Đan Mạch triển khai binh sĩ tại Mali

19/01/2022 - 11:11

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Bộ Quốc phòng Đan Mạch ngày 18-1-2022 đã cử một biệt đội gồm khoảng 100 binh sĩ đến Mali để tham gia vào Lực lượng đặc nhiệm Takuba của châu Âu chống thánh chiến ở khu vực Sahel châu Phi, cùng chiến đấu với các binh sĩ Mali.

Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã cử binh sĩ đến Mali để tham gia vào Lực lượng đặc nhiệm Takuba chống thánh chiến ở khu vực Sahel châu Phi. Ảnh minh hoạ: AFP

Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã cử binh sĩ đến Mali để tham gia vào Lực lượng đặc nhiệm Takuba chống thánh chiến ở khu vực Sahel châu Phi. Ảnh minh hoạ: AFP

Bộ trên cho biết mục tiêu của lực lượng này là ổn định Mali và một số khu vực ở vùng biên giới Liptako-Gourma giữa Mali, Niger và Burkina Faso cũng như bảo vệ dân thường chống lại các nhóm khủng bố. Nhóm trên gồm 90 người, hầu hết là những binh sĩ tinh nhuệ và các bác sĩ phẫu thuật quân sự, đóng quân ở thị trấn Ménaka, phía Đông Mali.

Động thái trên của Đan Mạch diễn ra sau khi Thụy Điển quyết định rút lui khỏi Takuba. 

Lực lượng Takuba đồng hành cùng các binh sĩ Mali trong cuộc chiến chống lại các phần tử thánh chiến, được thành lập hồi tháng 3-2020 nhằm kế nhiệm một phần cho lực lượng quân sự chống thánh chiến Barkhane của Pháp. Ngoài Pháp là quốc gia dẫn đầu, lực lượng này còn bao gồm các binh sĩ của Hà Lan, Estonia, Thụy Điển, Bỉ, CH Séc, Na Uy, Bồ Đào Nha, Italy và Hungary. Dự kiến, sứ mệnh của lực lượng quân sự Đan Mạch tại Mali sẽ kết thúc vào đầu năm 2023.

Trong diễn biến khác liên quan, hãng hàng không Sky Mali cùng ngày cho biết sẽ mở các đường bay mới tới Guinea trong bối cảnh Mali đang nỗ lực ứng phó với những ảnh hưởng do việc Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đóng cửa biên giới trên không và trên bộ đối với nước này. 

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, việc mở những đường bay trên là một phần trong nỗ lực gần đây của Mali và Guinea nhằm thúc đẩy hợp tác song phương. Theo ông Salifou Telly, Giám đốc thương mại của Sky Mali, hãng này sẽ khai thác chuyến bay đầu tiên đến thủ đô Conakry của Guinea vào ngày 22-1 tới với 4 chuyến mỗi tuần.

Cả Mali và Guinea đều đang phải chịu các lệnh trừng phạt của ECOWAS. Guinea, quốc gia bị đình chỉ tư cách thành viên của ECOWAS sau cuộc đảo chính hồi tháng 9 năm ngoái, thông báo sẽ không áp dụng việc đóng cửa biên giới trên không và trên bộ với Mali theo quyết định mà ECOWAS đưa ra ngày 9-1 vừa qua. 

ECOWAS và Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) đã thực hiện một loạt biện pháp trừng phạt về kinh tế và ngoại giao đối với Mali liên quan đến việc nước này kéo dài quá trình chuyển tiếp để khôi phục chính quyền dân sự, trong đó có việc đóng cửa biên giới trên không và trên bộ cũng như việc áp đặt lệnh cấm thực hiện các giao dịch tài chính và thương mại đối với quốc gia trên. Tuy nhiên, những biện pháp kể trên không nhằm vào các hoạt động giao dịch đối với các nhu yếu phẩm.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN