Để trái nhãn Long Hòa được “bay xa”

07/02/2012 - 16:42

Tháng 3-2011, Tổ Hợp tác sản xuất nhãn Long Hòa (Bình Đại) chính thức được Công ty Cổ phần Giám định và khử trùng FCC thành phố Hồ Chí Minh (Công ty FCC) công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là mô hình sản xuất nhãn tiêu da bò đầu tiên ở Việt Nam được chứng nhận. Đến nay, Long Hòa đã phát triển thêm nhiều hộ trồng nhãn theo mô hình VietGAP và đã có nhiều đơn vị, cá nhân đến tham quan, học tập. 

Ông Ba A - Tổ trưởng Tổ HT nhãn Long Hòa bên sản phẩm của mình.

 

Khởi đầu gian nan, kết quả lạc quan

Long Hòa là xã thuần nông, có 310ha diện tích đất trồng nhãn, đứng thứ nhì huyện Bình Đại (toàn huyện có diện tích trồng cây ăn trái 2.100ha, trong đó có 1.200ha đất trồng nhãn). Đã từ lâu, nhãn là cây trồng chủ lực của người dân địa phương. Tại đây, có những hộ trồng với diện tích nhiều từ 1 đến 3ha. Tuy có mặt trên thương trường từ nhiều năm nhưng trái nhãn tiêu da bò Long Hòa vẫn chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Đầu năm 2009, Viện Cây ăn quả miền Nam (Viện CAQMN) tuyển chọn thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng 3 mô hình tổ chức sản xuất cho bưởi, nhãn, chôm chôm theo hướng liên kết từ trồng đến tiêu thụ sản phẩm”. Cùng năm này, đề tài đã chính thức được triển khai thực hiện trên cây nhãn tiêu da bò tại xã Long Hòa, thông qua xây dựng mô hình Tổ hợp tác sản xuất nhãn tiêu da bò theo tiêu chuẩn VietGAP Long Hòa (Tổ HT nhãn Long Hòa). Tổ HT có 40 tổ viên, sản xuất trên diện tích 55ha (diện tích đăng ký tham gia), do thạc sĩ Đoàn Hữu Tiến làm chủ nhiệm đề tài và kỹ sư Đoàn Thị Cẩm Hồng (Viện CAQMN) hướng dẫn trực tiếp. Thời gian thực hiện đề tài 3 năm (2009 - 2011).

Ông Võ Văn A (Ba A) - Tổ trưởng Tổ HT nhãn Long Hòa cho biết: “Nông dân tại xã từ lâu đời sản xuất theo tập quán cũ, do vậy việc vận động bà con vào Tổ HT sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP gặp không ít khó khăn. Người dân rất ngại việc ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc. Nhưng giờ đây, công việc này đối với họ đã trở thành thói quen”. Khi Tổ HT nhãn đi vào hoạt động, Viện CAQMN đã cử nhóm cán bộ trực tiếp hướng dẫn nông dân tập huấn các nội dung: quy trình thực hành, kỹ thuật sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP; ghi chép nhật ký và cách xây dựng các cơ sở hạ tầng; đào tạo cán bộ quản lý; các phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị và biện pháp bảo đảm an toàn; đào tạo kiểm tra viên nội bộ cho Tổ HT; tập huấn thông tin nhu cầu thị trường nhãn… Sau hơn một năm thực hiện, các hộ trồng nhãn đã tiến hành đúng theo hướng dẫn. Nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu đất, nước, trái để gửi cho cơ quan chức năng kiểm nghiệm, thẩm định. Qua 2 lần kiểm tra, đánh giá (vào tháng 1 và 2-2011), ngày 8-3-2011 Công ty FCC chính thức thông báo Tổ HT nhãn Long Hòa, có 26 hộ với diện tích 28,29ha (sản lượng dự kiến 594 tấn/năm) được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là mô hình sản xuất nhãn tiêu da bò đầu tiên ở Việt Nam được chứng nhận. Công ty FCC cũng đã trao Giấy chứng nhận VietGAP cho Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Chợ Lách, Bến Tre), vì được đánh giá và chứng nhận đã sản xuất đúng theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Để trái nhãn Long Hòa được “bay” xa

Trồng nhãn theo mô hình VietGAP có nhiều ưu điểm: sản lượng trái nhiều, đồng nhất, đảm bảo chất lượng cao và bổ dưỡng (trái to, chất lượng tăng từ 15% đến 20%), lợi nhuận nhiều (tiết kiệm chi phí sản xuất từ 30 đến 50%), giá cả mang tính cạnh tranh cao trên thị trường. Sau gần một năm, kể từ ngày Tổ HT nhãn được cấp giấy chứng nhận VietGAP, hiện Long Hòa có nhiều nông dân đã làm giàu từ mô hình sản xuất này. Điển hình như các tổ viên: ông Ba Thanh, ông Bảy Cầu, ông Vũ Thanh (ấp Long Thạnh), ông Ba Nhờ (ấp Long An)… là những người trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích lớn, thu nhập mỗi năm từ vài trăm triệu đồng đến hơn một tỷ đồng. Đặc biệt, trường hợp của anh Phan Minh Luân (ấp Long Thạnh) là hộ nghèo đông con, đất ít, sống bằng nghề đặt lọp bắt cá trên sông rạch; từ khi chuyển 3.200m2 đất sang trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay kinh tế gia đình anh đã khá lên với thu nhập mỗi năm từ cây nhãn trên 20 triệu đồng. Hoặc trường hợp của anh Nguyễn Thái Bình (ấp Long Hòa) cũng thuộc diện hộ nghèo đông con đã khấm khá nhờ sản xuất nhãn theo mô hình VietGAP… Tổ trưởng Tổ HT nhãn Long Hòa Võ Văn A bộc bạch: “Từ lúc được công nhận VietGAP, Tổ HT luôn thực hiện đúng theo hướng dẫn của Viện CAQMN và phấn đấu trong thời gian tới phát triển thêm diện tích cây nhãn VietGAP tại xã”. Hàng tháng, Tổ HT nhãn Long Hòa đều tổ chức họp định kỳ, với sự tham dự của tổ viên, đại diện ngành chức năng xã, ấp, Trạm Khuyến nông huyện, Trạm Bảo vệ thực vật huyện và cán bộ Viện CAQMN. Nội dung họp nhằm đánh giá tình hình sản xuất của tổ viên, thông tin tình hình giá cả, dịch bệnh, cán bộ kỹ thuật giải đáp những thắc mắc của tổ viên trong sản xuất và những vấn đề liên quan tới hoạt động của Tổ HT.

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Hòa - Phó Trưởng trạm Trạm Khuyến nông huyện Bình Đại, người trực tiếp theo dõi xuyên suốt quá trình thành lập Tổ HT, Tổ HT nhãn Long Hòa hoạt động có hiệu quả, rất nhiều nông dân trong và ngoài xã đã tự giác thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác, họ có tư thế sẵn sàng để được hỗ trợ, xem xét công nhận vườn cây đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mặt khác, nhãn Long Hòa đã được Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu ký kết hợp đồng mua sản phẩm, đó là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển diện tích cây nhãn tại đây.

Ông Lê Minh Hảo - Phó Chủ tịch UBND xã Long Hòa cho biết: “Tại cuộc họp ngày 13-10-2011 bàn về biện pháp mở rộng qui mô sản xuất Tổ HT, có sự tham dự của Thường trực Đảng ủy xã, đã thống nhất ý kiến, Đảng ủy, UBND xã sẽ tiếp tục hỗ trợ để Tổ HT phát triển thêm tổ viên mới, tăng thêm diện tích nhãn VietGAP”. Long Hòa hiện có 310ha trồng nhãn, 10 cơ sở sản xuất sơ chế sản phẩm từ nhãn (chủ yếu là đóng gói xuất bán cho thương lái ngoài tỉnh). Vào mùa vụ, năng suất thu hoạch bình quân từ 80 đến 100 tấn trái/ngày. Hàng năm, xã đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động (trong và ngoài xã) với tiền công bình quân khoảng 100 ngàn đồng/người/ngày. Ngoài 26 hộ dân với hơn 28ha nhãn được công nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, Long Hòa hiện có 40 hộ dân trồng khoảng 30ha nhãn đang sản xuất theo mô hình này. Tại Long Hòa, đã có nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Sau gần một năm được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, mô hình Tổ HT sản xuất nhãn Long Hòa đã duy trì, ổn định sản xuất và có hướng phát triển thêm tổ viên, tăng thêm diện tích. Long Hòa có điều kiện thuận lợi về đất đai (310ha đất trồng nhãn/600ha đất sản xuất), lực lượng lao động khá dồi dào (3.754 người/5.529 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 67%). Đặc biệt, người dân Long Hòa rất cần cù lao động và khao khát vươn lên làm giàu cho gia đình và cho quê hương. Tin rằng, với quyết tâm giữ vững thương hiệu để được tái cấp chứng nhận VietGAP của nông dân xã và sự hỗ trợ tích cực của các ngành, các cấp, trái nhãn tiêu da bò Long Hòa sẽ có thêm thuận lợi, đủ điều kiện để “bay xa” ở thị trường trong nước và quốc tế.

Thạc sĩ Đoàn Hữu Tiến - Viện Cây ăn quả miền Nam - Chủ nhiệm đề tài nhãn tiêu da bò VietGAP Long Hòa cho biết: “Bình Đại còn có nhiều xã khác trồng nhãn với diện tích lớn và có điều kiện để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện tại, nhóm cán bộ thực hiện đề tài nhãn VietGAP Long Hòa đang đề nghị nhân rộng mô hình kết quả của đề tài trong năm 2012 cho các hộ dân có nhu cầu”. Theo thạc sĩ Tiến, hiện nay cả nước chỉ có hai mô hình sản xuất nhãn tiêu da bò được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP là Tổ HT nhãn Long Hòa và Tổ HT nhãn Nhị Quí (Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) vừa được công nhận ngày 5-9-2011, với diện tích 15,03ha.

Bài, ảnh: Đức Chính

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN