Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm

09/05/2016 - 06:33

Ông Trần Văn Mướt

Đến nay, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2016 đã qua hơn nửa chặng đường. Cũng trong thời gian này, Đoàn kiểm tra liên ngành các cấp (tỉnh, huyện, thành phố và xã) tiến hành đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là rau, thịt và sản phẩm chế biến từ rau, thịt. Phóng viên Báo Đồng Khởi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Mướt - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm về những vấn đề liên quan đến ATTP hiện nay.

* Phóng viên: Tháng hành động vì ATTP năm nay có những điểm nổi bật nào, thưa ông?

- Ông Trần Văn Mướt: Đó là nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của việc đảm bảo ATTP; các hoạt động cao điểm nhằm nâng cao trách nhiệm chính quyền các cấp, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm thực phẩm.

Các khẩu hiệu của Tháng hành động vì ATTP thể hiện rõ nội dung cần hành động như: “Lựa chọn rau, thịt sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ cho bữa ăn ngon, an toàn sức khỏe”, “Chủ động phát hiện hành vi vi phạm ATTP và báo cho cơ quan chức năng gần nhất”, “Tuyệt đối không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm”, “Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng thực phẩm không an toàn; gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch”…

Cấp tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (do UBND tỉnh ra quyết định) tiến hành thực hiện nghiêm túc đợt thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm là rau, thịt và sản phẩm chế biến từ rau, thịt. Đoàn kiểm tra do Thanh tra Sở Y tế làm trưởng đoàn, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cùng là phó trưởng đoàn. Ngoài ra, còn có sự tham gia của một số đơn vị hữu quan. Trong quá trình kiểm tra có phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các kiến thức về bảo đảm ATTP.

* Ông có thể thông tin và nhận định sơ nét về kết quả kiểm tra ATTP?

- Ở những đợt kiểm tra thời gian trước, đoàn kiểm tra tập trung vào một số cơ sở gần nhau trong cùng một địa phương, còn điểm mới trong đợt kiểm tra này thì kiểm tra các cơ sở ở cách xa nhau, thuộc nhiều địa phương; thời gian hoạt động của đoàn cũng khá dài. Đoàn đã tiến hành kiểm tra 24 cơ sở (tại các huyện và TP. Bến Tre) trên nhiều lĩnh vực như: chăn nuôi heo, giết mổ heo, các cơ sở sản xuất: giá, bún, hủ tiếu, bánh hỏi, bánh tráng nem, cơ sở thu mua chuối, thực phẩm đông lạnh… Các lỗi vi phạm nhiều nhất như: không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; không đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất, sử dụng người lao động không mang, mặc trang phục bảo hộ…

Đối với các cơ sở vi phạm, đoàn kiểm tra đã tiến hành xử phạt theo quy định với tổng số tiền 19 triệu đồng. Đồng thời, đoàn tiến hành tịch thu và niêm phong một số sản phẩm đã hết hạn sử dụng, không ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có nguồn gốc rõ ràng. Đoàn còn tiến hành nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở thực hiện các nội dung đúng theo quy định về ATTP.

Nhìn chung, ý thức về ATTP của nhiều cơ sở sản xuất còn hạn chế. Mặc dù các chủ cơ sở có thực hiện các nội dung theo quy định của pháp luật nhưng có một số nội dung chưa đầy đủ, chưa đúng nên số vi phạm còn khá nhiều. Về mặt thuận lợi trong hoạt động của đoàn kiểm tra là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ngành liên quan, theo từng mảng, từng lĩnh vực (điển hình như khi kiểm tra chăn nuôi heo thì đã có Chi cục Quản lý chăn nuôi, thú y; khi kiểm tra về thu mua thực phẩm, trái cây thì có Chi cục Bảo vệ thực vật…); đồng thời thực hiện theo kế hoạch và bám sát theo định hướng chủ đề của năm.

* Những vấn đề trọng tâm nào được thực hiện trong thời gian còn lại của đợt cao điểm Tháng hành động vì ATTP cũng như về sau này, thưa ông?

- Công tác quản lý ATTP là sự phối hợp giữa 3 ngành lớn: Y tế, Nông nghiệp và Công Thương. Riêng mỗi ngành đều thực hiện việc quản lý phần ATTP đã được phân công trách nhiệm cho ngành chuyên môn của mình. Đặc biệt, chủ đề Tháng hành động vì ATTP năm nay là hướng mạnh về rau, thịt… (thực phẩm) nên các ngành sẽ tiếp tục tập trung về việc tăng cường quản lý, kiểm tra đối với các mặt hàng này.

Phải nói rõ thêm, mặc dù chủ đề là vậy nhưng trong thực hiện quản lý, kiểm tra ATTP thời gian qua và cả về sau, các ngành đã xác định không chỉ dừng lại ở riêng lĩnh vực rau, thịt mà vẫn tăng cường quản lý đối với các mặt hàng khác. Điển hình, trong khi đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nêu trên thì ngành Y tế vẫn thực hiện việc kiểm tra các hoạt động bên lĩnh vực y tế như: kiểm tra các bếp ăn tập thể, các cơ sở sản xuất đóng chai hay dịch vụ ăn uống… Ngành Nông nghiệp thì tăng cường thực hiện các hoạt động của kế hoạch năm an toàn về thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp…

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành để tiến hành thực hiện hiệu quả việc quản lý, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau đợt kiểm tra trong cao điểm Tháng hành động vì ATTP, chúng tôi sẽ có tổng hợp, đánh giá lại kết quả để báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế.

Đến nay, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2016 đã qua hơn nửa chặng đường. Cũng trong thời gian này, Đoàn kiểm tra liên ngành các cấp (tỉnh, huyện, thành phố và xã) tiến hành đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là rau, thịt và sản phẩm chế biến từ rau, thịt. Phóng viên Báo Đồng Khởi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Mướt - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm về những vấn đề liên quan đến ATTP hiện nay.

Ánh Nguyệt (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN