Năm 2012 đi qua để lại dấu ấn đậm nét trong công tác xây dựng Đảng. Nghị quyết hội nghị lần thứ tư (gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI) đi vào cuộc sống đáp ứng sự mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng đã nhìn lại mình rõ và sâu, nghiêm túc hơn trên 3 lĩnh vực mang tính cấp bách nhưng cũng có ý nghĩa cơ bản lâu dài. Được tiến hành khẩn trương chặt chẽ suốt nửa năm, đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong các cơ quan và cán bộ lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến cơ sở là bước mở đầu thể hiện vai trò đột phá trong cuộc hành trình làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh hơn. Khác với các lần kiểm điểm trước đây, lần này Trung ương chỉ rõ, bên cạnh các ưu điểm cần tìm cho ra khuyết, nhược điểm và nguyên nhân để kiên quyết khắc phục. Do đó, có thể coi đây như là một cuộc hội chẩn để tìm ra căn bệnh ẩn náu trong cơ thể Đảng ta có nguy cơ phát triển trầm trọng. Tuy rằng không phải ai cũng dũng cảm soi gương để thấy các vết lọ lem trên khuôn mặt của mình; khi mà bệnh thành tích đang lây lan; khi mà thực hiện nguyên tắc tập trung không song hành cùng dân chủ và bệnh ngại va chạm còn đó thì việc còn có những bản góp ý của cấp dưới với cấp trên chỉ nêu những ưu điểm là không tránh khỏi. Nhưng cuộc kiểm điểm tự phê bình lần này với sự kiên quyết bằng nêu gương, bằng qui trình, bằng cách làm, bằng hướng dẫn, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới đánh giá lại nhìn chung là có nhiều tiến bộ. Căn bệnh đã được nhận diện khá chính xác không làm chúng ta bi quan mà giúp ta có ý chí và phác đồ điều trị tối ưu.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống ở một bộ phận cán bộ đảng viên kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã có trong thời gian qua. Nó biểu hiện nhiều dạng tùy theo điều kiện cụ thể. Chủ trương, nghị quyết, chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước không ai phản ứng gì nhưng khi thực hiện thì một số cán bộ làm không đến nơi đến chốn. Thậm chí làm chậm trễ, làm sai lệch một chủ trương nào đó nếu có ảnh hưởng đến quyền lợi riêng tư, quyền lợi trước mắt của bản thân, của gia đình. Nghị quyết của Đảng là mệnh lệnh của cuộc sống phải đi vào tim, óc cán bộ đảng viên. Thế nhưng việc học tập Nghị quyết ở nhiều nơi kém sinh khí, do nghệ thuật truyền đạt kém hấp dẫn cũng như thái độ bàng quan của người tiếp thu Nghị quyết. Những bức xúc chính đáng của nhiều người dân chậm được giải quyết với những lý do khách quan để rồi đùn đẩy, trì trệ. Quyền lợi riêng tư, lợi ích nhóm được đặt lên trên quyền lợi chung của địa phương, của đất nước. Do đó, khi có mâu thuẫn giữa lợi ích chung với lợi ích riêng thì thường được xử lý theo hướng hy sinh quyền lợi chung để bảo vệ quyền lợi riêng. Râm ran ở một số nơi dư luận đặt câu hỏi về thu nhập, về mức sống, về nhà, đất đối với một vài cán bộ lãnh đạo nhưng không được làm rõ để tiếp thu, giải trình nên dư luận càng kéo dài bất lợi cho công tác tư tưởng. Lối sống của một số cán bộ thiếu lành mạnh, chạy theo đồng tiền, theo vật chất, thực dụng, không phù hợp với đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cũng như đạo đức cách mạng. Những căn bệnh đó đã thể hiện ra bên ngoài ở nơi nầy nơi khác là sự bằng mặt không bằng lòng dẫn đến lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền bị giảm sút, tình đồng chí không còn trong sáng.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị các cấp cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ chính trị. Các quy định, quy trình trong công tác cán bộ nhìn chung được thực hiện nghiêm. Nhưng so với yêu cầu ngày càng cao cộng với một số yếu kém đã và đang bộc lộ làm cho không ít người băn khoăn về công tác cán bộ khó đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài. Khi chức vụ gắn với trách nhiệm thì không rõ ràng, mà gắn với quyền lợi cả công khai và không công khai thì khá cụ thể và hấp dẫn đã đẻ ra bệnh chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ ngồi béo bở. Công tác nhận xét đánh giá cán bộ còn chưa đúng thực chất. Nếu người lãnh đạo, cấp có thẩm quyền không vững vàng, khách quan trong sáng dễ bị sai lệch, méo mó trong quyết định về công tác cán bộ. Nơi nầy, nơi kia vẫn có tình trạng xem xét, bổ nhiệm nghiêng về phía người biết tranh thủ, cơ hội, biết lấy lòng cấp trên nhưng thiếu tài, thiếu tâm. Vẫn còn có tình trạng châm chế điều kiện bắt buộc phải có trong đề bạt cán bộ, trong luân chuyển, trong xét lý lịch chính trị… Các trường hợp không bình thường đó xảy ra không nhiều nhưng làm giảm niềm tin và sự phấn đấu ở một số cán bộ chân chính.
Nhiều nhiệm kỳ qua các quy chế làm việc, các mối quan hệ làm việc nhất là mối quan hệ giữa người đứng đầu với tập thể ban thường vụ với cấp ủy được chú ý xây dựng, bổ sung, chấn chỉnh để ngày càng chặt chẽ, đầy đủ và phù hợp thực tế. Nhưng đó đây, nơi nầy nơi khác, vẫn còn những câu chuyện nguyên tắc tập trung dân chủ chưa được thể hiện đúng mức và đầy đủ. Khi thì tập trung quan liêu lấy cớ quyết đoán để độc đoán. Vấn đề này thì lấn sân, vấn đề kia cũng khá quan trọng lại buông lỏng sự lãnh đạo. Cấp dưới dựa dẫm vào cấp trên, không phát huy tính chủ động của mình. Sự bằng mặt mà không bằng lòng, ngại tranh luận, phản biện làm cho một số chủ trương, công việc đề ra không được chín chắn khi đi vào thực hiện bị cuộc sống đánh bật ra ngoài, gây phản cảm. Đoàn kết một chiều, ngại đụng chạm làm cho tổ chức bộ máy ở những nơi đó nhìn bên ngoài có vẻ mạnh nhưng lại yếu trong thực chất, thiếu bền vững khi đương đầu với khó khăn. Sự phối hợp không chặt chẽ làm cho sức mạnh của các bộ phận trong một cơ thể thống nhất không được phát huy và có khi gàn cản lẫn nhau.
Lời xin lỗi của người đứng đầu, của tập thể lãnh đạo đã được phát ra trên các diễn đàn biểu hiện sự cầu thị, sự trăn trở với các khuyết, nhược điểm yếu kém. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì ý nghĩa của đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình vừa qua cũng còn hạn chế. Tiếp sau đây phải là những công việc cụ thể để phát huy ưu điểm và cần thiết hơn là sửa chữa, khắc phục sai sót. Đó phải là những công việc làm giảm ngay những ưu tư phiền phức của đông đảo cán bộ nhân dân, phải được xác định thời gian, địa chỉ, trách nhiệm cụ thể và những giải pháp phù hợp. Có như thế kết quả của đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình mới được phát huy. Nghị quyết Trung ương 4 phải được tiến hành dài hơi liên tục không bị đầu voi đuôi chuột, đánh trống bỏ dùi. Từ dấu ấn hai ngàn mười hai sẽ tạo ra những dấu ấn mới tiếp theo để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh làm tròn sứ mệnh lịch sử giao phó.