Trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên của Trung tâm.
Nỗ lực của cán bộ và giáo viên
Từ năm 1998 đến nay, cán bộ - giáo viên, công nhân viên của Trung tâm luôn hoàn thành nhiệm vụ, nhất là việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hàng năm, Trung tâm đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên môn; đồng thời thực hiện tốt việc ôn tập, kiểm tra, đánh giá, tổ chức thi hết môn, hết học phần và thi tốt nghiệp cho học viên. Bên cạnh công tác giảng dạy, Trung tâm luôn thực hiện tốt công tác quy hoạch đào tạo cán bộ, nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay, Trung tâm có 6 thạc sĩ (1 Công nghệ thông tin, 3 Ngoại ngữ, 2 Kinh tế), 2 cử nhân (1 Kinh tế, 1 Toán-Tin).
Cán bộ - giáo viên của Trung tâm luôn nâng cao công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thường xuyên xây dựng đạo đức nhà giáo với phương châm “Mỗi cán bộ, giáo viên là tấm gương về đạo đức và tự học”. Cùng với các trường trong tỉnh, Trung tâm đang thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Hai không” với các nội dung: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp. Nhiều năm qua, Trung tâm thực hiện tốt Cuộc vận động “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục”; tiếp tục “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, nhất là việc đổi mới phương pháp dạy-học, kiểm tra, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện.
Ông Nguyễn Như Nhơn - Trưởng phòng Quản lý đào tạo cho biết, từ năm 2002, Trung tâm bắt đầu phát triển mạnh. “Trung tâm hiện có 18 biên chế, 13 đảng viên, 8 giáo viên đạt chuẩn, 6 giáo viên trên chuẩn. Trung tâm đã và đang liên kết 14 trường đại học, 2 trường trung cấp đào tạo 35 ngành học khác nhau”.
Những thành quả trong liên kết
Mười ba năm qua, Trung tâm đã ổn định và phát triển chương trình đào tạo. Trong đó, tập trung liên kết nâng cao chất lượng dạy và học. Đội ngũ cán bộ - giáo viên của Trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo Ngoại ngữ trình độ A, B, C và Tin học A, B. Trong lĩnh vực liên kết, đào tạo theo hình thức: vừa làm vừa học, bồi dưỡng sau đại học và hệ từ xa. Ba mươi lăm ngành học khác nhau được đào tạo như: Kế toán, Tài chính nhà nước, Xây dựng, Xã hội học, Báo chí, Trắc địa - địa chính, Thú y, Khuyến nông… Trong đó, chuyên ngành Báo chí là lớp đại học đầu tiên ở Bến Tre.
Việc đào tạo bậc đại học hệ vừa làm vừa học là rất cần thiết cho cán bộ - công chức cấp huyện, xã hiện nay. Theo ông Bùi Văn Lâm - Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú, Thạnh Phú là huyện vùng xa của tỉnh. Hiện nay, một số cán bộ - công chức huyện, xã do hoàn cảnh gia đình hay vì lý do nào đó chưa có bằng đại học vẫn còn khá nhiều, Trung tâm GDTX tỉnh Bến Tre là nơi để một số cán bộ huyện, xã lĩnh hội kiến thức đại học. Qua đó, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ tốt cho địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Tưởng - Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Phong (Thạnh Phú) là sinh viên lớp Xã hội học đầu tiên ở Bến Tre mở tại Trung tâm GDTX Bến Tre (khóa 2006-2010) chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp, tôi đem kiến thức mà thầy cô giảng dạy để điều hành công việc rất thuận lợi. Đó là kết quả của việc vận dụng chức năng nhận thức, chức năng dự báo, chức năng quản lý, chức năng cải tạo thực tiễn, chức năng công cụ, chức năng tư tưởng”
Hiện nay, Trung tâm đang liên kết với các trường đại học đào tạo theo quy chế mới (học chế tín chỉ, không thi tốt nghiệp). Mỗi môn học có phần thi giữa môn và phần thi hết môn. Cuối khóa, các môn từ 5 điểm trở lên là đạt yêu cầu được tốt nghiệp. Lớp Văn thư lưu trữ - Quản trị văn phòng (khóa 2010-2015), đang thực hiện học chế tín chỉ do Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh giảng dạy.
Nói về sự phát triển của Trung tâm từ nay đến 2015, ông Nguyễn Văn Hận - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trung tâm tiếp tục liên kết với các trường đại học, cao đẳng giữ vững quy mô đào tạo 3.500 sinh viên, 1.500 học viên học tin học, ngoại ngữ; mở các lớp ngắn hạn về một số ngành phục vụ cho phát triển nông nghiệp nông thôn; xây dựng đội ngũ giáo viên cơ hữu có trình độ từ đại học trở lên”.