Hai Bộ trưởng: Y tế, Nội vụ trả lời khá đầy đủ những vấn đề được nêu
Ngày 26-3-2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức họp phiên thứ 6 chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tham dự phiên chất vấn có đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị.
Hội nghị đã nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế về đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân và các vấn đề về điều chỉnh khung giá viện phí. Xoay quanh vấn đề này, có 37 câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong cả nước. Trong đó, có 25 câu hỏi chất vấn trực tiếp tại hội nghị về chính sách ưu đãi đối với cán bộ y tế, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, chính sách đầu tư cho y tế dự phòng; giá thuốc chưa được niêm yết kịp thời; tình hình quá tải đối với bệnh viện tuyến trên, bệnh viện công, trong khi bệnh viện tư lại không có bệnh nhân; bác sĩ công tác tại trung tâm y tế dự phòng không được đăng ký khám, chữa bệnh ngoài giờ. Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung chất vấn thái độ phục vụ của cán bộ y tế đối với việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng được ý kiến chất vấn của 25 đại biểu Quốc hội về những nội dung: tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước; chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở cơ sở, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật Cán bộ - Viên chức; cần có hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện các loại hợp đồng lao động, xử lý việc thuê người học, thi hộ của một số cán bộ công chức...
Nhìn chung, tại phiên chất vấn, 2 Bộ trưởng đã trả lời khá đầy đủ những vấn đề mà đại biểu Quốc hội các tỉnh nêu ra. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, để công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân được tốt hơn trong thời gian tới, ngành y tế phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải đoàn kết, phát huy trí tuệ, sức lực của toàn thể nhân viên trong ngành; chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người; chăm lo đào tạo nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài; quan tâm hơn nữa công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương để sớm đưa các đề án vào thực hiện. Tiếp tục rèn luyện y đức của người thầy thuốc. Đối với Bộ Nội vụ, cần đề xuất hoặc bổ sung những điểm còn bất cập trong Nghị định 92/NĐ-CP, Luật Tổ chức HĐND và UBND; xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để thu hút nhân tài về công tác ở cơ sở.