Ký sự Hải trình ra thăm Trường Sa, Nhà giàn DK-1, bài 2:

Dáng hình người lính và đảo xa

07/06/2023 - 05:24

BDK - Trên tàu Kiểm ngư mang ký hiệu KN-490, Vùng 4 Hải quân và giữa muôn ngàn trùng khơi của biển trời Tổ quốc Việt Nam, chúng tôi được quan sát trọn vẹn từ xa dáng hình thu nhỏ của những hòn đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu. Theo những con thuyền nhỏ, càng tiến đến gần, các đảo càng hiện ra xinh đẹp, lung linh. Và tuyệt vời hơn, ở nơi đó, có các anh - người chiến sĩ (CS) hải quân oai dũng, hiên ngang, luôn ngày đêm vững tay súng canh giữ biên cương Tổ quốc.

Đoàn công tác đến với cán bộ, chiến sĩ đảo Len Đao.

Đoàn công tác đến với cán bộ, chiến sĩ đảo Len Đao.

Lạc quan, trẻ trung nhưng sắt son lòng yêu nước

Đến đảo đầu tiên là Sinh Tồn Đông, chúng tôi đã cảm nhận ngay được thời tiết đặc thù nơi đây. Thoắt cái đã thấy mây đen kéo đến trên đầu, vậy là mưa. Cơn mưa cũng vội vã tạnh mau. Tôi sực nhớ câu nói “nắng mưa là chuyện của trời” ở đây khá đúng. Hẳn vậy, không biết từ khi nào, những cơn mưa ở đây được gọi tên là “Mưa Trường Sa”.

Đón đoàn chúng tôi từ đất liền ra thăm, là những CS hải quân trẻ trung, lạc quan và rắn rỏi. Đại úy Hoàng Văn Trung - Chính trị viên phó đảo Sinh Tồn Đông chia sẻ: Đã hai năm thực hiện nhiệm vụ trên đảo, bản thân càng cảm thấy mình rắn rỏi hơn, kiên cường hơn và sự quyết tâm của bản thân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo càng cao hơn.

“Tôi ra đây để thực hiện nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa là một vinh dự, là chức trách, nhiệm vụ của CS hải quân. Cán bộ (CB), CS ở đây đều rất đoàn kết, làm sao để khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển trong khu vực được phân công...”, Đại úy Hoàng Văn Trung bộc bạch.

Với sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân của các địa phương trên cả nước, cũng như của Quân chủng Hải quân, điều kiện cơ sở vật chất của đảo ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CB, CS trên đảo. Qua đó, giúp CB, CS chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Trong những giây phút được gặp gỡ với hậu phương từ đất liền ra thăm, qua những cái nắm tay siết chặt nồng nàn hơi ấm, các anh vẫn bộc lộ nét lạc quan, yêu đời cùng những nụ cười rạng rỡ khi nhanh chóng hòa nhập vào nhóm văn nghệ xung kích của đoàn công tác, khuấy động bầu không khí vắng lặng nơi đảo xa. “Yêu lắm Trường Sa” đồng thanh vang dội, đồng điệu với thanh âm của sóng biển dập dềnh vào bờ cát san hô.

Khoảnh khắc quyến luyến trước khi chia tay các CS để rời đảo, Đại úy Hoàng Văn Trung cho biết thêm: “Không chỉ là qua sách vở nữa mà thực tiễn thực hiện nhiệm vụ trên đảo, sẽ trui rèn cho tinh thần, quyết tâm của người lính sẽ ngày càng cao hơn. Tôi muốn truyền động lực, quyết tâm đến mọi người nơi đất liền khắp mọi miền Tổ quốc là hãy cùng nhau hướng tình yêu của mình về biển, đảo và chung tay bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo của quốc gia”.

Pháo đài giữa biển khơi

Quần đảo Trường Sa hiện có 21 đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, thuộc tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, có Trường Sa, Trường Sa Đông, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Đá Tây, Đá Tây A, Đá Len Đao, Đá Tiên Nữ, Đá Colin…

Điều kỳ diệu, mỗi hòn đảo có những hình dáng khác nhau, được hình thành trên những nền san hô trắng long lanh dưới biển. Có những đảo, vòng rìa của nền san hô kéo dài ra cách đảo cả hàng trăm mét. Mặc dù không xác định được độ nông sâu của nền san hô dưới biển, nhưng cũng tạo cho chúng tôi có cảm giác rằng có thể với tay chạm đáy biển để cảm nhận bề mặt đá san hô. Dưới cái nắng khá ôn hòa của tháng 5-2023 ở Biển Đông và xen lẫn những đợt mưa rào do mây đen kéo đến bất chợt, các đảo san hô càng hấp dẫn ẩn hiện long lanh ánh bạc dưới ánh mặt trời.

Các đảo nơi chúng tôi đến thăm lần lượt là Sinh Tồn Đông, Đá Len Đao, Đá Tây A và Trường Sa. Kỳ diệu thay, các đảo nơi đây là những rặng đá san hô trắng lung linh, lớn dần và nổi lên từ lòng biển, với bao la cát trắng, có cả những loài cây làm bạn là bàng vuông, phong ba, muống biển. Ngày nay, các đảo ngày càng xinh đẹp hơn, thắm xanh hơn, chan hòa vào nền xanh của màu trời và biển.

Trong đó, đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa) là đảo lớn, nằm ở trung tâm của quần đảo Trường Sa, là trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đảo còn được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”, giống như một pháo đài sừng sững, kiên trung giữa Biển Đông. Trên đảo có nhiều công trình được xây dựng uy nghi, kiên cố như nhà đèn, nhà dân, bệnh xá - trung tâm y tế, nhà khách Thủ đô, trạm khí tượng thủy văn, nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ…

Các đảo ngày càng được củng cố, phát triển cơ sở vật chất và đời sống kinh tế - xã hội, từng bước đưa huyện đảo Trường Sa trở thành đơn vị hành chính quan trọng, xứng tầm. Những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân huyện đảo được nâng lên rõ rệt. Tôi tự hỏi lòng “phải chăng vì nơi đó có các anh - người CS hải quân qua các thế hệ đã không quản ngày đêm, gian khổ, không sờn chí, dẫu hy sinh không lùi bước, một lòng nuôi dưỡng tình yêu sắt son và giương cao ngọn cờ khẳng định cột mốc chủ quyền của biển, đảo Tổ quốc”.

Đại tá Nguyễn Công Thắng - Chính ủy Cục Hậu cần Hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 18-BIDV khẳng định: Biển Việt Nam là một phần rất quan trọng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” thì việc tiến ra biển, khai thác và làm chủ biển càng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong cuộc hành trình đầy gian khổ đó, CB, CS Hải quân nhân dân Việt Nam hiểu rất rõ sứ mệnh cao cả của mình, phải làm cho biển thực sự bình yên để công cuộc phát triển kinh tế - xã hội biển, đảo mang lại hiệu quả to lớn, để không xa nữa nước Việt Nam trở thành một quốc gia “Giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển”, như mục tiêu của chiến lược biển, đảo do Đảng ta đã vạch ra.

Gần một tuần cùng với lực lượng Hải quân Vùng 4 quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam ra thăm Trường Sa và thềm lục địa Nhà giàn DK-1, chúng tôi lại liên tưởng về các CB, CS hải quân trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Các anh đã sát cánh cùng với các lực lượng của cả nước chiến đấu bảo vệ những trọng điểm quan trọng của Tổ quốc, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và hôm nay, trong cuộc chiến bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo, CB, CS Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn một lòng son sắt, vững ý chí cùng đồng đội ngày đêm canh gác, sẵn sàng chiến đấu nơi tiền tiêu, vững niềm tin cùng đồng bào cả nước sẵn sàng đối mặt với quân thù dù trong mọi tình huống khắc nghiệt, hiểm nguy nhất.

Bác Hồ khi về thăm biển năm 1961 đã từng căn dặn “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Thực hiện lời dạy của Bác, Hải quân nhân dân Việt Nam đã và đang phấn đấu không ngừng để bảo vệ mỗi tấc đảo, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN