Đại Điền trong niềm vui mới

18/12/2015 - 07:10

Trồng màu trên đất giồng cát Đại Điền. Ảnh: Hữu Hiệp

Đại Điền (Thạnh Phú) là xã thứ 9 của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, đến nay 9/9 huyện, thành phố đều có xã nông thôn mới, cụ thể là: Châu Bình (Giồng Trôm), Phú Nhuận (TP. Bến Tre), Hữu Định (Châu Thành), Sơn Định (Chợ Lách), Phú Thuận (Bình Đại), Định Thủy (Mỏ Cày Nam), Tân Thủy (Ba Tri), Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc) và Đại Điền (Thạnh Phú). 

Nhờ sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân và sự quan tâm hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, đến nay, xã Đại Điền (Thạnh Phú) đã thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Đó là niềm vui, niềm tự hào, là thành quả lao động đáng trân trọng của Đảng bộ và nhân dân nơi đây.

Xã có diện tích tự nhiên 1.132,67ha; 7 ấp với 1.670 hộ, 8.347 nhân khẩu. Kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trong đó cây dừa và con bò được xem là cây trồng và vật nuôi chủ lực, còn lại là hoạt động thương mại, tiểu thủ công nghiệp…

Nhiều cách làm hiệu quả

Trước khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã chỉ đạt 5/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo 11,49%, thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/năm, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa được xây dựng đồng bộ, đời sống của người dân chưa được nâng cao. Sau khi tiếp thu chủ trương và chính sách về xây dựng NTM, Đảng ủy xã đã cụ thể hóa thành nghị quyết về xây dựng xã NTM đến năm 2015, đồng thời triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn; phân công thành viên trong Ban Thường vụ Đảng ủy phụ trách chung các ấp hỗ trợ thực hiện xây dựng NTM và thành lập 7 tổ công tác, do đồng chí cấp ủy viên phụ trách ấp làm tổ trưởng, trực tiếp hỗ trợ 7 ấp vận động người dân tham gia chương trình.

Năm đầu tiên, xã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền về xây dựng NTM để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; tăng cường tổ chức tập huấn để cán bộ, người dân hiểu rõ về cách tiếp cận và tham gia xây dựng NTM. Năm thứ hai, xã tập trung huy động nguồn lực trong dân để xây dựng các tuyến đường từ ấp đến xóm; hướng dẫn người dân phát triển các mô hình sản xuất, góp phần cải thiện mức thu nhập. Năm thứ ba, bên cạnh vận động người dân xây dựng nhà ở dân cư, xã vận động người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế, thực hiện bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan môi trường thông thoáng. Năm cuối cùng, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn của các cấp, tập trung huy động nguồn lực trong dân, xã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ.

 Với vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, người dân đã tích cực tham gia xây dựng đường giao thông và đóng góp tiền mặt, hiến 69.480m2 đất, 350 cây lâu năm, 2.613 ngày công lao động, với tổng giá trị hơn 12 tỷ đồng. Các công trình công cộng đều được bàn bạc công khai và lấy ý kiến của nhân dân và thành lập ban giám sát đầu tư của cộng đồng để thực hiện công tác giám sát.

Kinh tế phát triển khá ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao được hình thành và nhân rộng đã góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã lên trên 29 triệu đồng/năm vào năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,67%.

Cầu bê-tông vừa được đầu tư xây mới khang trang. Ảnh: H. Hiệp

Nhận thức được mục tiêu của chương trình là phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã lãnh đạo thực hiện Đề án xây dựng NTM, Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tập trung đầu tư thế mạnh là cây dừa và con bò, kết hợp với trồng xen, nuôi xen. Vận động người dân tham gia các tổ hợp tác, từ đó bước đầu đã hình thành các mối liên kết trong sản xuất, dần thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Đến nay, xã đã thành lập được 6 tổ hợp tác, trong đó có 5 tổ hoạt động có hiệu quả như: nâng cao chất lượng vườn dừa, nuôi bò sinh sản, chăn nuôi gà thả vườn... Xã đang triển khai thực hiện mô hình sơ chế trái dừa nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm của tổ hợp tác nâng cao chất lượng vườn dừa, giải quyết việc làm cho người dân, từ đó tăng thu nhập cho hộ gia đình.

Chuyển biến phong trào

4 năm qua, xã đã huy động được 133,918 tỷ đồng, trong đó vốn Ngân sách Trung ương, tỉnh 86,176 tỷ đồng; huyện 12,141 tỷ đồng; còn lại là các nguốn khác từ doanh nghiệp, dân, tín dụng, ngân sách xã...

Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của xã được xây dựng khang trang, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét. Xã hiện có 12,904km đường giao thông đã được xây dựng đạt chuẩn; 10,466km đường tổ và liên tổ nhân dân tự quản đã được bê-tông hóa; 15 cây cầu được xây dựng kiên cố, không còn cầu cây tre tạm bợ; 24,071/30,371km kênh thủy lợi đã được nạo vét cơ giới, gồm 15 tuyến phục vụ cho sản xuất, dân sinh; tiến hành kiên cố hóa mặt đê ven sông Hàm Luông, chiều dài 2,325km và bố trí 1 cống ngăn mặn cục bộ ở ấp Mỹ. Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã được xây dựng đạt chuẩn, các ấp cũng đã xây dựng nhà văn hóa. Chợ Giồng Luông được doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng mới đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân.

Công tác giáo dục luôn được quan tâm. Cụ thể, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, học nghề đạt tỷ lệ 97,2%/80%; đạt và duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS từ năm 2002 đến nay. Xã quan tâm vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế, hiện có 5.587 người tham gia, đạt 75,6%. Y tế xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia và được giữ vững.

Có trên 90% số hộ thực hiện cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào, cổng theo quy định, hệ thống đường giao thông trục xã, liên xã, đường từ xã đến ấp, đường liên ấp, liên xóm đều được trồng cây xanh, tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh. Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. 98,5% hộ dân có hố xí hợp vệ sinh. 90% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 67,5% hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia.

Hoàn thiện hơn

Đảng bộ và nhân dân xã Đại Điền sẽ quyết tâm hơn nữa trong việc củng cố, nâng chất các tiêu chí xã NTM, hoàn thiện từng tiêu chí lên mức cao hơn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, trong đó nội lực của cộng đồng dân cư là chính. Thực hiện tốt công tác giáo dục, chăm lo sức khỏe người dân, mở rộng phát triển nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tập trung phát triển kinh tế, xem đây là nhiệm vụ trung tâm. Chú trọng phát triển các mô hình mang lại hiệu quả cao, vững chắc hơn để đời sống vật chất của nhân dân xã Đại Điền ngày càng tốt hơn... 

Nhìn lại một chặng đường

Bốn năm là một chặng đường dài nhiều thử thách đối với vai trò và trách nhiệm của hệ thống Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã Đại Điền. Một lực lượng nòng cốt, luôn đi đầu, biết vượt khó, vận dụng cách làm hay, nhân rộng mô hình tốt từ công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tạo ra những công trình thiết thực, cụ thể. Với người dân, sự chung tay, chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) vượt ngoài ý nghĩa của sự hy sinh, sự đóng góp rất lớn ấy để đổi lấy diện mạo quê hương mới. Tất cả là dành cho thế hệ mai sau được thụ hưởng một xã hội tốt đẹp và tươi sáng hơn.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nguyễn Văn Tròn: “Rất có ý nghĩa”

Xây dựng thành công xã NTM như hôm nay, đối với Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã là một chặng đường nhiều thử thách, một sự tôi luyện, một sự cọ xát rất lớn với nhiều ý nghĩa cho cán bộ đối với công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và quần chúng cùng chung tay, chung lòng ra sức xây dựng quê hương Đại Điền. Riêng đối với MTTQ, lời kêu gọi ngay từ đầu phát động phong trào chung đã có ý nghĩa và thành hiện thực. Tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng từ mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào, tích cực chung tay đóng góp cả vật chất lẫn tinh thần cho xây dựng quê hương rất cao.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Võ Thị Ngọc Diễm: “Chuyện bếp núc, nhà sạch, ngõ đẹp là chuyện thường ngày của chị em”

 Hội Phụ nữ được giao 12 tiêu chí thực hiện và phối hợp thực hiện, trong số đó có tiêu chí môi trường - một tiêu chí khó, nhưng với vai trò và trách nhiệm của Hội, công tác tuyên truyền, vận động đã thấm nhuần, chị em phụ nữ ra sức chung tay bảo vệ và giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp từ nhà ra ngõ, giữ gìn cảnh quan chung. Hội đã thành lập được các câu lạc bộ như: “Phụ nữ với tuyến đường không có rác”, “Phụ nữ với tuyến đường hoa”, mô hình “Đường sạch, ngõ đẹp”, “Phụ nữ với không gian sống gia đình sạch, đẹp và gọn”… Hàng tháng, các câu lạc bộ đều tổ chức ra quân dọn dẹp rác tại những tuyến đường mình phụ trách, gìn giữ, tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp.

Bí thư Xã Đoàn Phạm Trần Phương Linh: “Phát huy sức trẻ, đột phá vào lĩnh vực kinh tế”

Trong phong trào chung tay xây dựng NTM, Đoàn Thanh niên được giao nhiệm vụ phụ trách 6 nội dung trong 19 tiêu chí. Trong đó, Đoàn Thanh niên tạo bước đột phá sâu vào lĩnh vực phát triển kinh tế cho đoàn viên, thanh niên bằng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của đoàn viên, thanh niên. Cụ thể, đã xây dựng nhiều mô hình giúp thanh niên phát triển kinh tế hộ, trong đó, nổi bật có Tổ hợp tác nuôi bò Thành Công của ấp Quí Mỹ. Phát huy vai trò xung kích, tinh thần tiến công vào việc khó, đoàn viên, thanh niên xông xáo, có mặt đảm đương nhiều công việc khó, phối hợp thực hiện và hoàn thành nhiều tiêu chí NTM cùng các đoàn thể.

Hộ bà Lê Thị Sáu (ấp Quí Mỹ): “Tất cả sự hy sinh này là dành cho thế hệ trẻ được hưởng một xã hội tốt đẹp và tươi sáng hơn”

Cùng chung tay xây dựng xã NTM Đại Điền, hộ bà Lê Thị Sáu đã hiến gần 2.000m2 đất, 22 cây dừa đang cho trái.

Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Võ Văn Chân: “Từng hội viên nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, đi đầu”

 Được xác định là lực lượng nòng cốt, then chốt trong phong trào này, chúng tôi luôn làm trước để nêu gương, điển hình để đẩy mạnh phong trào trong mọi tầng lớp nhân dân noi theo. Được giao 10 tiêu chí thực hiện và phối hợp với các đoàn thể khác thực hiện, hội viên Hội Cựu chiến binh luôn có mặt trên tất cả các tiêu chí, hoàn thành xuất sắc vai trò, trách nhiệm của mình. Nhiều tập thể, cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu, điển hình được chọn để nhân rộng như hộ ông Nguyễn Văn Trừ, Nguyễn Văn Tiến… có nhiều đóng góp bằng tiền, đất đai, hoa màu cho phong trào, được khen ngợi.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Thanh Sang: “Tiêu chí số 13 rất quan trọng”

Không những tuyên truyền, vận động để người dân chuyển đổi cây, con giống, cải tạo lại vườn tạp, hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Hội còn phải làm tốt công tác tham mưu để lãnh đạo xã đề xuất, tìm nguồn hỗ trợ về vốn, cây giống, con giống và phải có mô hình để người dân tin tưởng và nhân rộng được. Đến nay, Hội đã xây dựng rất nhiều mô hình, như: chăn nuôi bò sinh sản, vườn dừa chất lượng và phát động phong trào đưa cây màu xuống chân ruộng… mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của bà con.

Hộ ông Nguyễn Văn Bảy (ấp Vĩnh Nam): “Nhờ NTM mà đường sá bây giờ sạch, đẹp, xe chạy bon bon”

Hộ ông Nguyễn Văn Bảy cũng tự nguyện hiến gần 2.000m2 đất khi công trình lộ bê-tông đi qua phần đất của mình. Ông Bảy tâm sự với chúng tôi: “Bây giờ tôi cũng còn ngỡ ngàng, không nghĩ con đê 418 này lại được bê-tông đẹp đến vậy”.

Thành Lập

Lê Trung

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN