Đầm ấm nghĩa tình dưới tán phi lao

24/04/2015 - 07:02

Từ một cặp dê giống và nhờ nguồn thức ăn ở rừng dồi dào nên chỉ sau 2 năm, đàn dê của vợ chồng ông Ngô Văn Hùng đã gần chục con..

Tuy cuộc sống chật vật ở nơi “đầu ghềnh cuối bãi” dưới tán rừng phi lao thuộc rừng phòng hộ và đặc dụng địa bàn ấp 7, xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, nhưng đôi vợ chồng nghèo Ngô Văn Hùng, Nguyễn Thị Bự không cảm thấy quạnh hiu, trái lại còn đong đầy hạnh phúc và nhiều ý nghĩa.

Giữa rừng phi lao rì rào gió lộng, những tổ ong bần còn vi vu trong rừng như thổi sáo. Đã hơn 10 năm qua, đôi vợ chồng nghèo Ngô Văn Hùng, Nguyễn Thị Bự (54 tuổi, ở ấp 6, xã Thạnh Phong) được Ban quản lý rừng cho nương náu ở một góc để sinh sống, làm ăn. “Hồi đó, sau một lần sân nghêu bị vỡ, công việc làm bảo vệ của vợ chồng tôi bị mất, chẳng biết nương tựa vào đâu để kiếm cái ăn, lo cho 6 đứa con còn nhỏ. Thấy gia cảnh sắp lâm vào đường cùng nên Ban quản lý rừng tạo điều kiện cho vợ chồng tôi về sống nơi đây để ươm cây con bán cho họ. Nhờ đó, nhà tôi không phải chịu cảnh thiếu đói.” - bà Bự nhớ lại.

Nằm khép nép bên bìa rừng, cạnh một dòng kênh nhỏ đổ ra biển Đông, duy nhất một ngôi nhà lá đơn sơ nhưng tươm tất của đôi vợ chồng họ. Nếu lội bộ xuyên rừng phải qua khoảng 4km; nếu đi bằng ghe khi con nước lớn thì ít nhất cũng mất 40 phút đồng hồ. “Nhớ lúc mới ra, có ông bạn quê bên Duyên Hải (Trà Vinh) làm nghề thả lưới ở đây hù là bên Cà Mau có nhiều người ở nơi hẻo lánh như vợ chồng tôi bị đau ruột thừa chết hoài, do không cấp cứu kịp. Lúc đầu cũng lo lắm nhưng quần quật làm để có đủ tiền nuôi con, riết rồi quên…” - ông Hùng nói. 

Ngồi vuốt ve con chó đen lông xù, to tướng - người bạn thân thiết của đôi vợ chồng già, ông Hùng kể: “Lúc mới ra, mọi thứ rất khó khăn, sợ sệt đủ điều nhưng thương con, vợ chồng tôi phải cắn răng chịu đựng. Khoảng từ tháng 3 đến tháng 7 (âm lịch) thì ươm cây phi lao giống bán (900 đồng/cây) cho Ban quản lý rừng, mỗi vụ cũng kiếm khoảng 6 triệu đồng tiền lời. Các tháng còn lại thì thả lưới, giăng câu, bắt cua, lấy mật ong.... Chắt chiu mãi đến năm thứ 3, cuộc sống dần ổn định, sau đó mua được mấy con gà, cặp dê làm giống, cũng vì thức ăn tự nhiên dồi dào nên chúng lớn nhanh như thổi và sinh sản rất tốt. Sang năm thứ 5, tôi mua được chiếc vỏ lãi, thế là từ đó ra vào nhà thường xuyên hơn, bữa ăn bắt đầu có thêm canh riu, rau cải... Và cũng từ đó, tuy vẫn sống trong cảnh không có điện, chiều về vẫn phải vô mùng sớm vì muỗi bu như tổ ong mật nhưng nằm trong mùng móc cái điện thoại “cùi bắp” ra gọi để nghe mấy đứa con đang làm công nhân ở thành phố tâm tình, rồi chìm vào giấc ngủ. Cuộc sống vợ chồng già từ lâu đã không còn cảm thấy quạnh hiu nữa rồi.”. Trong khi ông Hùng kể chuyện thì bà Bự tranh thủ ra sông bẻ mớ cóc kèn, rau mui cho đàn dê 7 con ăn và uống nước.

Dự án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Thạnh Phong đang ở giai đoạn cuối để chuẩn bị đón khách. Bên cạnh đó là việc thi công đường đê nối từ đất liền xuyên qua Cồn Đâm tới biển, vừa mang ý nghĩa quốc phòng, vừa mang ý nghĩa phục vụ du lịch cũng đang khẩn trương thi công. “Vợ chồng tôi vẫn ở đây, cũng ươm cây để góp phần làm nên nhiều khu rừng xanh mới, cũng sẽ một lòng cùng bộ đội giữ rừng phòng hộ chắn sóng biển, bảo vệ đất liền, cùng với Ban quản lý du lịch làm tốt việc phục vụ khách… và sẽ như vậy suốt đời. Bám rừng với chúng tôi là điều hạnh phúc nhất.” - vợ chồng ông Hùng quả quyết.

Bài, ảnh: Mã Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN