Đâu là lối đi cho y tế học đường?

06/08/2013 - 16:09
Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ mầm non. Ảnh: PY

Y tế học đường được xác định là các hoạt động quản lý, chăm sóc và truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, bảo đảm an toàn phòng chống tai nạn - thương tích và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng trong trường học.

Năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 529 trường và tất cả các trường bậc phổ thông đều có triển khai hoạt động y tế trường học. Qua khám sức khỏe định kỳ, răng miệng và tật khúc xạ là các bệnh, tật thường mắc ở lứa tuổi học trò. Đối với hoạt động nha khoa, hiện có 7 phòng nha, 5 ghế nha cố định và 3 máy nha lưu động dành riêng cho các trường học. Tuy không nhiều nhưng cũng chia sẻ được ít nhiều trong khám và điều trị răng cho học sinh. Chỉ tính riêng năm học 2012-2013, các phòng, ghế nha đã khám cho 6.104 học sinh, nhổ 3.201 răng sữa, 5 răng vĩnh viễn, trám 1.307 răng.

Vừa qua (tháng 5-2013), Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức kiểm tra, đo đạc 6 yếu tố: nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, tiếng ồn, ánh sáng, bụi hô hấp tại 14 trường tiểu học, ở 7 huyện và 8 trường trung học cơ sở trên địa bàn TP. Bến Tre. Kết quả, chỉ số ánh sáng trong số 130 mẫu thu được thì số mẫu không đạt chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Nguyên nhân thiếu ánh sáng do thiếu đèn hoặc có đèn nhưng không sử dụng. Đây là yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp đến tật khúc xạ của mắt. Đối với tiếng ồn thì tất cả các mẫu đo được đều vượt ngưỡng cho phép. Còn tốc độ gió trên 50% không đạt, do thiếu quạt, cửa sổ thông gió…

Mặc dù đều có hoạt động y tế nhưng chỉ có 208 trường có phòng y tế theo quy định. Trong số 7 phòng khám nha, chỉ có 2 phòng nha của Bình Đại và Ba Tri được nâng cấp, mua sắm trang thiết bị, máy móc, đảm bảo điều kiện hoạt động tốt, còn lại đều đã xuống cấp trầm trọng. Ông Nguyễn Quang Hiển - Giám đốc Trung tâm Y tế Mỏ Cày Nam cho biết, phòng nha, các thiết bị nha khoa xuống cấp, không sử dụng được nhưng không có nguồn kinh phí để bổ sung. Theo đánh giá của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đa số trường có bếp ăn được tổ chức khá chu đáo, có lưu mẫu thức ăn đúng quy định, nhân viên phục vụ có khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, một số trường có căn-tin bán thức ăn phục vụ học sinh vẫn còn tình trạng chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, nhãn mác, hạn dùng thực phẩm.

Vấn đề được các trường quan tâm nhiều là khám sức khỏe định kỳ cho học sinh như thế nào. Mặc dù theo quy định, học sinh được khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm, riêng khối mầm non 2 lần/năm. Vì thực tế chỉ có bậc học mầm non và tiểu học là được khám sức khỏe tương đối đều, nhưng, chất lượng khám chưa được đánh giá cao, do trình độ chuyên môn của cán bộ y tế xã, hoặc tổ chức khám chỉ mang tính đối phó. Cũng liên quan đến công tác này, chi phí khám sức khỏe chưa thống nhất nên cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng khám. Ông Phạm Quốc Tuấn  - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, theo quy định trước đây, chi phí khám sức khỏe là 40.000 đồng/lần, còn theo Quyết định 1713 của UBND tỉnh thì chi phí khám sức khỏe hiện nay 100.000 đồng/lần khám. Và với mức phí này thì các trường không có nguồn chi. Thực tế những năm qua, phí khám sức khỏe cho học sinh tùy thuộc vào trường, huyện và chênh nhau rất nhiều. Có nơi, mỗi lần khám sức khỏe cho một học sinh là 2.000 đồng, cũng có nơi 4.000 đồng, 5.000 đồng, 25.000 đồng, còn một số trường ở Chợ Lách thì khám miễn phí. Bà Trần Hoàng Mai - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Hermann Gmeiner nói, chi phí khám sức khỏe chủ yếu lấy từ nguồn kinh phí trích lại 12% của bảo hiểm y tế. Với chi phí khám đang thực hiện, rất khó cho trường. Hơn nữa, với số học sinh/lần khám/nhân viên y tế, thì nguồn thu của nhân viên y tế trong một ngày khám sức khỏe là quá nhiều (theo quy định mức phí hiện hành). Về vấn đề này, ông Phạm Quốc Tuấn cho biết sẽ có văn bản đề xuất UBND tỉnh nhằm có sự thống nhất chung, hợp lý trong thời gian tới.

Cán bộ làm công tác y tế cũng là vấn đề nan giải trong thời gian qua. Năm học 2011-2012, các trường trong tỉnh có 151 cán bộ y tế trường học, đến năm học 2012-2013 tuyển mới 207 cán bộ, đa số là điều dưỡng và y sĩ. Hiện tại, các trường vẫn còn thiếu 171 nhân viên y tế trường học. Bà Nguyễn Thị Bé Mười - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, những năm gần đây, Sở phối hợp với Trường Trung cấp Y tế Bến Tre thông tin tuyển dụng trực tiếp đến những học sinh chuẩn bị tốt nghiệp tại trường này. Trong tháng 8-2013, Trường Trung cấp Y tế sẽ có khoảng 360 sinh viên tốt nghiệp. Sở sẽ tiếp tục đến trường tuyên truyền, vận động các học sinh đăng ký về làm việc ở các trường còn thiếu cán bộ. Mặt khác, Sở cũng sẽ có kế hoạch, tạo điều kiện để nhân viên y tế trường học được trau dồi nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn khi có yêu cầu.

Trước thềm năm học mới, UBND tỉnh vừa ban hành chỉ thị yêu cầu các sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Bảo hiểm Xã hội tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thành phố phối hợp tăng cường công tác y tế trong các trường học. Mục tiêu của tỉnh đặt ra tới năm 2015, các trường có đủ nhân viên y tế; đồng thời, tuyên truyền học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh tham gia bảo hiểm y tế nhằm tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2020 theo lộ trình.

Nguyên Phan

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN