DBRP Bến Tre hỗ trợ phát triển các dịch vụ kinh doanh nông thôn

13/11/2009 - 09:23

Một trong những mục tiêu quan trọng của Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP) tỉnh Bến Tre là tạo cơ hội việc làm cho người dân nông thôn, nhất là người nghèo thông qua hỗ trợ phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương. Theo khảo sát của Dự án, hiện nay Bến Tre có khoảng 2.900 doanh nghiệp đăng ký hoạt động và trên 25.000 hộ kinh doanh cá thể. Nếu mỗi năm, mỗi cơ sở chỉ cần tạo thêm một việc làm thì cũng sẽ góp phần tạo ra khoảng 30.000 lao động. Để hướng đến mục tiêu này, trong Hợp phần 2, Dự án DBRP sẽ tập trung hỗ trợ tỉnh Bến Tre các hoạt động như sau:

Thứ nhất là tập trung đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ và vừa tại 8 huyện. Qua khảo sát nhu cầu đào tạo, Dự án sẽ tập trung mở các lớp tập huấn cho các chủ hộ kinh doanh và các nhà quản lý doanh nghiệp về khởi sự doanh nghiệp, kỹ năng quản trị kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh và tài chính, kế toán, marketing, thị trường và kỹ năng cung cấp dịch vụ nông nghiệp, kỹ thuật sản xuất sạch, an toàn. Các hộ kinh doanh và doanh nghiệp liên quan trong chuỗi giá trị sản phẩm chủ yếu được chọn như dừa, ca cao, giống cây ăn trái, các loại trái cây có giá trị kinh tế đặc thù của địa phương, gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và lúa sẽ là những đối tượng được nâng cao năng lực về quản trị doanh nghiệp.

Thứ hai là cung cấp thông tin thị trường cho nông thôn. Theo khảo sát của Dự án, hộ nghèo, nông dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đang có nhu cầu rất lớn về thông tin thị trường và các thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong kế hoạch của Dự án, tại mỗi xã sẽ thành lập một “Góc thông tin” đặt tại UBND các xã. Góc thông tin này được trang bị và cung cấp miễn phí các loại thông tin có liên quan đến đời sống và sản xuất của người dân như thông tin về giá cả hàng hóa nông sản, chính sách đầu tư - kinh doanh, về lao động - việc làm, tài chính vi mô và thông tin về chính sách xóa nghèo của địa phương. Hiện tại, Dự án đã thành lập 24 góc thông tin tại 24 xã Dự án trong năm 2009 và sẽ nâng lên 50 góc trong năm 2010. Ngoài ra, Dự án đang kết hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Bến Tre và Báo Đồng Khởi thực hiện chuyên mục Thông tin thị trường, Phát triển kinh doanh với người nghèo để cung cấp đa dạng các thông tin phục vụ đầu tư - kinh doanh. Trong năm 2010, các xã dự án sẽ được xây dựng chương trình phổ biến thông tin phục vụ sản xuất - kinh doanh qua hệ thống truyền thanh của các xã. Dự án cũng đang phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư của tỉnh (IPC Bến Tre) xây dựng chương trình tư vấn đầu tư -kinh doanh cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong vùng dự án. Dịch vụ này được hỗ trợ miễn phí cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp khi có nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất.

Hỗ trợ tạo việc làm cho người dân nông thôn. Ảnh: IPC

Thứ ba là kết nối với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho lao động nông thôn: Thông qua IPC Bến Tre, Dự án đang tăng cường dịch vụ hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến đầu tư tại tỉnh. Các doanh nghiệp khi đăng ký đầu tư tại tỉnh sẽ ký thỏa thuận hợp tác với Dự án trong việc đảm bảo giới thiệu nguồn nhân lực lao động phổ thông cho các nhà máy trong và ngoài khu công nghiệp tại Bến Tre. Các doanh nghiệp sẽ lựa chọn và tuyển dụng lao động qua sự giới thiệu của Dự án. Nếu lao động chưa có tay nghề và kỹ năng cần thiết theo yêu cầu của doanh nghiệp sẽ được Dự án hỗ trợ đào tạo nghề. Trong năm 2008 và 2009, Ban Quản lý Dự án và IPC Bến Tre đã ký 8 thỏa thuận hợp tác kết nối việc làm cho thanh niên nông thôn với 8 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, với số lượng lao động trên 3.000 lao động. Dự án cũng đã tổ chức 5 sự kiện kết nối việc làm trực tiếp cho thanh niên nông thôn tại 4 huyện: Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Ba Tri. Đây là một trong các chương trình chính của Dự án nhằm tạo việc làm cho lao động nghèo để góp phần xóa nghèo trực tiếp cho các hộ trong vùng dự án.

Thứ tư là tập trung hỗ trợ nông dân, nhà sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm: DBRP sẽ tăng cường năng lực cho cán bộ khuyến nông cơ sở; xây dựng mạng lưới các cộng tác viên khuyến nông từ những nông dân tiên tiến, sản xuất giỏi để hỗ trợ cho các nhóm hợp tác, cho hộ nghèo sản xuất nông nghiệp trong vùng dự án. Các khuyến nông viên được trang bị về kiến thức thị trường, phân tích đầu tư để tư vấn cho các nhóm hợp tác và nông dân. Các nhà sản xuất cũng được giới thiệu về kỹ thuật sản xuất sạch, an toàn và ứng dụng các kỹ thuật sản xuất phù hợp, đáp ứng nhu cầu hàng hóa có chất lượng cho thị trường.

Thứ năm là cung cấp dịch vụ tài chính nông thôn: Dự án đang kết hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh Bến Tre (VBARD) cung cấp các khoản cho vay để thực hiện kế hoạch mở rộng đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho nông dân, hộ kinh doanh nông thôn và nhóm hợp tác trong vùng dự án. Ngân hàng sẽ ưu tiên hỗ trợ các khoản vay dài hạn nhằm phát triển sản xuất và đầu tư cho các sản phẩm được chọn ở nông thôn. Đến tháng 10 năm 2009, VBARD đã giải ngân được 500.000 USD cho 4 huyện: Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách.

Duy Nguyễn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN