Thưa đồng chí, trong những năm qua, lực lượng báo chí tỉnh nhà đã góp phần xây dựng Đảng như thế nào?
- Thời gian qua, các cơ quan báo chí trong tỉnh ngày càng phát triển. Ngoài báo Đồng Khởi còn có các bản tin, đặc san của các ngành, các huyện, thành phố Bến Tre. Ngoài Đài Phát thanh - Truyền hình Bến Tre đã và đang tăng thời lượng phát sóng còn có đài truyền thanh các huyện, thành phố và đài truyền thanh xã, phường, thị trấn. Qua đó, báo chí đã góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cũng như góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh nhà bằng thực hiện chức năng nhiệm vụ của báo chí.
Là vũ khí sắc bén, có sức loan truyền nhanh, các sản phẩm báo chí đã mang chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mặt khác, báo chí phản ánh sinh động, trung thực, kịp thời tình hình làm cho các cấp ủy Đảng nắm bắt nhanh chóng thực tế, đề ra các chủ trương, chính sách, nghị quyết sát hợp. Báo chí phản ánh những cách làm hay, làm tốt, những cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhằm phổ biến nhân rộng các mô hình, các điển hình tiên tiến.
Xây dựng Đảng là một đề tài lớn mà báo chí bám vào thể hiện trong suốt nhiều năm qua. Công tác xây dựng tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, công tác đảng viên của Đảng bộ tỉnh nhà được báo chí phản ánh thường xuyên, trong đó có một số tác phẩm có chất lượng khá, có tác dụng tốt. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng - một lĩnh vực công tác mà trước đây nhiều người cho rằng hạn chế đưa lên báo, gần đây cũng được các cơ quan kiểm tra kết hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền rộng, mạnh hơn. Đặc biệt, báo chí là một loại hình của công tác tư tưởng đã góp phần tích cực giữ vững mặt trận chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về chính trị và ý thức giữ gìn phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, báo chí đã phản ánh kết quả cuộc vận động cũng như những điển hình tập thể và cá nhân thực hiện tốt cuộc vận động này. Một số bài báo đã được cấp tỉnh và cấp toàn quốc chọn khen. Chẳng những phản ánh mặt tích cực, báo chí còn chỉ ra một số hiện tượng lệch lạc, trì trệ trong công tác xây dựng Đảng để các tổ chức Đảng kịp thời chấn chỉnh.
Tuy nhiên, phải nói rằng, viết về xây dựng Đảng khó vì là một loại đề tài chính trị khô khan. Do đó, nhìn chung báo chí tỉnh nhà chưa có bài viết về xây dựng Đảng có tính phân tích sâu, chính luận sắc bén, chưa có nhiều thông tin có tính định hướng kịp thời. Do đó, Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí cần đào tạo, bồi dưỡng để có tác giả chuyên sâu, có tâm và có tầm cao hơn với chuyên đề xây dựng Đảng.
Báo chí là công cụ sắc bén trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng. Để phát huy tốt vai trò đó, đồng chí có thể gợi ý một số định hướng cho hoạt động báo chí trong thời gian tới?
- Trước hết, báo chí cần bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, thông tin phản ánh và bình luận để biểu dương và phê phán. Nhiệm vụ chính trị thì toàn diện, nhưng trong từng thời điểm nổi lên một số mặt cần tập trung thực hiện cho bằng được. Do đó, nội dung của báo chí cũng phải tô đậm những mặt công tác trọng tâm đó. Thí dụ, từ nay đến tháng 10-2010 là thời gian tiến hành đại hội Đảng ba cấp; báo chí cần có chuyên trang, chuyên mục thường xuyên về Đại hội Đảng; trong đó, không chỉ phản ánh tiến độ đại hội mà còn cho thấy công tác chuẩn bị Đại hội như thế nào, tổ chức điều hành như thế nào thì đại hội đạt yêu cầu mà Chỉ thị 37-CT/TW của Bộ Chính trị đề ra; nơi nào đại hội tốt, tốt thế nào? nơi nào đại hội chưa tốt, chưa tốt như thế nào? cần rút kinh nghiệm gì?.
Bạn đọc, bạn xem đài là những người tự giác đến với các sản phẩm của báo chí, không thể bắt buộc. Do đó, ngoài tính tư tưởng cao, báo chí còn phải có sự hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút người đọc báo, người xem đài. Nhưng không vì để bán được báo mà chạy theo thị hiếu tầm thường với những thủ đoạn câu khách, giật gân. Sự hấp dẫn, thu hút của báo chí phải bằng nghệ thuật, từ chọn đề tài là những vấn đề mà đông đảo nhân dân khát khao muốn biết (một thông tin về chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi nhiều người, một biện pháp khoa học - kỹ thuật để phòng chống một căn bệnh đang lây lan…) đến cách diễn đạt sinh động, dễ hiểu; từ âm thanh, ánh sáng, giọng đọc rõ ràng, trong sáng của các buổi phát thanh, truyền hình đến hình ảnh, câu chữ, cách trình bày trang báo sinh động…
Là cơ quan thông tin đại chúng, báo chí có quyền khen hoặc chê một tổ chức, một con người, một sự việc, một hiện tượng xã hội. Nhưng khen, chê đó phải đúng quan điểm và điều muốn nói là phải đúng mức, tránh lối khen quá đáng làm người được khen cũng thấy ngại ngùng vì thực tế mình đâu đến mức tuyệt vời, tuyệt hảo như vậy. Đồng thời, cũng nên tránh lối chê cho bỏ ghét, vì sẽ làm người bị chê cảm thấy tự ái chứ không nhận thức ra sai phạm của mình, không thấy sự cảm thông, chia sẻ và càng không thấy con đường khắc phục, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm.
Đặc trưng của báo chí là phản ánh sự thật. Bạn đọc, bạn nghe đài đến với báo chí vì tin rằng báo chí nói đúng sự thật. Do đó, báo chí phải cố gắng giữ niềm tin của bạn đọc, bạn xem đài. Muốn vậy, người viết báo phải đi đến tận nơi xảy ra sự việc, điều tra, kiểm chứng, nghe nhiều chiều thông tin, nắm chắc sự việc, biết 3 nói 1, chứ không nên biết 1 rồi suy luận ra viết thành 2, 3.
Xây dựng đội ngũ những người viết báo (phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên) tốt là yếu tố quyết định cho sự nghiệp báo chí tỉnh nhà. Các cơ quan báo chí và Hội Nhà báo tỉnh cần đào tạo, bồi dưỡng, quản lý để những người viết báo có lập trường, quan điểm đúng, nhận thức chính trị sâu, có kiến thức về lĩnh vực mình viết, có thực tế phong phú, nắm bắt sự việc chính xác, có cách thể hiện sinh động các thể tài báo chí, nhưng trước hết là phải có phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp tốt.
Lãnh đạo tỉnh tin tưởng rằng những người quản lý và viết báo tỉnh nhà sẽ phấn đấu đưa sự nghiệp báo chí phát triển nhanh hơn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Xin chân thành cảm ơn đồng chí!