 |
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Phong trong buổi làm việc với Đảng bộ xã Thanh Tân (Mỏ Cày Bắc) về công tác xây dựng Đảng. Ảnh: C.Tạo |
Giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, khâu quan trọng trong công tác lãnh đạo và là nội dung không thể thiếu của công tác xây dựng Đảng. Giám sát trong Đảng là giám sát đối với quyền lực, phòng ngừa lạm dụng quyền lực, thực hiện lấy quyền lực chế ước quyền lực. Trong thực tế, thời gian qua nhiều tổ chức Đảng, nhất là cấp cơ sở thực hiện công tác này còn nhiều lúng túng, vướng mắc. Vấn đề là xây dựng cơ chế, biện pháp thực hiện như thế nào để giám sát trở thành sinh hoạt thường xuyên, có văn hóa cao và đạt hiệu quả thiết thực, góp phần vào nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Giám sát là việc không phải hoàn toàn mới trong công tác xây dựng Đảng. Trong suốt quá trình xây dựng Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc “theo dõi”, “kiểm soát”, “kiểm tra”, “xem xét”, “nắm tình hình”, “nghe báo cáo”... Đó chính là sự quan tâm của Người tới vấn đề giám sát. Người cho rằng, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, khâu quan trọng trong sự lãnh đạo và là nội dung không thể thiếu của công tác xây dựng Đảng. Bởi lẽ, nguy cơ sai lầm về đường lối, cán bộ, đảng viên quan liêu, xa rời quần chúng, đặc quyền, đặc lợi, thoái hóa biến chất,... rất dễ xảy ra, cho nên phải tăng cường công tác này. Người cũng chỉ rõ: Có kiểm soát như thế... mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan; mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không. Muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết”. Công tác giám sát giúp Đảng và Nhà nước nắm chắc và quản lý được tình hình lãnh đạo, tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách trong thực tế cuộc sống; thấy được chất lượng hoạt động của từng thành viên trong từng tổ chức; quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, giúp họ tự tu dưỡng, trau dồi đạo đức cách mạng, tính tiên phong gương mẫu của người cộng sản. Công tác giám sát còn giúp Đảng chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những sai phạm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, phòng chống “bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị”, “có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững...”.
Đảng ta đã rất quan tâm đến công việc giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và các thành tố thuộc hệ thống chính trị; trong Điều lệ Đảng (sửa đổi) được thông qua tại Đại hội III của Đảng (năm 1960) đã nêu rõ: “Phải tăng cường công tác kiểm tra và giám sát của Đảng đối với cán bộ và cơ quan Nhà nước, giữ gìn kỷ luật nghiêm minh, xử lý thích đáng đối với những phần tử quan liêu gây tác hại nghiêm trọng cho Đảng và Nhà nước”. Đến Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII), Đảng đã nhấn mạnh: “Sử dụng đồng bộ hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là sự giám sát của tổ chức Đảng”. Nhưng trong thực tế, theo quy định của Điều lệ Đảng các khóa VII, VIII, IX, các cấp ủy, tổ chức Đảng, UBKT các cấp chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, chưa nói đến công tác giám sát. Nhiệm vụ giám sát trong Đảng mới được đưa vào Điều lệ Đảng (khóa X); bổ sung cụ thể vào Điều 30, 32, Chương VII của Điều lệ Đảng. Đó là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng cho mọi tổ chức Đảng, đảng viên chấp hành và chịu sự giám sát của Đảng; nhằm cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm.
Nói không mới trong công tác xây dựng Đảng, nhưng với các tổ chức cơ sở Đảng trong việc xây dựng chương trình và tổ chức thực hiện công tác giám sát vẫn còn rất lúng túng. Do nhận thức chưa sâu sắc, đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, mục đích, phương pháp tiến hành, nên nhiều nơi còn nhầm lẫn giữa công tác kiểm tra với giám sát, dẫn tới việc thực hiện công tác này còn mang tính hình thức, hiệu quả còn nhiều hạn chế.
Để giúp các tổ chức Đảng, nhất là cấp cơ sở khắc phục được tình trạng trên, ở đây ta cần làm rõ 2 vấn đề sau:
Một là, phải hiểu rõ được khái niệm giám sát của Đảng là gì? Trong Quy định 25-QĐ/TW ngày 24-11-2006 của Bộ Chính trị đã nêu rõ:“Giám sát của Đảng là việc các cấp ủy, tổ chức Đảng theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên chịu sự giám sát trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương”.
Mục đích của giám sát: Giám sát là việc làm thường xuyên, liên tục để chủ động cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm; giám sát giúp đối tượng được giám sát thực hiện đúng quy định, quy chế của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhằm ngăn ngừa khuyết điểm là chính. Nếu quán triệt đầy đủ khái niệm và mục đích giám sát, sẽ giúp cho công tác giám sát được triển khai một cách chủ động và đạt hiệu quả cao.
Hai là, các tổ chức cơ sở Đảng phải phân biệt sự giống và khác nhau giữa giám sát và kiểm tra. Công tác kiểm tra và giám sát có những điểm giống nhau; đó là: Kiểm tra và giám sát đều là những hoạt động nội bộ Đảng, do cấp ủy, tổ chức Đảng và UBKT các cấp thực hiện. Nội dung của nó cũng giống nhau đều là hướng vào việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đối tượng cũng đều tập trung vào tổ chức Đảng và đảng viên; nhằm mục tiêu xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị. Mặt khác, trong nhiệm vụ kiểm tra được chia làm 2 phần: đó là kiểm tra phòng ngừa và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, trong đó kiểm tra phòng ngừa là một bước trong công tác giám sát nên rất dễ nhầm lẫn.
Song, giữa chúng có những điểm khác nhau; cụ thể: khác nhau về mục đích: Giám sát là việc làm thường xuyên liên tục để chủ động phòng ngừa xảy ra vi phạm, giám sát giúp đối tượng được giám sát thực hiện đúng các quy định, quy chế,... cần thiết nhắc nhở ngay. Còn mục đích kiểm tra là để làm rõ đúng sai, sau kiểm tra phải có kết luận và xử lý (nếu cần). Có thể có vi phạm rồi mới kiểm tra, có vụ việc vi phạm nhiều năm rồi, nay mới kiểm tra để làm rõ nội dung, tính chất, nguyên nhân, mức độ và tác hại của vi phạm để xử lý (nếu có). Khác nhau về đối tượng: Trong công tác kiểm tra, đảng viên vừa là chủ thể, vừa là đối tượng kiểm tra; còn trong công tác giám sát, đảng viên chỉ là đối tượng, đảng viên chỉ có quyền giám sát khi được tổ chức Đảng có thẩm quyền phân công. Khác nhau về phương pháp: Giám sát có thể không nhất thiết tổ chức thành cuộc, không cần thẩm tra xác minh, không xem xét thi hành kỷ luật như một cuộc kiểm tra; mà thông qua giám sát, theo dõi để phát hiện vấn đề, phản ảnh để đối tượng được giám sát kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa khuyết điểm, tránh xảy ra vi phạm. Còn kiểm tra là tiến hành theo quy trình, lập thành tổ hoặc đoàn, coi trọng phần thẩm tra xác minh; có đánh giá, nhận xét kết luận và xử lý kỷ luật (nếu vi phạm đến mức cần xử lý).
Các tổ chức cơ sở Đảng cần nắm vững sự giống và khác nhau đó để làm tốt công tác giám sát ở cơ sở. Tránh quan niệm sai lầm cho rằng: “Giám sát là theo dõi, thẩm tra, thậm chí là săm soi, rình rập những việc làm của đồng chí mình, tìm ra khuyết điểm báo cáo lên trên để thi hành kỷ luật”.
Trong đồng bộ giải pháp của công tác xây dựng Đảng hiện nay, vấn đề giám sát trong nội bộ Đảng nổi lên cấp bách, đòi hỏi toàn thể đảng viên, từng cấp ủy, cơ quan kiểm tra các cấp, nhất là những người lãnh đạo nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này và nghiêm túc tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, về mặt pháp lý, Đảng cần có quy chế giám sát nội bộ chi tiết, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế làm khuôn thước để trước hết Đảng ta tự xây dựng và chỉnh đốn mình, bên cạnh sự đóng góp, xây dựng của xã hội, nhằm xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức”, “là văn minh” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.