|
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 41, sáng 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: qua 10 năm thực hiện, Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (xuất nhập khẩu) đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế-xã hội của đất nước và đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành Luật. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, Luật hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung.
Một số nội dung quy định tại Luật không còn phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật nói chung và một số luật liên quan như Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường… và thực tiễn xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa những năm gần đây.
Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; đồng thời, khắc phục các vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Luật thuế xuất, nhập khẩu thời gian qua, nhất là đối với các quy định về: đối tượng không chịu thuế, khung thuế suất, mức thuế suất, thời hạn nộp thuế và địa bàn, lĩnh vực cần được khuyến khích phát triển trên cơ sở thực hiện chính sách ưu đãi như miễn thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Dự thảo Luật thuế xuất, nhập khẩu sửa đổi gồm 22 Điều, được bố cục thành 5 Chương.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Thường vụ Quốc hội, tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật thuế xuất nhập khẩu để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. 10 năm thực hiện, Luật thuế xuất nhập khẩu đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trước yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với việc ban hành Hiến pháp năm 2013, các luật chuyên ngành đã có nhiều điều chỉnh, thay đổi, do đó cần thiết phải sửa đổi Luật thuế xuất nhập khẩu để bảo đảm thống nhất...
Việc sửa đổi Luật thuế xuất nhập khẩu sẽ tạo hành lang pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu cải cách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng minh bạch, đơn giản, không phân biệt đối xử, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại…
Dự thảo Luật theo kế hoạch sẽ được xem xét và thông qua tại 1 kỳ họp, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cần rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 10 tới đây.
Một số ý kiến đánh giá, dự thảo Luật có khá nhiều điều, khoản giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quy định chi tiết như Biểu thuế suất; giá tính thuế; thẩm quyền ban hành biểu thuế, mức thuế; Danh mục hàng hóa miễn thuế...
Các ý kiến đề nghị Chính phủ cần rà soát các điều, khoản để quy định cụ thể và chi tiết ngay trong Luật. Trên cơ sở cơ bản nhất trí với nhóm đối tượng chịu thuế, không chịu thuế được quy định trong dự thảo luật, nhiều ý kiến băn khoăn việc quy định chi tiết đối tượng chịu thuế và không chịu thuế như dự thảo luật có thể không bao quát được đầy đủ những trường hợp pháp sinh trong thực tiễn. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần rà soát, bổ sung đầy đủ các đối tượng chịu thuế và không chịu thuế vào dự thảo luật.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và nhiều ý kiến khác trong Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá rõ những tác động của việc sửa đổi luật lần này tới sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập của đất.
“Phải tính tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước, 3 lợi ích này nếu không được tính toán đầy đủ sẽ không có tác động thúc đẩy sản xuất mà còn kìm hãm sự phát triển," Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng quan tâm tới hai ngành: nông, lâm, thủy hải sản và ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ sẽ có những tác động tích cực gì từ việc sửa đổi luật lần này, góp phần thúc đẩy các ngành này phát triển.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị ban soạn thảo cần rà soát lại để luật sửa đổi lần này thể hiện đầy đủ tinh thần của Hiến pháp 2013, đặc biệt là khoản 4 Điều 70 của Hiến pháp quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội: “Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.”
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị ban soạn thảo cần đánh giá sâu sắc hơn tác động của luật thuế này dưới góc độ tác động tới đời sống xã hội.
Theo đại biểu việc giảm thuế để các mặt hàng nhập khẩu vào tự do hơn, người dân sẽ được hưởng lợi, nhưng ngược lại đối với một số ngành như chăn nuôi sẽ phải đối mặt với những khó khăn. Vì vậy cần có đánh giá tác động đầy đủ hơn và Chính phủ đã có giải pháp gì để ứng phó với những khó khăn này, đại biểu nêu rõ.
Tại phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể vào các nội dung: nguyên tắc, thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất; miễn thuế…
Theo Chương trình, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo Báo cáo số 348/BC-CP ngày 17-7-2015 của Chính phủ và thảo luận kế hoạch kiểm toán năm 2016. /.