Đấu tranh chống bình định chiêu an, lập ấp chiến lược góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy

20/01/2010 - 08:54
Minh họa: Lê Uyên

Sau Đồng Khởi năm 1960, cách mạng miền Nam phát triển lên cao trào. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới; tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng toàn dân, toàn diện, đẩy mạnh cuộc đấu tranh vũ trang, song song với đấu tranh chính trị, tiến công địch bằng 3 mũi: chính trị, vũ trang và binh vận, trên cả 3 vùng.

Ở Bến Tre, sau phong trào Đồng Khởi, cục diện chiến trường thay đổi rõ rệt. Địch rơi vào thế bị động, bộ máy kìm kẹp ở nhiều xã, ấp bị phá vỡ từng mảng, tinh thần binh sĩ, sĩ quan hoang mang cao độ. Ta từ thế bị động, bị tiêu hao chuyển sang thế tiến công, đã giành thắng lợi lớn, cách mạng đang ở thế cao trào. Hình thái trên chiến trường đã xuất hiện 3 vùng: vùng giải phóng, vùng tranh chấp và vùng còn đang bị kìm kẹp, các tổ chức cách mạng được khôi phục và phát triển nhanh.

Để đối phó lại phong trào cách mạng của quần chúng, ngăn chặn sự suy sụp đang diễn ra, Mỹ - Diệm đặc biệt quan tâm đến chiến trường Bến Tre. Một mặt chúng thay thầy đổi tớ, nhất là các tên chỉ huy chủ chốt ở các ngành quân sự, công an, tình báo… mặt khác ráo riết tiến hành bắt lính, bổ sung và phát triển lực lượng dân vệ, phát triển dọ thám, gián điệp, xây dựng lại bộ máy tề, đẩy mạnh càn quét, đánh phá, hòng chiếm lại các vị trí đã mất. Cuối năm 1961, chính quyền Mỹ đã chính thức thông qua chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và kế hoạch Xta-lây-Tay-lo, nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Mỹ - ngụy coi bình định, dồn dân lập ấp chiến lược là nội dung cơ bản, là xương sống của “chiến tranh đặc biệt” nhằm mục tiêu “làm cỏ Việt cộng”. Thi hành quốc sách “ấp chiến lược”, Mỹ - Diệm nhằm mục đích kìm kẹp nhân dân, chủ yếu là nông dân, hòng biến chỗ dựa của cách mạng thành chỗ dựa của chúng; tách lực lượng cách mạng ra khỏi nhân dân theo lối “tát nước bắt cá” khiến cán bộ phải bật ra ngoài, để chúng dễ bề tiêu diệt; vơ vét nhân tài, vật lực để lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Việt. Thực chất chính sách gom dân, lập “ấp chiến lược” là biến làng xã thành trại tập trung. Đây là một âm mưu nhằm đánh phá “tận gốc” phong trào đấu tranh của quần chúng, bóp chết từ đầu các cuộc nổi dậy của quần chúng.

Tại Bến Tre, địch tăng cường bắt lính để bổ sung cho lực lượng chủ lực, phát triển lực lượng bảo an, xây dựng lực lượng dân vệ trở thành lực lượng vũ trang thường trực. Cố vấn Mỹ được tăng cường ở các cơ quan tỉnh, các chi khu và biệt khu. Cơ quan tình báo CIA của Mỹ xây dựng kế hoạch trực tiếp phụ trách huấn luyện, trang bị, đài thọ tổ chức “thanh niên chiến đấu”, vừa để tăng cường hỗ trợ cho quân thường trực trong việc bình định, gom dân lập ấp chiến lược, vừa bổ sung cho mạng lưới tình báo Mỹ. Mặt khác, địch tung lực lượng chủ lực, bảo an kết hợp với dọ thám, gián điệp, tiến hành càn quét, đánh phá ác liệt vào vùng giải phóng, chà đi xát lại nhiều ngày, tiến hành bắn giết, bắt bớ, uy hiếp tinh thần quần chúng, buộc quần chúng dời nhà vào vùng chúng đã định sẵn. Trong các khu gom dân, chúng bắt nhân dân đào chiến hào, đắp bờ thành, làm hàng rào kẽm gai, chia thành nhiều ô, mỗi ô có cửa ra vào. Trong ấp cất chòi canh, bắt buộc dân phải cất nhà chen chúc nhau, đẩy hàng ngàn người phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, phong trào cách mạng ở miền Nam nói chung và Bến Tre đứng trước những thử thách nghiêm trọng.

Trước tình hình trên, Tỉnh ủy chủ trương nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ là giải quyết, mở rộng quyền làm chủ đã giành được, đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Tỉnh ủy khẳng định: Phá ấp chiến lược là một nhiệm vụ có tính cấp bách, đồng thời cũng là nhiệm vụ lâu dài, cần phối hợp 3 mặt tiến công: quân sự, chính trị và binh vận. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, cùng với các lực lượng vũ trang của tỉnh, lực lượng an ninh các cấp trong tỉnh đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công các tổ chức dọ thám, gián điệp, tề ngụy. Ta chủ động các biện pháp bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo, vùng căn cứ kháng chiến, phá những tổ chức dọ thám, gián điệp quan trọng mà chúng cài cắm. Điển hình như vụ phá ổ gián điệp đâm chết cán bộ ta ở Lương Hòa (Giồng Trôm) và 2 ổ gián điệp ở Thuận Điền (Giồng Trôm) và Nhơn Thạnh (thành phố Bến Tre); một tên tình báo ở Phước Long (Giồng Trôm); khử 2 tên chỉ điểm ở An Hóa và 3 tên do thám hoạt động ở An Phước (Châu Thành); bắt tên trung sĩ thám báo từ Sài Gòn cài xuống hoạt động ở Sơn Phú (Giồng Trôm)... Việc đưa một số tên chỉ điểm, dọ thám, gián điệp khác ra mít-tinh công khai trước quần chúng nhân dân làm sáng tỏ chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng ta. Ta đánh mạnh vào bọn dọ thám, gián điệp đã có tác động răn đe bọn còn lại. Công tác phòng gian bảo mật cũng được phát động rộng rãi, nâng cao ý thức trong quần chúng nhân dân.

Cùng với đấu tranh, phá rã bọn dọ thám, gián điệp, công tác diệt ác trừ gian cũng được đẩy mạnh đã tạo điều kiện cho phong trào phá ấp chiến lược ở tỉnh ta diễn ra với qui mô rộng lớn mang tính chất quyết liệt, một mất một còn giữa ta và địch. Cuối năm 1962, địch đã lập được 113 ấp chiến lược nhưng hơn 100 ấp bị nhân dân phá đi phá lại nhiều lần; có ấp địch xây, ta phá đến 40 lần. Tuy nhiên, do nhiều nơi còn chủ quan coi thường âm mưu lập ấp chiến lược của địch và chưa có kinh nghiệm nên cuộc đấu tranh phá ấp chiến lược kết quả không lớn. Quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam và sau nhiều lần tổng kết rút kinh nghiệm, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo quân, dân quyết tâm phá cho được kế hoạch lập ấp chiến lược của địch; đặt công tác phá ấp chiến lược là nhiệm vụ trọng tâm với một kế hoạch toàn diện, lâu dài của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; tiến hành từng bước, từ phá lỏng, phá banh đi đến phá dứt điểm giải phóng xã, ấp. Thực hiện chủ trương trên, lực lượng an ninh các cấp trong tỉnh đã tích cực hướng dẫn quần chúng và cơ sở trong ấp chiến lược mở đợt tuyên truyền làm dao động hàng ngũ địch, trên cơ sở đó tranh thủ phân hóa nhanh hàng ngũ địch... Kết quả, ta đã trừng trị hàng chục tên tề điệp ác ôn, giáo dục, giải tán hàng trăm tề ấp, góp phần cùng Đảng, quân, dân tỉnh ta đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy.

Huy Phục

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN