Đào tạo nghề - công tác giảm nghèo hiệu quả cho phụ nữ nông thôn

16/03/2011 - 08:29
Học đan giỏ nhựa. Ảnh: Cẩm Trúc

“Nhà mình nghèo, nhà bên chồng cũng nghèo. Ra riêng, vợ chồng chỉ được cha mẹ cho cái nền nhà để ở tạm. Mình hy vọng có được việc làm ổn định để làm hoài quanh năm. Khi học được nghề đan giỏ, mình mừng lắm, mong sao có thể thu nhập 900 ngàn đồng/tháng để cùng chồng trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học…”, chị Nguyễn Thị Ngọc Linh (ấp Tiên Hưng, xã Tiên Long, huyện Châu Thành) tâm sự.

Mày mò tập đan những chiếc giỏ nhựa đầu tiên, chị Trần Thị Mãnh (ấp Tiên Lợi, xã Tiên Long) cũng tin rằng công việc có thể giúp chị kiếm thêm thu nhập để lo cho hai người con còn đang theo học đại học. Tương tự, chị Lê Thị Mỹ Châu (ấp Tiên Hưng) cũng không giấu được niềm vui khi có việc làm mới và có thể làm tại nhà.

Dù là công việc không kiếm được nhiều tiền nhưng hầu hết chị em phụ nữ nghèo được học nghề đan giỏ nhựa này đều mừng vui ra mặt. Bởi sau khóa học, họ được kết nối với một cơ sở đan gia công giỏ nhựa ở thành phố Bến Tre để nhận nguyên liệu về nhà làm ngay. Vui hơn, khi mỗi chị em lành nghề sẽ là người truyền nghề lại cho các phụ nữ nhàn rỗi khác tại xóm ấp và trở thành một vệ tinh mới cho cơ sở của mình. Đến thăm lớp học vào một ngày cuối khóa, thấy chị em vẫn ngồi miệt mài tập đan giỏ sao cho mỗi ngày càng đan được nhanh hơn, khéo léo và bền chắc hơn, tôi tin họ sẽ mau chóng ổn định cuộc sống và thoát nghèo.

Bà Phạm Thị Mỹ Phượng - chuyên viên hỗ trợ thị trường của Văn phòng dự án DBRP huyện Châu Thành cho biết, đây là lớp đào tạo nghề đầu tiên trong chuỗi các hoạt động thuộc dự án DBRP tại huyện trong thời gian qua, được mở tại xã Tiên Long. Thành công của mô hình này là việc chọn đúng đối tượng là phụ nữ nghèo để tác động giảm nghèo. Có 100% học viên học thành nghề và nhận hàng về làm ngay sau khóa học. Và đây chỉ mới là hiệu quả bước đầu của lớp đào tạo. Rút kinh nghiệm sau một năm hoạt động, năm nay, văn phòng dự án huyện sẽ giảm số lượng các mô hình tham quan, tập huấn; đồng thời tăng nhiều hoạt động đào tạo nghề cho người nghèo mà đặc biệt là nhắm vào đối tượng phụ nữ nghèo. Bà Phượng cho biết: “Hầu hết hộ nghèo ở địa phương đều không có đất hoặc có rất ít đất. Để thực hiện hoạt động đào tạo nghề có hiệu quả, chúng tôi đã khảo sát, chọn lọc đúng những đối tượng đang cần được trao cho “chiếc cần câu” - điều kiện để họ làm việc, cải thiện cuộc sống và thoát nghèo. Chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến, nguyện vọng của người dân để đăng ký mở nhiều lớp đào tạo nghề cho người nghèo nông thôn nói chung và phụ nữ nghèo nông thôn nói riêng”.

Cái khó là làm sao có thể vận động được tất cả người nghèo tham gia dự án bằng tất cả ý chí và nghị lực vươn lên, bởi đây mới là cách thoát nghèo bền vững. Vì thế, mục tiêu của dự án là trao cho người nghèo chiếc “cần câu” chứ không phải trao “con cá”.

Xã Tiên Long là một điển hình cho việc khắc phục cái khó nêu trên, tích cực cùng dự án thực hiện mục tiêu hỗ trợ tất cả lao động nghèo có việc làm ổn định, hưởng được lợi ích nhiều nhất, từng bước giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ông Trần Ngọc Nam - Trưởng Ban Phát triển xã Tiên Long cho biết: “Từ việc nhận thấy lợi ích mà dự án mang về cho địa phương, chúng tôi đã vận động, tuyên truyền đến người dân những thông tin về dự án bằng các hình thức như thông qua những tờ bướm, tổ nhân dân tự quản… Khi được người dân ý thức và đồng tình cao với những hoạt động của dự án, chúng tôi đã xuyên suốt giám sát cộng đồng để phát huy hiệu quả”.

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN