Đắp thuốc trị bệnh

21/12/2015 - 07:28

Ông Cường đang đắp thuốc cho người bệnh ngày 16-12-2015. Ảnh: H.Đ

Nghe tin có một người làm từ thiện, đắp thuốc Nam trị được các bệnh hở van tim hoặc bị hẹp van tim, tôi tìm đến xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam. Tới Nhà truyền thống xã, tôi hỏi thăm đường, bà chủ tiệm tạp hóa chỉ: “Chú tìm nhà cô Thắm đắp thuốc trị bệnh từ thiện hả? Cô ấy trị hay lắm nhen, má của tôi cũng nhờ đắp thuốc mà hết bệnh. Cứ đi thẳng theo đường này, qua khỏi trụ sở ấp văn hóa Định Nghĩa chút, rẽ trái là tới”.

Tôi tìm được nhà của “thầy thuốc” dễ dàng vì có nhiều xe máy dựng trước cửa. Nhà khá rộng, sân trước sạch sẽ, trước thềm ba có kê một cái bàn tròn, mấy cái ghế đẩu để cho thân nhân của người bệnh ngồi uống trà, trò chuyện. Ông Nguyễn Văn Cường (chủ nhà) cùng vợ là bà Trương Thị Thắm đang đắp thuốc cho bệnh nhân. Hỏi thăm, tôi được biết, có nhiều người bệnh đã tới đây nhờ đắp thuốc trị bệnh, sau đó đi tái khám ở bệnh viện (siêu âm) thì bệnh tình thuyên giảm và họ chỉ cần đắp thuốc một thời gian ngắn nữa. Bệnh nhân đến đây có đủ lứa tuổi, giới tính, thành phần và ở nhiều địa phương khác nhau (trong và ngoài tỉnh). Điều đặc biệt là chủ nhà không lấy tiền thù lao mà chỉ làm từ thiện. Bệnh nhân tự mua các thứ dùng cho việc trị bệnh gồm: đậu xanh ruột (khoảng 37 ngàn đồng/kg), dầu mè trị bệnh (khoảng 50 - 80 ngàn đồng/chai loại 250ml, tùy theo chỗ mua), giấy cuộn (giá cả tùy theo chất lượng giấy), đều do bệnh nhân đem tới để sử dụng cho riêng mình, sau đó đem về để tiếp tục sử dụng cho ngày hôm sau.

Anh Nghĩa (xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc) cho biết: “Bác ruột của tôi đắp thuốc tại đây, thấy hay, bớt bệnh nên chỉ đường. Nay tôi chở người em tới đắp thuốc”. Theo phiếu siêu âm của anh Trịnh Văn Đoàn (em ruột anh Nghĩa), anh bị hở van tim và tìm đến đây. Tương tự như anh Nghĩa, ông Trần Văn Trưởng (xã Tân Hương, huyện Châu Thành, Tiền Giang), nghe tiếng đồn nên chở vợ (bà Nguyễn Thị Thoa bị hở van tim) tới đắp thuốc đã được một tuần. Theo ông Trưởng, bệnh của vợ ông đã đỡ hơn, dự tính vài ngày nữa ông sẽ đưa bà đi tái khám tại bệnh viện, siêu âm lấy kết quả. Hoặc trường hợp của ông Nguyễn Văn Lồng (xã An Thuận, huyện Thạnh Phú), cũng được người cháu ruột (đã điều trị khỏi bệnh điềm chỉ) nên chở vợ tới đây đắp thuốc…

Tôi hỏi về cách đắp thuốc trị hở van tim (hoặc hẹp van tim), ông Nguyễn Văn Cường - chủ nhà cho biết: Người bệnh tới đắp thuốc phải có phiếu siêu âm, kết luận của bác sĩ. Trên cơ sở này, ông Cường cùng vợ (bà Trương Thị Thắm) sẽ đắp thuốc. Thuốc được chủ nhà pha chế từ nguyên liệu là đậu xanh ruột, nhào nắn đắp thành vòng tròn trên ngực người bệnh, có vị trí và kích cỡ khác nhau (tùy theo vị trí hở, hẹp của van tim theo kết quả chẩn đoán); sau đó, thoa dầu mè vào trong lòng của vòng tròn (đắp thuốc) và phủ giấy cuộn lên (nhằm giữ hơi thuốc). Mỗi lần đắp thuốc, bệnh nhân phải nằm khoảng 2 giờ để cho thuốc thấm. Người bệnh phải đắp thuốc trong thời gian 10 ngày liên tục; sau khi tái khám có kết quả siêu âm mới, người bệnh tiếp tục đắp thuốc khoảng 10 ngày nữa. Ông Cường cho biết thêm, trong thời gian đắp thuốc, người bệnh vẫn uống thuốc đều đặn theo toa và tái khám theo chỉ dẫn của bác sĩ bệnh viện (nơi chữa bệnh). Đồng thời, cần kiêng cử các chất kích thích như: rượu, cà phê, thuốc lá; và cần tránh trường hợp khi thấy bệnh đã giảm bớt thì chủ quan làm việc hơi quá sức (như xách hoặc khiêng đồ vật). 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hộ ông Cường có 4 người: ông Cường làm nghề chạy xe Hoa Lâm chở thuê, vợ ông làm nghề may gia công, 2 con gái là sinh viên đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Buổi sáng, vợ chồng ông đắp thuốc từ thiện, buổi chiều thì làm công việc chính. Trước đây, vợ ông Cường bị bệnh và đi điều trị thuốc Nam nhiều ngày ở nhiều nơi, học hỏi được cách đắp thuốc trị bệnh. Sau đó, có một vài người thân tới nhờ đắp thuốc và may mắn khỏi bệnh. Từ đó “tiếng lành đồn xa”, ngày càng có nhiều người tới để đắp thuốc trị bệnh. Ông Nguyễn Văn Cư - Trưởng ấp Định Nghĩa cho biết: “Vợ chồng anh Cường có trình báo việc đắp thuốc trị bệnh từ thiện vào buổi sáng trong ngày. Qua giám sát và phản ánh của nhiều người, vợ chồng anh Cường không lấy tiền của người bệnh và đảm bảo việc giữ gìn an ninh trật tự địa phương”.

Hiện tại, số người bệnh tìm tới vợ chồng ông Cường đắp thuốc trị bệnh tim ngày càng nhiều (có ngày hơn 40 người). Ông rất mong muốn được góp sức giúp đỡ cho người bệnh, nhưng ngặt nỗi, vợ chồng ông chưa được cấp chứng chỉ đào tạo nghề (chỉ học hỏi kinh nghiệm ở các thầy thuốc). Do vậy, bà Thắm (vợ ông) đã đăng ký học khóa ngắn hạn Đông y về kỹ thuật dưỡng sinh do Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang tổ chức, với mong muốn là giúp đỡ cho người bệnh.

Qua thông tin trên, mong rằng ngành Y tế Bến Tre sớm vào cuộc, cần kiểm tra và có ý kiến đánh giá, kết luận chính thức về kiểu trị bệnh “đắp thuốc” này.

Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN