Dân ca sẽ mãi còn lưu giữ

01/09/2013 - 15:59
Tiết mục biểu diễn của đơn vị TP. Bến Tre với bài dân ca Nghinh Lộc (điệu bóng rỗi).

Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, dân ca (DC) được xem là một trong những thể loại âm nhạc truyền thống mang bản sắc văn hóa dân gian, có sức sống qua nhiều thế kỷ.

Các làn điệu DC, đã phản ánh đời sống tinh thần của người dân lao động ở khắp các vùng miền trên quê hương Việt Nam. Chính vì những giá trị ấy, giữ gìn và quảng bá các làn điệu DC Việt Nam là việc không chỉ của những người làm công tác văn hóa mà cần có sự quan tâm của quần chúng nhân dân.

Đôi nét đặc trưng của các làn điệu dân ca

Theo các tài liệu ghi chép về DC Việt Nam, làn điệu DC gồm nhiều thể thức: hát ru, hát quan họ, hát xẩm, các điệu hò, điệu lý, đồng dao, nói thơ, ngâm thơ hay cả hát sắc bùa, điệu bóng rỗi... Vì các làn điệu DC được người dân lao động ở khắp các vùng miền sáng tác nên rất đa dạng về giai điệu, phong phú về nội dung. Dù vậy, nét chung nhất của các bài bản DC (ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam) là đều thể hiện sự dân dã, mộc mạc, âm hưởng tình cảm nhẹ nhàng, nội dung chứa đựng những tâm tư, ước muốn hoặc phản ánh đời sống lao động của người nông dân, ngư dân; tôn vinh những giá trị tình cảm cao đẹp của con người như: lòng thủy chung, hiếu thảo, tình yêu dành cho quê hương, tình cảm giữa người và người... Vì do các bài DC được người dân lao động sáng tác ngẫu nhiên trong quá trình lao động, sinh hoạt đời thường và được truyền miệng qua nhiều thế hệ nên có nhiều dị bản và phần lớn đều không rõ tác giả. Tuy vậy, ý nghĩa của mỗi bài bản DC (truyền thống) vẫn còn nguyên giá trị.

Nhiều bài DC Nam Bộ đã trở nên quen thuộc, gần gũi không chỉ với những người lớn tuổi và cả với lớp trẻ hiện tại như: Lý ngựa ô, Lý con sáo, Lý chim quyên, Lý kéo chài... Ngoài ra, trong kho tàng DC Nam bộ còn có: Vè làm ruộng, Vè nói ngược, Lý đất giồng, Lý áo vá quàng, Lý mười hai tháng, Hò yêu nước, Hò đối đáp trao duyên, các bài hát ru con... Riêng ở Bến Tre có rất nhiều làn điệu DC như: hò, vè, lý, hát huê tình, hát đối đáp, hát sắc bùa... Cụ thể: Lý Cái Mơn, Lý con sáo Bến Tre, Hò chèo thuyền, Hò cấy lúa, hát sắc bùa Phú Lễ, nói thơ Lục Vân Tiên...

Chung tay dành “chỗ đứng” cho dân ca

Nhiều năm qua, Bến Tre đã thực hiện nhiều phương thức ở nhiều cấp độ khác nhau để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống (trùng tu di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, sưu tầm gìn giữ văn hóa phi vật thể...), trong đó, có các hoạt động quảng bá các làn điệu DC, nhất là DC Nam Bộ, DC Bến Tre. Trong nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, lúc nào Ban tổ chức cũng khuyến khích sử dụng các làn điệu DC và dành nhiều thiện cảm, ưu ái cho phần thi có các bài DC. Không những thế, trong các hoạt động văn hóa... cũng được ngành văn hóa Bến Tre lồng ghép biểu diễn, giới thiệu các bài DC, nhất là các bài DC của quê hương Bến Tre. Trong những lần tham dự hội diễn cấp khu vực và toàn quốc, giao lưu tỉnh bạn..., Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng đã xây dựng nhiều tiết mục hát múa DC, qua đó, đã góp phần giới thiệu các bài DC của xứ Dừa đến đông đảo khán giả gần xa trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bến Tre cũng đã tổ chức nhiều cuộc Liên hoan “Thanh niên hát DC” (TNHDC). Song song với Đoàn cấp tỉnh, một số huyện đoàn và thành đoàn cũng đã tổ chức thành công nhiều cuộc liên hoan như thế. Dẫu rằng, đấy chỉ là một hoạt động tạo sân chơi cho các bạn trẻ, nhưng qua đó, đã thu hút được sự quan tâm của các bạn trẻ với các bài DC, góp phần hun đúc thêm sức sống cho DC. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Nhung - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, cho biết: Nghị quyết Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã được hệ thống Đoàn các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả trong 15 năm qua. Liên hoan “Thanh niên hát DC” là một trong những hoạt động thiết thực của tuổi trẻ tỉnh nhà trong việc bảo tồn, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, của quê hương Đồng Khởi anh hùng.    

Theo Nhạc sĩ Lan Phong - hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thông qua các hội thi, liên hoan (như Liên hoan Thanh niên hát DC của Tỉnh Đoàn Bến Tre tổ chức), việc phát động hát DC trong giới trẻ là một việc hết sức cần thiết, vì hiện nay, giới trẻ thích hát nhạc tân thời khá nhiều (nhạc trẻ, nhạc ngoại...), những giai điệu, tiết tấu xa rời những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc. Những cuộc hội thi, liên hoan như thế góp phần “hâm nóng” những bài DC quê hương, tuyên truyền nâng cao ý thức trong thanh niên về việc phát huy các bài DC. Điều đáng mừng, qua cuộc Liên hoan Thanh niên hát DC lần thứ IV năm 2013, do Tỉnh Đoàn Bến Tre tổ chức vừa qua đã cho thấy, số đông thanh niên vẫn có tình yêu với DC quê hương. Cụ thể là số lượng tham gia khá đông (trên 200 bạn trẻ), hát được nhiều bài DC và thể hiện khá tốt (đúng lời, đúng giai điệu...), đặc biệt là các bạn thể hiện được “cái hồn” của bài hát (hát rất say sưa, nhiệt tình).

Nghe dân ca, hát dân ca mọi lúc mọi nơi -  sao không thể?

Đồng ý là trong mỗi cuộc liên hoan, hội thi hát DC luôn có sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ, nhưng vấn đề quan trọng hơn là làm sao để sự yêu thích nghe DC, hát DC không dừng lại sau khi kết thúc mỗi cuộc liên hoan, hội thi. Vậy nghe ở đâu? Hát ở đâu? Vấn đề rất đơn giản! Ngay từ bây giờ, nếu mỗi chiếc điện thoại của mỗi bạn thanh niên đều cài nhạc chờ, nhạc gọi đến là một bài DC mà các bạn yêu thích thì các bạn đã góp phần thổi bùng lên sức sống cho những bài DC quê hương. Vậy, tại sao không? Còn việc hát ở đâu? Ở bất kỳ khi nào trong cuộc sống bạn cất tiếng hát vu vơ đôi câu cho vui vẻ, nếu đôi câu ấy được trích từ một bài DC nào đó thì cũng là một điều hay. Hoặc bạn là người yêu thích văn nghệ, hãy “tủ” một vài bài DC để đem ra “trình làng” khi có dịp giao lưu, các cuộc gặp gỡ, họp mặt... Và nếu bạn hát một bài DC và hát thật hay thì bạn lại càng được mọi người dành nhiều ấn tượng đẹp cho mình. Mặt khác, bạn hãy thêm một vài chiếc đĩa CD nhạc về các bài DC quê hương vào trong “kho đĩa nhạc” của mình và xen kẽ sử dụng chúng mỗi khi nghe nhạc để góp phần “nuôi dưỡng” cho bài DC quê hương.

Theo sự phát triển của xã hội, cũng như trình độ thưởng thức âm nhạc ngày càng cao của người nghe nhạc, thể loại DC ít nhiều cũng đã có sự biến tấu. Một số nhạc sĩ đã mạnh dạn phối nhạc đệm đương đại vào các bài DC hoặc đặt lời mới cho làn điệu dân ca, hay có một số bài tân nhạc được sáng tác từ chất liệu của bài DC... Nhiều ý kiến cho rằng, dù có đổi mới đến đâu đi nữa, thì việc giữ lại “cái hồn”, “cái chất vốn có” của một bài DC là không nên xem nhẹ; tất nhiên, các bài bản gốc của DC vẫn luôn được ưu tiên gìn giữ, lưu truyền.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN