Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia và Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (tập 2, trang 447) ghi: Khi “tỵ địa” về Ba Tri (1862), Nguyễn Đình Chiểu làm nhà ở đâu chưa tra tìm được. Cho đến năm 1877, ông mới dời đến làng An Bình Đông (sau đổi là An Đức) rồi mất và an táng nơi đây. Vậy lúc “Từ biệt cố nhân” từ làng Thanh Ba, Cần Giuộc (Long An) “Vì câu danh nghĩa phải đi ra” (Thơ Nguyễn Đình Chiểu) về Ba Tri (Bến Tre) 15 năm đầu tiên ông sinh sống, hoạt động ở nơi đâu?
Dẫu biết rằng Ba Tri lúc ấy là đất lành cho người tỵ nạn, lánh giặc Tây Dương, vùng đất căn cứ địa của nghĩa quân kháng Pháp, nhưng vẫn còn hoang sơ, nê địa, người thưa, nhiều thú dữ… đầy rẫy thách thức.
Truy tìm sử liệu, điền dã, chúng tôi ngộ ra những nhận vật, sự kiện, chứng nhân những năm tháng đầu tiên Nguyễn Đình Chiểu về Ba Mỹ (Ba Tri) khá rõ ràng. Không khó để xác định Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình ngụ tại trung tâm vùng Ba Mỹ, nhà ở thuộc làng Mỹ Nhơn, giáp ranh làng Mỹ Chánh và Mỹ Thạnh, cùng một trục đường liên xã. Nơi đây ông bà sinh ra các con, trong đó có cô Năm Hạnh (Nguyễn Thị Khuê - nữ sĩ Sương Nguyệt Anh), cậu Bảy Chiêm (tác giả Nguyễn Đình Chiêm) tiếp tục sinh sống, rồi mất và an táng tại đây. Đến năm 1959, mộ phần cô Năm Hạnh được cải táng, di dời về bên mộ cha mẹ tại An Đức như hiện nay.
Làng Mỹ Nhơn có gia phả, dòng tộc gốc từ miền Trung vào như ông Lê Quang Lục, ông Lương Văn Chỉ. Làng Mỹ Chánh, Mỹ Hòa, Hòa Bình những người đến cư trú khai phá đầu tiên như Tống Hữu Yến (tiền hiền làng Mỹ Chánh), Nguyễn Duy Lễ (tiền hiền làng Mỹ Hòa) và Nguyễn Văn Sửu (tiền hiền làng Hòa Bình). Từ năm 1862 “vì câu danh nghĩa” Nguyễn Đình Chiểu về định cư làng Mỹ Nhơn, giáp ranh làng Mỹ Chánh như nêu ở trên.
Mộ ông Nguyễn Duy Đôn, con nuôi, học trò của cụ Đồ Chiểu ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hòa. Ảnh: Minh Trấn
Gia phả tông chi tộc Nguyễn Duy ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hòa (Ba Tri) ghi: Năm 1930, ông Nguyễn Duy Nghiêm, người làng Hương Khê (Huế) cùng vợ và 9 người con đã lánh nạn triều đình Nguyễn và định cư tại làng Mỹ Chánh (ông nội - cha Nguyễn Đình Chiểu, người làng Bồ Điền, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Con ông Nghiêm là Nguyễn Duy Lễ, người khai phá, kiến lập làng Mỹ Hòa chính thức từ năm 1875. Trong 5 người con của ông Lễ có ông Nguyễn Duy Đôn là học trò, con nuôi của cụ Đồ Chiểu, khi ông về ở làng Mỹ Nhơn. Con cháu ông Nguyễn Duy Lễ, Nguyễn Duy Đôn sau này tiếp tục học tập Cụ Đồ và các con như bà Sương Nguyệt Anh, ông Nguyễn Đình Chiêm… Con cháu tộc Nguyễn Duy kể lại: Chính ông Nguyễn Duy Đôn thương quý thầy, cha nuôi nên đứng ra tổ chức đưa hài cốt thân mẫu của thầy mình là bà Trương Thị Thiệt, từ làng Tân Thới, Tân Bình (Gia Định) về an táng trên đất nhà của cha mình là ông Nguyễn Duy Lễ. Cùng an táng bên mộ phần bà Thiệt ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hòa, còn có các em gái, trai của Cụ Đồ. Sau đó, cải táng bà Thiệt thêm lần nữa vào ngày mùng 1 tháng 3 năm Mậu Tý (nhằm 6-4-2008) về ấp Hữu Nhơn, xã Hữu Định, huyện Châu Thành (Bến Tre).
15 năm Nguyễn Đình Chiểu ở làng Mỹ Nhơn ghi lại những dấu ấn gì? Lịch sử Đảng bộ xã Mỹ Nhơn ghi: Từ những câu thơ của cụ Đồ Chiểu, đức tính tốt đẹp của Lục Vân Tiên, rất được người dân yêu thích, gìn giữ và lưu truyền qua các thế hệ… Khi giặc Pháp xâm lược đánh chiếm Bến Tre, người Mỹ Nhơn đứng lên chống giặc quyết liệt, đã hun đúc nên truyền thống yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Họ rất ngưỡng mộ những nhà yêu nước như nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, lãnh tụ nghĩa quân Phan Tòng, người anh hùng Lê Quang Quan (quê làng Mỹ Chánh, Ba Tri, cầm đầu nghĩa quân khởi nghĩa khi thực dân Pháp đánh chiếm các tỉnh miền Tây Nam Kỳ 1867). Các làng Mỹ Nhơn, Mỹ Chánh, Mỹ Thạnh, Mỹ Hòa và Ba Châu (Châu Phú, Châu Thới, Châu Bình); cù lao Lá, Vàm Hồ, làng Phú Long (Bình Đại)… ven đôi bờ sông Ba Lai là căn cứ địa của nghĩa quân kháng Pháp. Chính Nguyễn Đình Chiểu về ở làng Mỹ Nhơn, giáp Mỹ Chánh nên rất thuận lợi cho người của các cuộc khởi nghĩa, trong đó có người của Trương Định đến gặp tham khảo mưu lược, cậy làm quân sư.
Ngôi mộ bằng đá ong, do ông Đôn cải táng bà Trương Thị Thiệt, thân mẫu cụ Đồ Chiểu nằm tại ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hòa. Ảnh: Minh Trấn
Ở Ba Mỹ, Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục làm thầy giáo, thầy thuốc, sáng tạo thơ văn; dạy người, cứu người, cứu nước, phục vụ đấu tranh anh dũng của đồng bào Nam Kỳ, dù đôi mắt đã mù lòa. Năm 1862, em trai út của cụ là Nguyễn Đình Huân theo Đốc binh Là chống Pháp, hy sinh. Tháng 8-1964, thủ lĩnh Trương Định chống Pháp ở Gò Công (Tiền Giang) bị thương rồi tuẫn tiết, Nguyễn Đình Chiểu rất đau buồn viết bài văn tế và 12 bài thơ liên hoàn để điếu. Năm 1867, khi Kinh lược sứ Phan Thanh Giản và Đốc học Vĩnh Long Nguyễn Thông tổ chức đưa di hài nhà giáo Võ Trường Toản từ làng Hòa Hưng (Gia Định) về an táng ở làng Bảo Thạnh (Ba Tri), nơi chôn nhau cắt rốn của cụ Phan, Nguyễn Đình Chiểu từ Ba Mỹ có đến dự lễ rước. Cũng tháng 8-1867, cụ Phan tuẫn tiết tại Vĩnh Long, cụ Đồ Chiểu có làm 2 bài thơ điếu.
Trong những tác phẩm lớn của Nguyễn Đình Chiểu như truyện thơ Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, có tác phẩm Ngư tiều y thuật vấn đáp. Tác phẩm này chắc rằng ông sáng tác tại Mỹ Nhơn. Theo Từ điển Văn học bộ mới (trang 1129) của Lê Chí Dũng, thì Lục tỉnh sĩ dân trận vong văn, được làm năm 1874 (tức ở làng Mỹ Nhơn - Ba Mỹ). Áng văn này được cụ Đồ Chiểu đọc trong buổi tế nghĩa sĩ lục tỉnh, tại chợ Ba Tri, khi được Chủ tịch tỉnh Bến Tre chấp thuận.
15 năm giai đoạn đầu Nguyễn Đình Chiểu về Ba Tri ở làng Mỹ Nhơn, không thể không nhắc đến sự kiện cụ làm 10 bài thơ điếu chí sĩ, người ngọc làng An Bình Đông, thủ lĩnh kháng Pháp ở Ba Tri là Phan Ngọc Tòng khi hy sinh năm 1868. Chính làng An Bình Đông, kể từ năm 1877, cụ đến đây sinh sống rồi an giấc ngàn thu.
Nguyễn Đình Chiểu - bậc tài nhân thông thiên đạt lý, nơi người chọn ở hay khi ra đi vùng đất ấy đều hóa tâm hồn. Tâm hồn, nhân cách tinh anh của nhà thơ - Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu mãi mãi tỏa sáng.
Minh Trấn