Để mua thịt heo dùng Tết cho an toàn

30/01/2019 - 19:04

Các ổ dịch được kiểm soát. Ảnh: Cẩm Trúc

Các ổ dịch được kiểm soát. Ảnh: Cẩm Trúc

Mua thịt heo ở đâu, cách lựa chọn những mẩu thịt an toàn, không bị bệnh là băn khoăn của người tiêu dùng trong thời điểm này - những ngày cận Tết. Bởi theo truyền thống của người Việt Nam, dù gia cảnh khó khăn đến thế nào thì nhất thiết cũng phải có nồi thịt kho trong nhà trong ba ngày Tết.

Chị Thái Thị Kiều, Phường 2, TP. Bến Tre bộc bạch: “Hổm nay nghe nói heo bệnh lở mồm long móng nên cũng ớn ớn. Vì thế, tôi hạn chế mua thịt heo dùng hàng ngày. Nay cận Tết chắc cũng phải mua vài ký nhưng thật sự cũng hồi hộp lắm vì sợ lỡ mua nhầm…”.

Lời bộc bạch của chị Kiều cũng là tâm lý chung của người tiêu dùng hiện nay. Thậm chí, có nhiều người cho biết sẽ quay lưng với thịt heo để thay vào đó là những nguyên liệu chế biến khác như: cá, khô, mắm, thịt bò, thịt gà…

Trong những ngày cận Tết, nhu cầu tiêu dùng thịt heo có xu hướng tăng cao nhằm để chế biến nhiều món ăn. Qua kết quả theo dõi kiểm tra thị trường trước Tết của chuyên ngành quản lý thị trường, hầu hết các sạp thịt heo tại các chợ, siêu thị đều bày bán thịt heo qua đóng dấu kiểm dịch.

Thạc sĩ Phan Trung Nghĩa - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, đến thời điểm này, Chi cục chưa ghi nhận có thêm ổ dịch bệnh phát sinh nào từ các địa phương.

Trước đó, từ ngày 2 đến 15-1-2019, toàn tỉnh phát hiện 6 ổ dịch bệnh trên heo tại 6 ấp thuộc 6 xã của 3 huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm, với tổng số heo mắc bệnh là 105 con. Trong đó, tổng số tiêu hủy là 65 con, tại xã Cẩm Sơn, Thành Thới B và Tân Thành Bình.

Hiện nay, theo đánh giá của các địa phương và Chi cục Chăn nuôi và Thú y, dịch bệnh heo đang trong tầm kiểm soát. Ngoài số ổ dịch và số heo mắc bệnh tại 3 huyện đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh chưa ghi nhận thêm bất cứ trường hợp báo cáo dịch nào khác.

Theo Thạc sĩ Phan Trung Nghĩa, Chi cục đã hoàn tất kế hoạch tiêm phòng sớm vắc -xin phòng bệnh lở mồm long móng đợt 1 năm 2019 cho các xã có ổ dịch cũ và vùng nguy cơ cao cho các đối tượng là trâu, bò, dê, cừu của các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú với tổng số 22 ngàn liều. Đồng thời, chi cục đã mua khẩn cấp vắc -xin chống dịch (20 ngàn liều) và chuẩn bị hóa chất để tiến hành tiêm phòng bao vây và tiêu độc theo tinh thần chỉ đạo tại công văn số 245 (bắt đầu thực hiện từ này 23-1-2019).

Cách nhận biết thịt heo bệnh

Những ngày cận Tết, heo bị lở mồm long móng xuất hiện tại một số địa phương trong tỉnh khiến người tiêu dùng lo ngại. Chia sẻ cách để nhận biết thịt heo bị lở mồm long móng, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh trật tỉnh Phạm Thị Xuân Yến cho biết, thông thường thịt heo bệnh sẽ được chặt bỏ đầu, chân nên sẽ khó nhận biết. Do đó, người tiêu dùng nên chú ý quan sát kỹ ở phần da, tránh chọn mua thịt có đốm đỏ nhỏ hoặc vết bầm trên da. Đặc biệt, tại phần đùi, bẹn, nách, các kẽ gấp khúc của thịt sẽ có vết lở loét, không có độ đàn hồi cao, có cảm giác thịt nhão, nhớt trên đầu ngón tay.

Ngoài ra, đối với thịt heo đã chết trước khi giết mổ, người mua có thể nhận diện qua màu thịt không đỏ mà có màu tím, nặng mùi, giữa thớt thịt có máu đông tụ lại. Đối với thịt để lâu thường chuyển sang màu xanh.

 “Người mua nên chọn thịt heo đã qua kiểm dịch tại các quầy sạp, cửa hàng, siêu thị có uy tín. Không mua thịt giá rẻ, thịt trôi nổi không rõ nguồn gốc; không mua thịt có màu sắc lạ, có mùi hôi. Để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình, người dân nên tuân thủ việc ăn chín uống chín, tuyệt đối không sử dụng tiết canh, thức ăn chưa nấu chín hoặc các món tái từ thịt heo” -  bà Phạm Thị Xuân Yến  lưu ý.

Chính sách hỗ trợ tiêu hủy

Khi bắt buộc phải tiêu hủy heo bệnh, người chăn nuôi được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Cụ thể, người chăn nuôi được hỗ trợ 30.000 đồng/kg heo. Điều kiện để được hỗ trợ: có đăng ký chăn nuôi (chăn nuôi tập trung, gia trại); có khai báo khi dịch bệnh xảy ra; ngoài ra được hỗ trợ hóa chất tiêu độc và kinh phí thực hiện tiêu hủy heo bệnh.

Kể từ ngày 1-4-2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre thực hiện kiểm tra giấy chứng nhận tiêm phòng vắc -xin phòng bệnh lở mồm long móng đối với gia súc khi đăng ký kiểm dịch xuất tỉnh; không thực hiện lấy mẫu giám sát bệnh lở mồm long móng tại cơ sở thu gom như trước đây.

Nhiên Luận - Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN