Đề án 1816 góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên

02/11/2015 - 07:39

Chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Tri.

Đề án của Bộ Y tế về việc “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” theo Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26-5-2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế (gọi tắt Đề án 1816) được triển khai từ nhiều năm nay tại một số bệnh viện trong tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến. 

Mục tiêu đề án là tăng cường năng lực khám, chữa bệnh (KCB) cho các đơn vị tuyến cơ sở. Hoạt động chủ yếu là đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp trang thiết bị y tế, hỗ trợ tư vấn KCB. Thời gian qua, các bệnh viện tuyến huyện đã tiếp nhận được nhiều kỹ thuật, công nghệ y tế, năng lực cung cấp dịch vụ KCB được nâng cao.

Bác sĩ Bùi Văn Bảy - Trưởng Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế cho biết, quá trình thực hiện Đề án 1816 đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chất lượng KCB tuyến dưới được nâng lên, giải quyết được nhiều ca nặng; đồng thời, còn hạn chế tình trạng chuyển viện tuyến trên, đảm bảo hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Tri và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cù Lao Minh là minh chứng tiêu biểu cho thành công của đề án.

Bác sĩ Lê Thị Thu Nhi - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Tri chia sẻ, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều kỹ thuật mới: kỹ thuật thay khớp, mổ cắt tử cung, một số kỹ thuật chăm sóc sơ sinh, cấp cứu nhi… và nhiều kỹ thuật chuyên khoa mắt, nha. Đặc biệt, trong năm 2015, bệnh viện tiếp nhận và đưa vào sử dụng hai kỹ thuật mới: mổ lấy thai lần 2 và chạy thận nhân tạo, mang lại tín hiệu vui cho người bệnh.

Máy lọc thận được đưa vào sử dụng phục vụ hiệu quả cho người bệnh.

Sau khi phát hiện bệnh suy thận, ông Nguyễn Văn Đằng ở xã Tân Thủy, huyện Ba Tri đã tốn nhiều chi phí cho việc chạy thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh. Gần một tháng nay, ông được chuyển về Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Tri, chi phí điều trị giảm đáng kể. Ông Đằng phấn khởi: “Điều trị tại huyện đã giảm đáng kể chi phí đi lại, ăn uống; được các y, bác sĩ nhiệt tình chăm sóc, sức khỏe cũng cải thiện, tinh thần cũng thoải mái hơn”.

Được Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu chuyển giao các kỹ thuật mới trong công tác khám, điều trị, trình độ và năng lực chuyên môn của y, bác sĩ đã nâng lên. Giờ đây, khả năng cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại bệnh viện tuyến dưới đã cải thiện. “Thực hiện Đề án 1816, các y, bác sĩ của bệnh viện có điều kiện tiếp cận kỹ thuật mới, đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị. Sức khỏe người dân giờ được chăm sóc tốt hơn. Nếu như trước đây, các ca bệnh: phẫu thuật nội soi, gãy xương hàm mặt, chấn thương sọ não… phải chuyển tuyến trên thì hiện nay, các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện hiệu quả”, bác sĩ Đoàn Anh Kiệt - Phó Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cù Lao Minh cho biết.

Được sự hỗ trợ từ các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện đa khoa các huyện từng bước nâng cao chất lượng KCB. Các bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật phức tạp. Đến nay, cán bộ y, bác sĩ của bệnh viện đã sử dụng thành thạo các trang thiết bị y tế hiện đại như: máy CT-Scanner, siêu âm màu 4D, siêu âm tim, máy lọc máu… Bác sĩ Nguyễn Nhật Tân - Phòng Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Tri, nói: “Khi tiếp nhận các kỹ thuật mới, bản thân tôi rất vui vì được cập nhật thêm kiến thức chuyên môn. Phục vụ tốt hơn cho người bệnh là điều hạnh phúc của mỗi thầy thuốc”.

Hiện nay, số lượng bệnh nhân được giữ lại điều trị tại bệnh viện tuyến huyện tăng lên. Một số bệnh nhân được phẫu thuật thuộc kỹ thuật cao có chuyển biến về số lượng và chất lượng. Bác sĩ Kiệt cho biết thêm, tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cù Lao Minh, công suất giường bệnh hàng năm tăng, Sở Y tế giao cho bệnh viện này 400 giường, nhưng con số thật kê là 500. Lượng bệnh nhân đôi khi quá tải trên 600 bệnh. Riêng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Tri, trong 9 tháng năm 2015, đã khám cho 209.564 bệnh nhân, trong đó có hơn 15 ngàn bệnh nhân điều trị nội trú.

Được biết, bên cạnh hiệu quả đề án mang lại, trong quá trình triển khai thực hiện, các bệnh viện cũng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt về cán bộ y tế, nhất là cán bộ có trình độ đại học, cán bộ chuyên khoa sâu. Một số cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế còn thiếu và lạc hậu. Theo bác sĩ Phan Văn Thắng - Khoa Chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cù Lao Minh, mặc dù được đầu tư các trang thiết bị nhưng chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu KCB thực tế. Hạn chế về các thiết bị hiện đại đã ảnh hưởng nhiều đến việc chuyển giao kỹ thuật.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN