Đâu là khó khăn của ngành mía đường Bến Tre?

05/11/2013 - 15:38
Thu hoạch mía.

Hiện nay, công nghệ sản xuất mía đường Bến Tre cũng như các nhà máy mía đường trong nước đã được cải tiến rất nhiều. Vấn đề của ngành mía đường trong tỉnh là cần sản xuất cây mía theo hướng tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật” - ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Bến Tre nói.

Nỗ lực của doanh nghiệp

Thực hiện chương trình phát triển mía đường quốc gia từ năm 1995, đến nay, ngành mía đường nước ta đã góp phần sản xuất, cung cấp sản phẩm đường cho thị trường trong nước, giải quyết việc làm cho hàng triệu người dân; góp phần đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ, vận tải, bốc xếp, hóa chất cung ứng ngành mía đường… Riêng ở tỉnh ta, Nhà máy đường được xây dựng và bắt đầu đi vào hoạt động từ niên vụ 1998-1999, với công suất ban đầu 1.000 tấn mía cây/ngày. Giai đoạn này, diện tích mía trong tỉnh đạt trên 12.000ha, sản lượng 800.000 tấn mía cây. Đến năm 2000, Nhà máy nâng công suất lên 2.000 tấn mía cây/ngày. Trên cơ sở đó, năm 2001, UBND tỉnh quyết định phê duyệt quy hoạch vùng mía nguyên liệu cho Nhà máy, với diện tích 5.000ha, ở 5 huyện: Mỏ Cày, Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Trong thời gian đó, một số vùng mía trong tỉnh được ngọt hóa, nông dân đã từng bước chuyển sang trồng dừa, rau màu, cây ăn trái, lúa, diện tích mía liên tục giảm. Đến năm 2009, UBND tỉnh quyết định điều chỉnh quy hoạch vùng mía nguyên liệu đến năm 2020 là 4.300ha. Trong đó, nhiều nhất là các xã: Châu Bình, Hưng Lễ (Giồng Trôm), Minh Đức, Tân Trung (Mỏ Cày Nam), Tân Mỹ, An Hiệp (Ba Tri), Bình Thạnh, Hòa Lợi (Thạnh Phú), Phú Long (Bình Đại)…

Thời gian qua, Công ty đã tích cực triển khai các chính sách ưu đãi hỗ trợ nông dân trồng mía song song với ký kết hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm: Đầu tư vốn không lãi, thưởng hoàn thành hợp đồng (5.000 đồng/tấn mía thực bán), cam kết giá sàn với nông dân (giá thấp nhất là 800.000 đồng/tấn mía 10CCS tại Nhà máy). Đối với hợp đồng đầu tư, Công ty hỗ trợ 70% lãi vay trên vốn đầu tư. Riêng đối với mía chuyển đổi trong tỉnh, Công ty hỗ trợ chi phí chuyển đổi: 3 triệu đồng/ha sau khi xuống giống 3 tháng và mía sinh trưởng tốt. Ngoài ra, Công ty còn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nghiên cứu mía đường triển khai thực hiện các dự án nhân nhanh các giống mía mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, công nghệ sản xuất của Nhà máy đã được đầu tư tương đối hiện đại. Nhiều năm qua, dù đứng trước khó khăn nhưng Công ty vẫn có lãi và đảm bảo duy trì sản xuất, nhờ phát huy tiềm năng về vốn, sáng tạo trong tận dụng phế phẩm (tro, bã mía, bã bùn).

Nông dân đốn mía?

Nỗ lực của doanh nghiệp là vậy nhưng vì sao diện tích mía liên tục giảm, dẫn đến phá vỡ quy hoạch? Theo thống kê, niên vụ mía 2013-2014, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 3.100ha/4.300ha quy hoạch. Trong đó, diện tích mía chuyên canh chiếm trên 50%, số còn lại là trồng xen dừa. Sản lượng thu hoạch ước 205.000 tấn mía cây. Trong khi đó, nhu cầu hoạt động của Nhà máy là 350.000 tấn/vụ.

Ông Sơn nói: Mấu chốt là canh tác mang tính manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung, khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất. Mặt khác, nông dân tự quyết định cây trồng trên diện tích của họ. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao, do tốn nhiều chi phí. Về phía nông dân, khi cung lớn hơn cầu, giá sản phẩm giảm, tốn nhiều chi phí trong thu hoạch, người dân chuyển đổi canh tác. Vì thế, để đảm bảo hoạt động, Công ty phải huy động thêm 40% mía nguyên liệu ngoài tỉnh. Năm 2010, tỉnh đã lập dự án giao thông thủy lợi nhưng do khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư nên đến nay, dự án chưa thực hiện, người trồng mía vẫn chưa nhận được lợi ích từ dự án. 

Nông dân xã Bình Thạnh (Thạnh Phú) đã đầu tư trồng mía qua nhiều năm liền để vươn lên thoát nghèo, tiến đến khá giàu. Trong sản xuất, nông dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trồng giống mía mới có chất lượng, chữ đường cao, chú trọng chăm sóc, bón phân đúng cách để nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó nâng cao giá thành cây mía.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN