Để phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đạt hiệu quả và có sức lan tỏa

22/04/2011 - 07:45
Học sinh Trường Hermann Gmeiner trong giờ sinh hoạt, vui chơi. Ảnh: T.LONG

Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực (THTT-HSTC) là sự cụ thể hóa đường lối đổi mới sự nghiệp giáo dục của Đảng, Nhà nước. Quan điểm lấy học sinh làm trung tâm quá trình dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục là chìa khóa để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.

Trên thế giới, mô hình trường học thân thiện đã được Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef) khởi xướng, triển khai và đúc kết được nhiều kinh nghiệm quí báu. Ở Việt Nam, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp Unicef thí điểm triển khai mô hình THTT-HSTC tại 50 trường THCS trong cả nước. Cách nay gần 3 năm, đúng dịp kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh 15-5-2008, phong trào Xây dựng THTT-HSTC chính thức được Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động. Tại Bến Tre, phong trào này đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt những kết quả bước đầu. Song, để phong trào đi vào thực chất, đạt hiệu quả cao và có sức lan tỏa trong cộng đồng thì còn nhiều công việc cần bàn, cần làm ngay.

Từ việc phát động phong trào trong toàn ngành Giáo dục

Có thể khẳng định, phong trào Xây dựng THTT-HSTC tại Bến Tre được triển khai đồng bộ từ công tác chỉ đạo đến tổ chức, từ sự phối hợp giữa ngành giáo dục và các ban, ngành địa phương đến huy động các nguồn lực xã hội chăm lo, góp sức vì tương lai thế hệ trẻ, vì sự nghiệp trồng người trong giai đoạn cách mạng mới. Ở một tỉnh còn nhiều khó khăn, đa số các trường phổ thông thuộc địa bàn nông thôn, các xã vùng biển, nhiều học sinh thuộc diện con em hộ nghèo, cận nghèo thì việc đạt được thành quả ban đầu về phong trào rộng lớn này có ý nghĩa rất quan trọng.

Trong ba năm học (từ năm học 2008-2009 đến 2010-2011), thực hiện chỉ thị của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Thông tri của Tỉnh ủy, Chỉ thị của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm từng năm học, Sở Giáo dục - Đào tạo Bến Tre đã cụ thể hóa nội dung, giai đoạn, giải pháp triển khai phong trào Xây dựng THTT-HSTC. Tại hơn 500 điểm trường từ mầm non đến các trường phổ thông, tinh thần của phong trào đã được phổ biến sâu rộng trong đội ngũ thầy, cô giáo và gần 250 nghìn học sinh các cấp học. Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào được thành lập. Thành viên hội đồng giáo dục nhà trường, hội cha mẹ học sinh, hội khuyến học tại địa phương bàn thảo và triển khai kế hoạch công tác từng năm, nhiều khó khăn phát sinh trong thực tế được kịp thời tháo gỡ. Phong trào Xây dựng THTT-HSTC được Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động gồm 5 nội dung trọng tâm: xây dựng trường, lớp xanh-sạch-đẹp, an toàn; dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập; rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh; học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương.

Ban Chỉ đạo phong trào cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn địa phương xây dựng và tổ chức kế hoạch thực hiện cho từng năm học với những bước đi hợp lý. Trong năm học 2008-2009, các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đăng ký thực hiện 3/5 nội dung trọng tâm, riêng những trường đã đạt chuẩn quốc gia đăng ký thực hiện đủ năm nội dung theo định hướng của phong trào. Sở Giáo dục - Đào tạo chọn trường THPT Trần Văn Ơn (Châu Thành) để chỉ đạo điểm; phòng giáo dục các huyện, thành phố chọn một trường tương ứng mỗi cấp học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) để tập trung chỉ đạo điểm. Từ quá trình chỉ đạo trường điểm triển khai phong trào, mô hình và những kinh nghiệm thực hiện từng nội dung trọng tâm được đúc kết và nhân rộng. Bước qua năm học 2009-2010, 100% trường học các cấp đều đăng ký thực hiện 5 nội dung của phong trào. Ban chỉ đạo các cấp được củng cố; phong trào được mở rộng đến tất cả các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp các huyện. Trên cơ sở triển khai kế hoạch phối hợp liên tịch số 553 giữa 5 bộ, ngành Trung ương (Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Khuyến học Việt Nam) cùng chung sức đẩy mạnh phong trào Xây dựng THTT-HSTC. Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện đã cụ thể hóa thành chương trình hành động thực hiện phương châm xã hội hóa và huy động mọi nguồn lực trong và ngoài trường tiếp tục thực hiện và nâng chất phong trào.

Học sinh một số trường thuộc TP.Bến Tre do không có sân tập thể dục nên phải ra công viên để tập. Ảnh: T.LONG

 

Vẫn bộn bề nhiều công việc cần làm ngay

Phong trào Xây dựng THTT-HSTC là phong trào xã hội rộng lớn và mang tính nhân văn sâu sắc, tập trung phát triển những yếu tố, điều kiện thuận lợi nhất cho sự nghiệp “trồng người” mà trọng tâm là giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ - nguồn nhân lực chủ yếu đáp ứng sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần IX. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục địa phương là thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, giáo dục thể chất, rèn luyện kỹ năng sống và ý thức trách nhiệm của học sinh. Để đáp ứng yêu cầu trên, đồng thời gắn với 5 nội dung trọng tâm của phong trào Xây dựng THTT-HSTC, ban chỉ đạo các cấp đang và sẽ phải tiếp tục nâng chất hiệu quả của phong trào, thực hiện nhiều biện pháp kịp thời giải quyết một số khó khăn nảy sinh trong thực tế.

Trước hết về công tác tổ chức, cần tập trung củng cố ban chỉ đạo nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên để sơ kết đánh giá quá trình phát triển, mô hình hiệu quả thực hiện phong trào này trong năm học 2010-2011. Đặc biệt quan tâm vai trò và ý kiến đánh giá của đại diện hội cha mẹ học sinh, mặt trận Tổ quốc, hội khuyến học và các đoàn thể xã hội tại địa phương. Để phong trào đi vào thực chất và có sức lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, trước tiên khâu tự đánh giá của các trường phải khách quan và trung thực, không bị “bệnh thành tích” chi phối. Bài học từ năm học trước cho thấy, lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo đã nghiêm khắc trừ điểm và hạ bậc danh hiệu đối với các trường có cán bộ, giáo viên vi phạm điều lệ trường, đạo đức nhà giáo, thiếu trách nhiệm trong thực hiện qui định của ngành.

Hiện nay, trong phạm vi toàn tỉnh vẫn còn gần 30% tổng số trường chưa đủ diện tích đất theo tiêu chuẩn quốc gia. Ngay một số trường đã đạt chuẩn quốc gia vẫn còn hạn hẹp về diện tích đất phục vụ hoạt động thể dục thể thao, sinh hoạt ngoài trời của học sinh. Đây là khó khăn từ công tác qui hoạch, đầu tư vốn cần được tháo gỡ từ sự phối hợp, chung tay góp sức của các ban ngành hữu quan. Tại một số điểm trường tuyến xã, cơ chế phối hợp có lúc còn chưa thông thoáng, linh hoạt, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả, chất lượng của phong trào. Trường THPT Giao Thạnh (Thạnh Phú) có tỉ lệ học sinh thi tốt nghiệp THPT năm học 2009-2010 đạt thấp. Môi trường chưa thân thiện: nơi cổng trường là tác nhân chi phối ý thức học tập, phấn đấu của học sinh. Hàng ngày dãy hàng quán bao vây, lấn chiếm con đường dẫn vào trường. Năm học này, trường có 19 lớp, thì trung bình mỗi lớp có ít nhất 10 em nghiện game online, trong đó có nhiều học sinh nữ. 5 điểm kinh doanh internet cách cổng trường không xa và dãy hàng quán ăn uống, bi-da, trông giữ xe đã làm mất đi vẻ mỹ quan chung của môi trường sư phạm. Có học sinh vì nghiện game mà trốn học, ăn cắp, thậm chí bỏ học hoặc có hành vi bạo lực đối với học sinh trong trường. Hội Cha mẹ học sinh hai trường THPT, THCS Giao Thạnh đã nhiều lần lên tiếng xin làm con đường bê-tông bằng kinh phí tự đóng góp. Tuy nhiên, thiện chí trên chưa được chấp thuận…

Thiết nghĩ, các đoàn kiểm tra, thanh tra công tác thực hiện phong trào Xây dựng THTT-HSTC bên cạnh thực thi nhiệm vụ được giao cũng cần kịp thời tham mưu ban chỉ đạo các cấp những vấn đề bức xúc từ cơ sở.

Theo qui định của Sở Giáo dục - Đào tạo, mỗi năm học, các trường mầm non, phổ thông phải thực hiện tự đánh giá kết quả triển khai phong trào này tại đơn vị. Thành phần tham gia đánh giá ngoài đại diện lãnh đạo chính quyền, đoàn thể địa phương, còn có ý kiến của tập thể giáo viên và học sinh, cán bộ Đoàn, Đội… Nên chăng, tiếng nói của các thành viên hội đồng đánh giá như trên cần được lựa chọn, truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên diễn đàn website của ngành. Những mô hình thực hiện phong trào thành công, những sáng kiến kinh nghiệm của thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã từng được báo cáo trong hội nghị chuyên đề cấp bộ, ngành rất cần được thông tin đầy đủ để nhân rộng. Rất cần những phóng sự, bài viết về tấm gương thầy, cô giáo tâm huyết và làm việc hiệu quả, gắn bó với phong trào ba năm học qua, những đơn vị được đánh giá xuất sắc và cả hình ảnh biểu trưng của phong trào. Đặc biệt, xã hội trân trọng những đơn vị trường đã nỗ lực vươn lên từ điều kiện xuất phát còn khó khăn song đã đoàn kết làm việc hiệu quả, sáng tạo vì học sinh thân yêu.

Phong trào Xây dựng THTT-HSTC còn tiếp tục triển khai đến năm 2013. Chắc chắn, những thành tựu mới, những kinh nghiệm quí báu đúc kết từ thực tiễn trong năm học 2010-2011 sẽ giúp ngành giáo dục - đào tạo Bến Tre nói chung và các đơn vị trường học nói riêng đẩy mạnh phong trào đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa, sức sống mới trong cộng đồng xã hội. Đúng như ý kiến một nhà khoa học giáo dục có uy tín đã khẳng định: Phần thưởng lớn nhất đối với các nhà trường, với các em học sinh khi thực hiện phong trào này là niềm vui đến trường của các em, là hiệu quả và chất lượng giáo dục, là sự trưởng thành về nhân cách của các em, là niềm vui của gia đình, là niềm tin của xã hội đối với nhà trường và ngành giáo dục.

 

Thanh Chiến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN