Đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch không bị nhiễm mặn, bài 3:

Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất

10/03/2021 - 06:50

BDK - Trước tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô còn dài, câu chuyện về cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân càng cấp thiết hơn. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, các đơn vị có liên quan đã triển khai thực hiện các phương án.

Nhà máy nước Tân Hào (Giồng Trôm) bơm nước ngọt thô hòa mạng trước khi cấp cho người dân. Ảnh:  PHan Hân

Nhà máy nước Tân Hào (Giồng Trôm) bơm nước ngọt thô hòa mạng trước khi cấp cho người dân. Ảnh:  PHan Hân

Nguồn nước dự trữ

Đến thời điểm này, mặc dù nước máy bị nhiễm mặn nhưng hiệu quả từ cuộc vận động người dân trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều dụng cụ trữ nước đã giúp người dân trên địa bàn vẫn còn đủ nước ngọt để phục vụ trong ăn uống hàng ngày. Tại nhà máy nước (NMN) thị trấn Thạnh Phú đã trang bị đầy đủ ống nước để phục vụ người dân đến lấy nước ngọt qua máy lọc RO, nhưng cũng thưa thớt người dân đến lấy nước. “So với năm trước, thời điểm này là người dân đến rất đông, xếp hàng đợi lấy nước…”, ông Lê Hoàng Phong nói.

Hiện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã thông báo và vận hành 24 điểm cấp nước tập trung bằng hệ thống RO do trung tâm quản lý từ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Tổng công suất của các hệ thống gần 3 ngàn m3/giờ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của trung tâm, chỉ có NMN Tân Hào (Giồng Trôm) có người dân đến lấy nước. Nguyên nhân là đa số hộ dân còn sử dụng nước ngọt dự trữ tại nhà để dùng cho ăn uống. Theo ông Vũ Đình Trác, người dân đến lấy trung bình 5m3/ngày. Từ tháng 1-2021, NMN Tân Hào đã xuất hiện độ mặn 3%o. Hiện tại, độ mặn tại nguồn nước của nhà máy dao động từ 3 -  3,9%o tùy theo đỉnh triều. Nhà máy đang cung cấp nước sinh hoạt cho trên 2 ngàn hộ dân thuộc xã: Tân Hào, Long Mỹ, Tân Lợi Thạnh, Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm.

Nói về việc vận chuyển nước RO để sử dụng, bà Nguyễn Thị Út ở Ấp 1, xã Long Mỹ (Giồng Trôm) cho biết, NMN Tân Hào có thông báo người dân đến nhà máy để chở nước ngọt về sử dụng với giá theo quy định nhưng bà đã ngoài 60 tuổi, nhà neo đơn nên không đi chở được. “Chẳng lẽ mỗi lần đi xuống Tân Hào lại chỉ chở cái thùng nước 20 lít? Hiện ở nhà tôi vẫn còn trữ nước mưa để nấu ăn nên tôi ráng, đành sử dụng luôn nước nhiễm mặn cho tắm giặt, rửa chén. Giá như NMN có chế độ một tuần cấp 3 ngày nước ngọt hòa vào hệ thống nước tới nhà thì đỡ hơn cho người già”, bà Út nói.

Giai đoạn này, nhiều hộ dân trong tỉnh vẫn còn nước ngọt dự trữ. Vì trước đó, các huyện đã chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân về phòng chống hạn mặn. Do đó, người dân đã có ý thức chủ động thực hiện các giải pháp trữ nước ngọt, nước mưa phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Địa phương cũng chủ động, huy động các nguồn lực trong dân như: đắp đê bao, làm bờ ngăn nước mặn vào nội đồng. Tuy nhiên, nếu tính đến tình huống hạn mặn tiếp tục kéo dài và gay gắt hơn thì các NMN cũng như cả hệ thống chính trị cần tích cực chủ động đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo không để thiếu nước ngọt cho người dân.

Không để thiếu nước ngọt

Để giải quyết tạm thời vấn đề nước ngọt cho người dân, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn sẽ vận chuyển 3 ngày/lần (một lần 3 chiếc sà lan gần 3 ngàn m3 nước ngọt thô) để bơm hòa mạng cấp nước ngọt tại một số vùng nhiễm mặn với mức giá bình thường 8.052 đồng/m3. Cuối tháng 2-2021, trung tâm đã vận chuyển hòa mạng cấp phát gần 3 ngàn m3 nước ngọt cho NMN Tân Hào. Sắp tới, trung tâm sẽ thực hiện tiếp các bước để triển khai đợt 2, 3, 4  mua, vận chuyển nước ngọt phục vụ hòa mạng, hạ độ mặn tại các NMN, nhằm giảm bớt ảnh hưởng của xâm nhập mặn tùy vào khả năng cân đối nguồn thu của đơn vị. Dự kiến, trung tâm sẽ áp dụng phương án vận chuyển sà lan cho 5 NMN: Lương Phú, Phước Long (Giồng Trôm), Long Định, Thới Lai (Bình Đại), Tiên Thủy (Châu Thành).

Trao đổi về vấn đề hỗ trợ giá nước tiêu thụ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre Trần Hùng cho biết, cơ cấu tính giá nước và biểu đơn giá nước được duyệt trong thời gian không bị nhiễm mặn (Quyết định số 45/2016/QĐ-UBND ngày 16-9-2016, hiện đang áp dụng) và giá nước trong thời gian hạn mặn (Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND ngày 9-2-2021, chỉ áp dụng khi bị hạn mặn) đều không phân biệt hoặc chính sách giá riêng đối với hộ gia đình chính sách, hộ gia đình khó khăn. “Tuy nhiên, trong thực tế, những đối tượng hộ gia đình nêu trên gặp trường hợp bất khả kháng hoặc nguyên nhân khách quan có liên quan đến việc sử dụng nước thì tùy trường hợp, công ty sẽ phối hợp với địa phương xem xét giải quyết cụ thể”, ông Hùng nêu.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre nói riêng và các sở, ngành tỉnh nói chung, với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị đã chủ động và phối hợp chuẩn bị kế hoạch ứng phó mùa hạn mặn năm 2020-2021, với từng kịch bản và phương án ứng phó theo dự báo diễn biến xâm nhập mặn. “Công ty tiếp tục cụ thể hóa các giải pháp ứng phó hạn mặn theo kế hoạch để công tác phục vụ cấp nước cho khách hàng, cho người dân trong mùa hạn mặn năm 2020-2021 được tốt nhất”, ông Trần Hùng nói thêm.

Để phát huy hiệu quả công trình ngăn mặn đang quản lý, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức thực hiện vận hành các công trình thủy lợi linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế; tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào hệ thống kênh, mương nội đồng, hồ chứa...; khẩn trương đóng cống ngăn mặn xâm nhập khi độ mặn lên cao bảo đảm đáp ứng nhu cầu về nước không bị nhiễm mặn của các địa phương.

Đồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện và Phòng Kinh tế TP. Bến Tre kiểm tra nội đồng, đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu dùng nước của từng địa phương. Tăng cường trữ nước vào công trình thủy lợi khi có các đợt nước ngọt, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt. Tiếp tục thực hiện đo mặn tại các cống đầu mối, nhằm theo dõi ranh giới mặn cho phép tưới nước vào nội đồng, đo mặn trong nội đồng, để có biện pháp điều tiết nước tưới tiêu, hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn gây ra. Thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình, tiến hành sửa chữa nếu có xảy ra hư hỏng đột xuất.

“Hiện Dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre (giai đoạn 1) đã được triển khai thi công xây dựng nhưng chưa được khép kín. Để khắc phục tình trạng xâm nhập mặn trong thời gian tới, các ngành chức năng xem xét tiếp tục đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại; bổ sung các công trình cống, kênh nội đồng để đáp ứng yêu cầu sản xuất của từng khu vực; sớm triển khai các công trình thuộc Dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre”.

(Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre Hồ Ngọc Hậu)

P. Hân - C. Trúc - Th. Đồng - A. Nguyệt - T. Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN