Để khai thai thác cảng cá hiệu quả hơn

27/08/2014 - 07:26
Lên hàng tại Cảng cá Bình Đại. Ảnh: H.hiệp

Bình Đại là một trong 3 huyện biển của Bến Tre có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển đa dạng, phong phú, nhất là nghề khai thác, với 27km bờ biển.

Huyện hiện có 1,2 ngàn tàu đánh bắt thủy hải sản, chiếm 33% tổng số tàu đánh bắt toàn tỉnh; trong đó, có 548 tàu đánh bắt xa bờ. Sản lượng đánh bắt hàng năm đạt trên 50 ngàn tấn, chiếm 40% sản lượng của toàn tỉnh. Cảng cá Bình Đại đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho ngư dân trong nghề đánh bắt.

 Nhờ có Cảng cá, nhiều ngư dân đánh bắt có nơi lên hàng, tiết kiệm chi phí, thuận lợi trong các dịch vụ hậu cần sau mỗi chuyến ra khơi bám biển. Hoạt động của cảng ngày càng phát huy được hiệu quả, mỗi ngày có khoảng từ 8-10 tàu cập cảng. Tại đây cũng đã có đội bốc xếp chuyên nghiệp, giúp vận chuyển sản phẩm đánh bắt từ tàu lên bờ nhanh, thuận lợi hơn. Tình hình an ninh trật tự từng bước ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá mạnh dạn đầu tư mở rộng qui mô hoạt động, thu hút thêm nhiều cơ sở thu mua và sơ chế tập trung, khắc phục dần tình trạng ô nhiễm môi trường. Toàn huyện có 9 doanh nghiệp chế biến thủy sản, sản xuất nước đá, 26 cơ sở thu mua nguyên liệu từ các tàu khai thác, trong đó có 19 cơ sở tập trung ở khu vực Cảng cá. Đặc biệt, đã có 12 tàu dịch vụ vận chuyển sản phẩm từ biển vào đất liền để phục vụ tàu khai thác xa bờ, bám biển dài ngày.

Ngoài Cảng cá còn có khu neo đậu tàu tránh trú bão được đưa vào sử dụng năm 2012, gồm 2 khu vực để tàu neo đậu. Sông Bình Châu có chiều dài luồng 5.100m, sức chứa 500 tàu có công suất từ 60CV trở lên với 147 trụ neo đậu. Một đường công vụ dài 1.080m và rạch Thừa Mỹ có chiều dài luồng 1.850m, sức chứa 500 tàu có công suất dưới 60CV. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, vẫn chưa thu hút được các tàu vào neo đậu, kể cả khi có bão. Nguyên nhân do chưa có đường bộ để lên xuống tàu khi neo đậu.

Theo ông Trần Tấn Công - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại, hiệu quả hoạt động của Cảng cá ngày càng phát huy. Hầu hết cơ sở thu mua đều tập trung vào cảng nên môi trường ở khu dân cư đã dần được cải thiện. Vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm đánh bắt ngày được chú trọng bảo quản tốt hơn; thu hút thêm một số cơ sở thu mua và sơ chế trong huyện đến kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Quyền Trưởng Cảng cá Bình Đại cho biết: 7 tháng đầu năm 2014, có 90 lượt tàu neo đậu, 278 tàu lên hàng, trong đó hàng thủy sản 1.956 tấn, hàng hóa khác 287 tấn, phương tiện bộ 1,9 ngàn lượt. Để đáp ứng nhu cầu bức xúc của ngư dân về việc quá tải cảng cá hiện hữu, đầu năm 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức lễ khởi công dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Bình Đại giai đoạn I. Dự án nằm dọc theo sông Cửa Đại, thuộc xã Bình Thắng nối tiếp với Cảng cá Bình Đại hiện hữu về phía hạ lưu sông Cửa Đại, với tổng diện tích 3,31ha. Phía Bắc giáp sông Cửa Đại, phía Nam giáp xã Bình Thắng, phía Đông giáp sông Bình Châu, phía Tây giáp cảng cá hiện hữu, được thiết kế là cảng loại I với công suất 40 ngàn tấn/năm. Quy mô dự án gồm: cầu tàu 600CV, dài 100m, rộng 13,3m, 2 tuyến kè dài 172 và 122m, hệ thống phao tiêu báo hiệu, hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, cấp nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy, nhà tiếp nhận phân loại xử lý nước thải, sân, tường rào. Tổng mức đầu tư của dự án là 114 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 112 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2013 đến năm 2017. Hiện nay, nhà thầu đã tập trung thi công bến cập tàu 600CV, đã triển khai đóng cọc đại trà với tổng số cọc đã đóng là 124, tổng chiều dài 6.214m, đạt 95,4%; kè gầm bến đóng cọc 100% với tổng chiều dài 3.909m; triển khai đóng cọc thử kè loại 2, dài 98m. Giá trị khối lượng thực hiện 22,818 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 25,33%.

Theo Ban Quản lý dự án Cảng cá, sau khi hoàn thành, công trình sẽ tạo điều kiện để xây dựng và mở rộng các dịch vụ chế biến thủy hải sản nhằm khai thác hết công suất của cảng, xây dựng các khu dịch vụ hậu cần nghề cá trong tương lai của cảng cũng như địa phương và khu vực ngư trường trọng điểm Đông Nam Bộ; góp phần thúc đẩy phát triển nghề cá, cải thiện đời sống, kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.

HH-ST

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN