Đất Bến Tre - đất tị địa

23/08/2019 - 07:21

Quăng lưới. Ảnh: Cao Mách

Quăng lưới. Ảnh: Cao Mách

Với hệ thống sông rạch chằng chịt, rồi rừng ngập mặn ven biển dài đến những 65km, rừng dừa nước, rừng chà là khắp nơi… nên vị trí địa lý Bến Tre so với các địa phương khác trong khu vực chỉ toàn là đồng lúa thì tỉnh ta có địa hình, địa vật rất đặc thù. Qua các cuộc chính biến, nội chiến, chiến tranh xâm lược, sự hiểm trở ấy trở thành lợi thế cho những cuộc bôn tẩu, tạm lánh giặc, hay tị địa của rất nhiều nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa, nhà Nho yêu nước…

Điển hình nhất là cuộc bôn tẩu của chúa Nguyễn Ánh, bị sự truy đuổi của toán quân của người nông dân áo vải Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Nguyễn Ánh từng bị đối phương đuổi theo đánh tan tác đoạn đầu nguồn con sông Giồng Trôm. Đang lúc hỗn quan hỗn quân, ông cho đoàn thuyền chiến rẽ vào sông Hương Điểm, xuống tới Long Mỹ thì bị lạc đường. Chính nơi này đang tồn tại địa danh ngã Ba Lạc ghi dấu sự kiện ấy. Sau đó ông lên bờ tẩu thoát. Đến Thạnh Phú Đông, ông nói dối rằng mình là thương buôn từ miền Trung vào bị cướp chặn đánh, nên được cha con cụ Trương Tấn Khương và Trương Tấn Bửu cho tá túc, nuôi nấng. Sau đó hai ân nhân này đưa ông xuống cồn Đất, xã An Hiệp, Ba Tri cho an toàn. Ở đây, ông trốn trong nhà cha con ông Thái Hữu Xưa và Thái Hữu Kiểm tức “ông già Ba Tri” nổi tiếng với huyền tích đi bộ ra triều đình Huế kiện tụng. Hai người này từng “cơm bưng nước rót” cúc cung tận tụy như nô bộc (Xin nói thêm, khi bị cha con cụ Trương Tấn Khương phát hiện chân tướng, thì Nguyễn Ánh thú nhận rồi xin cụ Trương Tấn Khương cho Trương Tấn Bửu theo phò ông dần dần lên đến chức Phó tướng, cùng với Chánh tướng Lê Văn Duyệt cai quản cả miền Nam -  Từ Bình Thuận xuống tận Hà Tiên. Rồi Thái Hữu Kiểm từ Trùm trưởng chúa Nguyễn Ánh khi lên ngôi (hiệu Gia Long) phong cho ông lên chức Trùm cả).

Theo ông Trần Đông Phong (Bùi Quang Tôn), nguyên Phó trưởng ban Dân vận Trung ương, hiện về hưu ở Giồng Trôm, tổ tiên bên họ ngoại ông và nhà biên kịch Nguyễn Hồ (nguyên Phó giám đốc Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh) thuộc họ Hồ. Hai ông là lớp hậu duệ đời thứ sáu của bà Hồ Thị Hoa - Chánh phi của vua Minh Mạng. Bà Hồ Thị Hoa có người em trai là Lãnh binh Hồ Văn Thất. Vị quan này từng bôn tẩu ở Giồng Trôm. Khi hai vợ chồng ông qua đời được chôn cất ở xã Phong Mỹ (Giồng Trôm); năm 2003 được gia đình ông Trần Đông Phong và gia đình ông Nguyễn Hồ cải táng về đất nhà (cũng ở xã Phong Mỹ). Cũng từ nguồn gốc đó nên hiện nay ông Nguyễn Minh Chiếm (em ruột ông Nguyễn Hồ) đang lưu giữ chiếc hộp bằng kim loại đựng chiếc ấn của vua Minh Mạng.

Ông Trần Đông Phong cho biết thêm, trong gia phả bên họ nội ông cùng họ tộc với nữ tướng Bùi Thị Xuân - tướng quân tài ba của Nguyễn Huệ. Khi Nguyễn Ánh phục dựng lại quyền thế, rồi lên ngôi bằng mọi cách truy sát kẻ thù. Bấy giờ tổ tiên ông Trần Đông Phong cũng từng chạy trốn sự truy sát, trả thù của vị vua này. Ở Giồng Trôm có ngôi đình Bình Tiên do ông Bùi Văn Trọn đứng ra xây cất. Ngoài ra, ông Trọn còn có người em tên Bùi Văn Hưng, từng hiến nhiều tiền của để xây dựng đình Bình Hòa (ở Giồng Trôm). Ông Trọn và ông Hưng cùng với nhiều người thân đều là người Bình Định có họ hàng với nữ tướng Bùi Thị Xuân, trốn thoát vào đây. Bên cạnh, chắc rằng không ít người thuộc hoàng tộc của Quang Trung - Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân và những họ tộc nào có “nợ” với Nguyễn Ánh phải thay tên đổi họ và trốn vào Bến Tre để tránh sự sát hại. Vì đến cuối triều Nguyễn (thời vua Bảo Đại) cuộc truy sát những ai họ Nguyễn thuộc hậu duệ của Quang Trung - Nguyễn Huệ vẫn còn bị vạ lây.

Không những Bến Tre là nơi cho những ai bôn tẩu mà ngay cả nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, căm thù, chán ghét bọn thực dân Pháp xâm lược cũng đưa vợ con về Ba Tri tị địa. Hay như cụ Phan Thanh Giản khi giặc pháp chiếm Gia Định, cụ không muốn nhà giáo lớn của đất Nam Bộ Võ Trường Toản yên nghỉ ở đây, nên cụ cùng với những sĩ phu yêu nước như Nguyễn Thông, Võ Gia Hội… cải táng phần mộ của cụ Võ, hiền nội và ấu nữ của vị thầy lớn này về làng Bảo Thạnh, Ba Tri.

Năm 1955 đến 1956, nhân dân ta bước vào giai đoạn trường kỳ kháng chiến, bấy giờ, Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng từng về xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm để hoạt động, chỉ đạo cho cuộc kháng chiến của cách mạng miền Nam. Sau khi đất nước thống nhất, Tổng Bí thư đã từng trở về ngôi nhà ông Mười Trác ở Hưng Lễ, nơi ông đã từng được cưu mang nhằm tỏ lộ sự tri ân sâu sắc. Hiện nay, ngôi nhà này được xây dựng lại khang trang, làm Khu lưu niệm của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào Tết Mậu Thân của quân dân ta làm rung chuyển cả miền Nam, thì địch ra sức mở các cuộc tấn công bằng các phương tiện, vũ khí hiện đại khắp nơi. Trong đó, khu ngoại ô Sài Gòn - Gia Định chúng cho đánh pháo, thả bom rất ác liệt. Từ đó, các vị lãnh đạo Thành ủy Sài Gòn Gia Định như Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Mai Chí Thọ cùng với đơn vị bảo vệ có tên gọi Y4 (T4) trong hai năm 1969 và 1970 cũng tạm lánh về xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc) để hoạt động. Trong rừng mua bạc ngàn, tím ngát, được bí mật xây dựng những phòng làm việc, hầm bí mật, hội trường… đều dưới lòng đất rất an toàn. Căn cứ địa cách mạng hơn 1ha đất ở đây đã được phục chế hoàn thành, trở thành khu di tích nổi tiếng.

Từ những sự kiện lớn trong lịch sử nêu trên, cho chúng ta giả định: Phải chăng do hoàn cảnh lịch sử, vận nước ngả nghiêng, trên bước đường gian nguy sống và chiến đấu để sinh tồn mà tiền nhân càng tôi luyện sự tài ba lỗi lạc, để cuối cùng dành trọn cho nơi này những tinh hoa sáng ngời, tích tụ thành đất “Địa linh, nhân kiệt” cho mọi người nâng niu, ngưỡng vọng về những giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần đích thực!

Phạm Bội Anh Thuyên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN