Đan bội kẽm tạo nguồn thu nhập cho nhiều gia đình

30/11/2022 - 05:50

BDK - Bà Bùi Thị Ngọc Lan (Út Lan), sinh năm 1973, ấp Phước Lý, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc hơn 12 năm gắn bó cùng công việc đan bội kẽm. Hiện tại, bà Út Lan nhận hàng về nhà gia công, tạo việc làm cho lao động ở địa phương (tập trung làm tại nhà bà cũng như nhận nguyên liệu về nhà làm). Phụ nữ đan bội kẽm có thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Riêng bà Út Lan có thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng.

Các tổ viên Tổ nghề nghiệp Đan bội kẽm đang làm việc tại điểm nhà bà Út Lan, ấp Phước Lý, xã Phước Mỹ Trung (Mỏ Cày Bắc).

Các tổ viên Tổ nghề nghiệp Đan bội kẽm đang làm việc tại điểm nhà bà Út Lan, ấp Phước Lý, xã Phước Mỹ Trung (Mỏ Cày Bắc).

Năm 2009, bà Út Lan đi học nghề và đan bội kẽm thuê cho cơ sở ở xã Tân Hội (Mỏ Cày Nam), thu nhập 150 ngàn đồng/ngày. Sau 1 năm học hỏi và làm việc, bà về nhà tập hợp phụ nữ địa phương cùng nhau nhận hàng về gia công. Bà hướng dẫn kỹ thuật đan bội kẽm cho lao động, phụ nữ thông qua việc đứng dạy với nhiều lớp học nghề do địa phương tổ chức. Hiện nay, Tổ nghề nghiệp Đan bội kẽm (ấp Phước Lý) do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Mỹ Trung quản lý đã được thành lập. Có 12 thành viên phụ nữ, lao động tham gia (10 người làm tại nhà bà Út Lan và 2 hộ lãnh về nhà gia công), bà Bùi Thị Ngọc Lan làm Tổ trưởng.

“Tôi có thâm niên hơn 10 năm trong nghề. Công việc gắn chặt cuộc sống và tạo thu nhập cho nhiều gia đình và cũng là công việc chính của bản thân. Nhà gần đây, tôi tận dụng thời gian đến làm, tạo thu nhập cho gia đình cũng như tranh thủ đưa rước con gái đi học. Công việc này không ràng buộc thời gian. Gia công được tính theo sản phẩm. Trung bình tôi hoàn thành hơn 8 sản phẩm/ngày, được trả công từ 20 ngàn đồng/sản phẩm trở lên (tùy thuộc vào độ khó của sản phẩm)”, bà Lê Thị Chi (48 tuổi, ấp Phước Lý) bộc bạch.

Tổ nghề nghiệp Đan bội kẽm ấp Phước Lý giao hàng từ 20 - 50 bội/ngày cho khách hàng trong và ngoài tỉnh như: Bình Dương, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu... ai đặt hàng với giá cả phù hợp đều nhận. Tổ gia công theo yêu cầu của khách hàng, chi trả tiền gia công phụ thuộc vào kích cỡ. Bội bề hoành tròn 1m và cao 70cm là 20 ngàn đồng/cái, bội có hoành 1,1m và cao 80cm thì 40 ngàn đồng/cái. Mỗi người hoàn thành ít nhất 5 bội/ngày, với giá gia công thấp nhất là 20 ngàn đồng/bội. Một bội kẽm được tổng hợp từ nhiều công đoạn như: hàn niềng đầu, tạo nắp gắn vào niềng đầu, ép niềng chưn (500 đồng/niềng) và tiến hành đan bội thật tỉ mỉ cũng như công phu. Mỗi người phụ trách một công đoạn.

Bà Út Lan nhận nguồn nguyên liệu kẽm cắt sẵn của đại lý tại xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam, với 2 tấn/chuyến, 10 ngày/lần. Trước kia, nguyên liệu kẽm có giá từ 16 - 17 ngàn đồng/kg và nay 21 ngàn đồng/kg đã kéo giảm lợi nhuận do tăng chi phí đầu tư, hoàn thành 1 bội tốn ít nhất 4kg kẽm. Bội chuẩn (70cm x 100cm) có giá 130 ngàn đồng/cái, được thiết kế với 12 niềng và 45 cọng kẽm. Bỏ hết mọi chi phí đầu tư từ nguyên liệu kẽm, trả công đan bội kẽm, 1 lao động (cắt kẽm và hàn niềng nắp) với 6 triệu đồng/tháng thì bà Út Lan có lợi nhuận khoảng 10 ngàn đồng/bội. 

“Công việc này phù hợp mọi lứa tuổi. Có sức khỏe là có thể nhận làm gia công. Trên hết, tôi nhận thấy phụ nữ địa phương cần có một công việc phù hợp, giúp tạo thu nhập ổn định nên quyết định gắn kết mọi người cùng nhau phát triển kinh tế”, Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp Đan bội kẽm Bùi Thị Ngọc Lan chia sẻ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Mỹ Trung Đỗ Thị Soàn cho biết: Ở địa phương, công việc nhận gia công đan bội kẽm có cũng lâu nhưng số lượng ít với hộ nhỏ lẻ. Từ năm 2019, phát triển rộng khắp, chủ yếu ở ấp Phước Lý (Tổ nghề nghiệp Đan bội kẽm do chị Út Lan làm Tổ trưởng), ấp Phước Hậu và các ấp khác (1 - 2 hộ/ấp). Chị Bùi Thị Ngọc Lan có thâm niên về đan bội kẽm và gắn kết, chia sẻ khó khăn cùng địa phương. Năm 2020, địa phương mở lớp học nghề đan bội kẽm (Chị Út Lan đứng lớp hướng dẫn) cho người dân, do vướng dịch Covid-19 nên người dân tạm hoãn nhận hàng về gia công. 6 - 7 tháng nay, công việc đan bội kẽm bắt đầu khởi động trở lại, giúp tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Bài, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN