùng lặp chức năng của cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp. Cụ thể như: thẩm quyền khám, nơi cất giấu tài liệu, tang vật tại Điều 124. Đây thực chất là hoạt động điều tra thuế, là thẩm quyền, hành vi của các cơ quan điều tra hoặc của cơ quan được giao thực hiện một số nhiệm vụ điều tra.

Về biện pháp thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh Điều 135: Đây là biện pháp mạnh nhất, áp dụng biện pháp này doanh nghiệp phải giải thể. Khi đó mục đích thu được nợ thuế sẽ khó thực hiện và người nợ thuế vẫn có khả năng thành lập doanh nghiệp khác, nấp bóng người thân để tiếp tục kinh doanh. Hơn nữa, việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đồng thời cũng là giấy đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp FDI phải tuân thủ các quy định về đầu tư và giải quyết tài sản có liên quan không mấy dễ dàng.

Về kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên Điều 134: Thực tế cho thấy, khó xác định quyền sở hữu của đối tượng nộp thuế với tài sản bị kê biên mà pháp luật không quy định phải đăng ký; hoặc việc xác định tỷ lệ trách nhiệm của người nợ thuế với tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp. Hay xác định tỷ lệ tài sản đối với các tài sản có đồng sở hữu; hoặc trường hợp có đơn vị chi nhánh trực thuộc, hạch toán phụ thuộc công ty ở ngoài tỉnh. Khi đó cũng không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản đối với chi nhánh nợ thuế vì không phải là đối tượng nợ thuế. Còn nếu cưỡng chế thì chi nhánh lại không có tài sản; hay đối với các tài sản có giá trị cao phải đòi hỏi giám định chuyên môn; tài sản khó giữ gìn, rủi ro khi bảo quản, khó xác định giá trị thật của tài sản thì vẫn khó áp dụng biện pháp này.

Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN