Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

23/10/2019 - 13:44

Ông Cao Văn Trọng - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.

Ông Cao Văn Trọng - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.

Chiều ngày 22-10-2019, tiếp tục thực hiện chương trình làm việc tại kỳ họp, QH thảo luận ở tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; Việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015. Các đại biểu QH đơn vị tỉnh tích cực tham gia thảo luận.

Ông Cao Văn Trọng - Trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh thống nhất cao với chủ trương tại dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Bởi vì, có sự chênh giữa Luật Quản lý thuế năm 2006 và Luật thuế năm 2019.

Luật quản lý thuế năm 2006 quy định thời hạn xóa thuế là 10 năm, trong thời gian đó, tại các địa phương rơi vào thời gian sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, nên việc tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Sự phối hợp giữa cấp phép đăng ký kinh doanh và quản lý thuế chưa chặt chẽ.

Về thẩm quyền xử ký thuế thì nên quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyền xử lý xóa nợ thuế đến 5 tỷ đồng sẽ phù hợp hơn, không nên quy định thẩm quyền quá cao.

Về lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, đại biểu Trọng cho rằng, do quá trình xây dựng Luật Khoáng sản (2010) và Luật Tài nguyên nước (2012), QH đã thảo luận tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu QH, nên cần có sự thay đổi so với dự thảo ban đầu, vượt ngoài khả năng trình ban đầu của Chính phủ, do đó việc cụ thể hóa các quy định và cũng như chưa lường trước các khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thi hành Luật, đây là yếu tố khách quan.

Ngoài ra, đại biểu Trọng cũng nêu vấn đề, từ khi Luật có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định 203/2013; Nghị định 82/2017 để triển khai thực hiện, nhưng Chính phủ đã không xin ý kiến QH về việc thu tiền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước dẫn đến thất thu cho Nhà nước. Cần xem xét xử lý trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN