Trong những năm qua, nhất là sau khi ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững (*) (PTBV), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong cả 3 trụ cột về: kinh tế, xã hội và môi trường của PTBV và đã được tổng kết trong các Hội nghị PTBV toàn quốc lần thứ nhất (12-2004), lần thứ hai (5-2006) và lần thứ ba (1-2011). Đặc biệt là về lĩnh vực môi trường, nhận thức về bảo vệ môi trường (BVMT) và PTBV đã được nâng lên. Vấn đề BVMT được lồng ghép vào các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Ngày
càng hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường
Theo đó, hệ thống chính sách, pháp luật về
BVMT được xây dựng khá đầy đủ và toàn diện với các văn bản khung là Luật BVMT
năm 2005 và Luật Đa dạng sinh học năm 2008 đã được ban hành. Hệ thống các văn bản
hướng dẫn thi hành ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Pháp luật về đất đai,
tài nguyên nước, bảo vệ và phát triển rừng, thủy sản, hóa chất, khoáng sản…
đang dần được bổ sung, sửa đổi trong thời gian qua theo hướng quy định đầy đủ,
cụ thể hơn về PTBV. Việt Nam đã xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng
sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước Đa dạng
sinh học và Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học”. Theo đó, hàng loạt
các quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn đa dạng sinh học đã được xây dựng và thực
thi.
Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ
môi trường từ Trung ương đến địa phương từng bước được kiện toàn và đi vào hoạt
động ổn định. Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập vào năm 2002, với chức
năng quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Hầu hết các tỉnh, thành phố
đã thành lập Chi cục Bảo vệ môi trường, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đã có 672/674 quận, huyện trên cả nước thành lập Phòng Tài nguyên và Môi trường
(trừ huyện đảo Bạch Long và Trường Sa). Ở hầu hết các xã, phường đều đã có cán
bộ địa chính kiêm nhiệm công tác BVMT. Ở nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế,
tổng công ty, ban quản lý khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh… cũng đã
thành lập các phòng, ban, bộ phận hoặc bố trí cán bộ chuyên trách về môi trường.
Kinh phí cho công tác BVMT đã được tăng cường.
Chi ngân sách cho BVMT đã tăng dần trong những năm qua, đạt 1% tổng chi ngân
sách và đến năm 2010 đạt khoảng 6 ngàn tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2004.
Trong giai đoạn 2000-2009 đã huy động được nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức
(ODA) cho BVMT đạt khoảng 3,2 tỷ USD (bao gồm: lâm nghiệp, cấp thoát nước, xử
lý nước thải và vệ sinh môi trường), trong đó vốn vay đạt khoảng 2,4 tỷ USD, viện
trợ không hoàn lại đạt khoảng 0,79 tỷ USD.
Kiểm
soát tốt ô nhiễm môi trường
Nhiều nội dung về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm
và bảo tồn đa dạng sinh học đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc lồng
ghép các vấn đề về môi trường từ giai đoạn lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
và giai đoạn chuẩn bị đầu tư các dự án đã góp phần hạn chế và giảm thiểu ô nhiễm
môi trường. Một số dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm đã bị từ chối cấp phép
đầu tư. Việt Nam đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp
nước sạch cho 76% dân số đô thị. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị đã được
tăng lên, ước đạt 80 - 82% ở các vùng nội thị, 70 - 72% tính chung cho các đô
thị, tỷ lệ chất thải rắn bệnh viện được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường
là 80%.
Trong sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ xã áp dụng
quản lý phòng trừ dịch hại tổng hợp toàn quốc đạt khá cao, khoảng 60 - 65% tỷ lệ
xã được phổ biến, tập huấn các quy định về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đạt
khoảng 75%. Vệ sinh môi trường nông thôn dần được cải thiện, với khoảng 53% đường
nông thôn đã được kiên cố hóa, 8 - 10% hộ gia đình dùng khí sinh học, số hộ gia
đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt khoảng 83%. Tỷ lệ diện tích đất có rừng che phủ
tăng từ 34,4% vào năm 2003 lên 39,5% vào năm 2010.
Về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học,
đã thiết lập được 164 khu vực bảo vệ trên cạn, bao gồm 30 vườn quốc gia, 69 khu
bảo tồn thiên nhiên, 45 khu bảo tồn văn hóa và du lịch, 20 khu rừng nghiên cứu
thực nghiệm; Chính phủ phê duyệt 45 khu bảo tồn đất ngập nước nội địa (năm
2008) và hệ thống 16 khu bảo tồn biển (năm 2010).
Trong tương lai, Việt Nam là một trong những
nước chịu tác động tiêu cực mạnh mẽ nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển
dâng và thường xuyên bị thiên tai, làm cho việc đảm bảo môi trường bền vững đòi
hỏi sự nỗ lực hơn nhiều trong thời gian tới. Việc đảm bảo bền vững về môi trường
là thách thức lớn đối với Việt Nam ở tất cả các khía cạnh về môi trường. Nỗ lực
của một quốc gia riêng lẻ là chưa đủ, nhất là khi quá trình công nghiệp hóa đi
sâu, thì chi phí để phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và
tình trạng nước biển dâng cần phải có sự hợp tác chặt chẽ của nhiều nước.
(*): “Phát triển bền vững có thể hiểu khái
quát là đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ
môi trường”.