Bình đẳng giới (BĐG) từ lâu đã là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, với nhiều chủ trương, chính sách được triển khai nhằm hướng đến sự bình đẳng về giới. Song song đó, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để thay đổi quan niệm, tư duy của nam giới về bình đẳng trên cơ sở giới. Hướng ứng Tháng BĐG năm 2018, phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thanh Thảo - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh về nội dung này.
Hoạt động thi tài năng của các gia đình nhân kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam. Ảnh: A. Nguyệt
* Phóng viên: Thưa bà, thực trạng về bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
- Bà Phạm Thị Thanh Thảo: Trong những năm qua, các cấp, các ngành tỉnh tập trung nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng BLGĐ. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo cho thấy thực trạng BLGĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra. Trong đó, chủ yếu bạo lực về thể xác; bạo lực về tình cảm - tinh thần, tình dục tăng; bạo lực về kinh tế. Phần lớn thể hiện qua hành vi đánh đập vợ (chiếm cao nhất), cha mẹ đánh con, đánh đập người già, người cao tuổi, vợ chồng không quan tâm chăm sóc gia đình, đe dọa lẫn nhau.
* Thực trạng trên xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu nào?
- Một trong những nguyên nhân căn bản nhất, sâu xa nhất là tư tưởng trọng nam khinh nữ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, sự bất BĐG, định kiến giới, tính gia trưởng của người chồng, người cha trong gia đình; sự hiểu biết về pháp luật và nhận thức của người dân về BLGĐ còn hạn chế (người gây ra bạo lực và bị bạo lực); các thành viên trong gia đình thiếu các kỹ năng ứng xử, cách giải quyết phù hợp khi trong gia đình có sự mâu thuẫn, xung đột. Ngoài ra, tình trạng cờ bạc, rượu chè, nghèo đói, thiếu việc làm, kết hôn sớm, ép kết hôn, ngoại tình cũng là những yếu tố góp phần dẫn đến BLGĐ… Đặc biệt, để thể hiện uy quyền của mình, nhiều nam giới thường đánh đập vợ, con; bắt vợ, con phải phục dịch mọi yêu cầu của mình; cưỡng ép vợ quan hệ tình dục, buộc vợ sinh thêm con để có con trai... Họ tự cho rằng mình có quyền, thậm chí có trường hợp khi ra chính quyền vẫn mạnh dạn tuyên bố: “Vợ tôi tôi đánh, việc gì đến các ông!”.
Trái lại, người phụ nữ khi bị bạo lực, do bản tính nhẫn nhục, cam chịu, chỉ than thân, trách phận, không dám lên tiếng tố giác chồng mà tự gánh chịu hậu quả. Một mặt cho rằng đó là chuyện riêng của gia đình, sợ bị chê cười nên “không muốn vạch áo cho người xem lưng”, mặt khác sợ nói ra sẽ bị chồng hành hạ nhiều hơn đã khiến cho bạo lực có đất sống. Những hành vi bạo lực gây nên những tổn thương về thể xác, tinh thần cho những thành viên khác, cá biệt có những trường hợp nạn nhân của hành vi bạo lực bị tử vong, người gây ra bạo lực là kẻ phạm tội và để lại những hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.
* Để Luật BĐG thật sự đi vào cuộc sống, các địa phương, các cấp ngành cần làm gì, thưa bà?
- Địa phương, các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các vấn đề về giới, BĐG trong gia đình. Qua đó, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện BĐG cho cộng đồng, giúp họ hiểu được trách nhiệm thực hiện BĐG không chỉ của mỗi gia đình, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp mà còn là của mỗi cá nhân.
Tạo điều kiện thuận lợi để mỗi phụ nữ ý thức và tự phấn đấu vươn lên khẳng định, bảo vệ mình trong gia đình và ngoài xã hội. Quan tâm giáo dục giới tính trong nhà trường (đặc biệt là các trường THPT), giúp cho thanh, thiếu niên nhận thức được những vấn đề giới và BĐG một cách cơ bản và có hệ thống; giúp các em ý thức được trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình sau này.
Xây dựng, phổ biến, nhân rộng các cá nhân, mô hình điển hình, địa chỉ tin cậy, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc... Đặc biệt, xây dựng mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch”, qua đó tạo điều kiện cho mọi thành viên của các gia đình tiếp cận, tham gia vào các hoạt động lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống; thực hiện BĐG trong gia đình; hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; góp phần nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất, xây dựng gia đình ngày càng no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Các địa phương quản lý chặt chẽ những vụ việc BLGĐ và phối hợp với các ngành chức năng giải quyết kịp thời các hành vi BLGĐ đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, quan tâm quản lý, giáo dục, tư vấn cho các thành viên gia đình, đặc biệt là các thành viên trong những gia đình có nguy cơ dẫn tới BLGĐ, tệ nạn xã hội; kịp thời hòa giải các mâu thuẫn và tranh chấp giữa các thành viên gia đình.
* Xin cảm ơn bà!
P. Tuyết (thực hiện)