Đêm tôn vinh những người làm nghệ thuật

06/09/2010 - 08:02
Các đồng chí đại diện lãnh đạo tỉnh trao giải thưởng văn học - nghệ thuật cho các tác giả. Ảnh: T.Long

Có thể nói, giải thưởng VH - NT Nguyễn Đình Chiểu đợt I lần thứ nhất đã tạo động lực to lớn đối với đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà, nhất là đối với lực lượng văn nghệ sĩ trẻ. Tin rằng, giải thưởng này sẽ là chất men xúc tác nguồn cảm hứng của đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh về đất và người Bến Tre, góp phần xây dựng VH - NT tỉnh nhà vươn lên tầm cao mới, xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Trang trọng lễ trao giải

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm;

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà...”

Noi theo gương sáng nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu,  đội ngũ văn nghệ sĩ Bến Tre đã dùng nghệ thuật làm vũ khí để động viên nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Nhiều nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà nhiếp ảnh, họa sĩ... đã hòa mình vào chiến trường đầy bom đạn để chụp ảnh; sáng tác văn, thơ, vẽ tranh cổ động; ca hát... cổ vũ tinh thần chiến đấu cho bộ đội và nhân dân. Giờ đây, tuy cuộc chiến đã lùi xa, nhưng khí thế hào hùng, bi tráng của những ngày tháng đấu tranh gian khổ vẫn còn lưu giữ mãi, không phải trong trang sử mà là trong những vở tuồng, bài thơ, tập truyện, hình ảnh.... Đó ví như “di sản”, là bằng chứng thuyết phục khẳng định ý chí kiên cường, lòng yêu nước của người dân Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng.

Nếu như danh hiệu “Anh hùng” dành để phong tặng những chiến sĩ cầm súng chiến đấu thì giải thưởng Văn học nghệ thuật (VH - NT) Nguyễn Đình Chiểu là phần thưởng dành tặng riêng cho giới văn nghệ sĩ nhằm ghi nhận công lao cống hiến vì sự nghiệp cách mạng, thông qua tác phẩm VH - NT. 35 năm trôi qua, kể từ sau giải phóng, đây là lần đầu tiên tỉnh Bến Tre tổ chức trao giải thưởng VH - NT Nguyễn Đình Chiểu. Đêm 2-9 vừa qua là đợt trao giải cho 18 tác giả có đóng góp nhiều tác phẩm VH - NT trong thời kỳ kháng chiến (trước 1975) trên lĩnh vực văn học, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, múa, mỹ thuật.

Đêm trao giải thưởng diễn ra trang trọng và không kém phần sinh động. Chương trình phong phú về hình thức và nội dung. Nhiều tác phẩm tạo nên tên tuổi của tác giả đã được tái hiện bằng nhiều hình thức như: tốp ca, hợp xướng, múa, ngâm thơ, trích đoạn cải lương, ca cổ... Đặc biệt, diễn viên trình bày tác phẩm lại chính là tác giả, các anh chị em nghệ sĩ trong đoàn Văn công Giải phóng tỉnh thời kháng chiến. Nhà văn Nguyễn Hồ tâm sự: Nhận thư mời, tôi bất ngờ và xúc động. Đây là món quà vô cùng to lớn và có ý nghĩa đối với anh em văn nghệ sĩ chúng tôi. Buổi lễ diễn ra trang trọng, đầm ấm hơn tôi tưởng. Còn nhạc sĩ Lan Phong, rất hạnh phúc vì có rất nhiều anh em văn nghệ sĩ được nhận giải thưởng cao quý này. Đối với ông, giá trị lớn nhất của giải thưởng chính là sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ văn nghệ sĩ.

 Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức, cho biết: Đây là giải thưởng cao nhất của tỉnh Bến Tre dành cho những văn nghệ sĩ đã sáng tạo tác phẩm VH - NT có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, cổ vũ, động viên toàn Đảng, quân và dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; phản ánh phong phú, chân thật và sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội, vùng đất, con người Bến Tre trong xây dựng đất nước hôm nay.

Tác phẩm làm nên tên tuổi

Trong 18 tác giả nhận giải thưởng VH - NT Nguyễn Đình Chiểu đợt 1, có 2 tác giả là nữ, 1 tác giả đã hy sinh, 6 tác giả đã từ trần. Mặc dù sáng tác trên nhiều lĩnh vực, song tất cả đều cùng mục đích là góp phần cổ vũ phong trào cách mạng, phát triển VH - NT tỉnh nhà. Nếu như nhà thơ Lê Anh Xuân để lại một “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”; nhà thơ Giang Nam - người đoạt giải Nhà nước về VH - NT gửi gắm cảm xúc trong bài “Giã từ Bến Tre” thì 18 tác giả nhận giải thưởng cũng đã cống hiến rất nhiều tác phẩm giá trị, ăn sâu vào tiềm thức của người dân Bến Tre.

Đối với nhà văn Trang Thế Hy, cuộc sống luôn là chất men xúc tác cảm xúc. Đó là lý do ông sáng tác khá nhiều tác phẩm văn học. Song, truyện “Anh Thơm râu rồng” (có nội dung kể về sự kiên cường, dũng cảm của người cách mạng trong lao tù của địch) là để lại nhiều dấu ấn nhất, được Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh giá cao và trao giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu (năm 1960 - 1965). Với nhà văn Lê Tâm, mặc dù là nữ nhưng lại là một cây bút sắc sảo. Khi tiểu thuyết “Con đường sáng” ra đời, sự nghiệp sáng tác văn chương của bà cũng thăng hoa. Tiểu thuyết được in thành sách - cuốn sách đầu tiên ở Nam bộ lúc bấy giờ, được cán bộ, quần chúng nhân dân khắp nơi đón nhận nồng nhiệt. Nhắc đến nhà văn Thanh Giang, thì không thể không nhắc đến tiểu thuyết “Dòng sông nước mắt”, truyện ngắn “Chiến sĩ Mậu Thân”. Ngoài ra, tên tuổi của ông cũng gắn liền với bài thơ “Cô em gái”. “Tình yêu em cuộn sóng Cửu Long/Gởi gắm trong cành hoa đêm mưa gió/Những chiếc khăn của người bí thư chi bộ/Tặng các anh trai làm mạnh bước hành quân” - chính những câu thơ dạt dào cảm xúc này, ông vinh dự nhận giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 1965.

Xuất hiện với nhiều bút danh: Đoàn Hùng, Trần Đoàn... song sau khi đọc tác phẩm, thì Đoàn Tứ vẫn cứ là Đoàn Tứ, bởi ông có gu sáng tác thiên về đề cao phẩm giá con người, ví như ký “Em gái Lương Hòa”, “Mùa xuân trên quê hương tôi”, truyện ký “Nước mắt và nụ cười”, truyện ngắn “Thằng Mỹ lai”... Khác với nhà văn Đoàn Tứ, nhà văn Nguyễn Hồ cầm bút để chiêm nghiệm, trăn trở với cuộc sống. Càng căm hờn giặc, ngòi bút của ông càng sắc bén. Ông sáng tác nhiều tác phẩm văn học phản ánh sinh động những trận đánh đổ lửa, ghi nhận chiến công vang dội của quân dân Bến Tre, như ký “Trận đánh của những người nhái”, “Sự tích chép trên đất thép Giồng Trôm”... Còn với nhà thơ Chim Trắng, quê hương là nguồn cảm hứng vô tận. Càng yêu quê hương ông càng say sáng tác. Đến nay, ông xuất bản 15 tập thơ, điển hình là “Có đâu ở miền Nam”, “Đồng bằng tình yêu”, “Tên em rực rỡ vô cùng”, “Những ngã đường”... Với nhà thơ Lê Hà, thơ ông mộc mạc, gần gũi với  cả với thiên nhiên và con người, thể hiện rõ nhất trong tập thơ “Hương sen” nổi tiếng.

Ngoài cây bút, cây cọ, máy ảnh cũng là dụng cụ làm nên nghệ thuật - vũ khí chiến đấu. Nhà nhiếp ảnh, phóng viên Tư Chiến đã mang máy ảnh theo chân bộ đội đi khắp chiến trường miền Nam để ghi lại những khí thế tiến công của quân dân Bến Tre; phản ảnh tội ác của kẻ thù. Nhiều phóng sự ảnh của ông đã trở thành nguồn tư liệu quý báu như: “Biểu tình đấu tranh chính trị”, “Phá rào ấp chiến lược”, “Thảm sát ở Bình Khánh”, “Trận đánh Mỹ Nhơn”... Với nhà nhiếp ảnh, phóng viên Nguyễn Phúc Hậu, cầm máy là một phần của cuộc sống. Ông rong ruổi khắp chiến trường chụp hàng ngàn tác phẩm, được tuyển chọn tập hợp thành 4 tập phóng sự ảnh nổi tiếng: “Vượt sông”, “Khí thế Mậu Thân”, “Đánh tàu Mỹ trên sông Ba Lai”, “Xuất trận” (253 tác phẩm). Ảnh của ông được chọn làm kỷ yếu Hội thảo 40 năm chiến thắng Mậu Thân - 1968.

Trong lĩnh vực mỹ thuật, họa sĩ Hà Mãnh được mệnh danh là người có công đầu trong việc xây dựng và phát triển sự nghiệp mỹ thuật của Bến Tre. Ông sáng tác nhiều tranh cổ động, tranh bìa minh họa cho báo Chiến Thắng. Ngoài vẽ tranh, ông còn sáng tác nhiều bộ phim đèn chiếu (sleigth), nổi tiếng là “Bom Mỹ đại chiến binh ong”, “Người em gái Lương Hòa”, “Trở về vườn ruộng”... Hiện nay, 3 bộ phim này được lưu giữ tại Viện Lưu trữ Quốc gia (Hà Nội). Tiếp bước đàn anh, họa sĩ Lê Dân đã không ngừng vẽ tranh cổ động, tranh khắc gỗ cho báo Chiến Thắng. Ngoài đóng góp trong lĩnh vực mỹ thuật, ông còn sáng tác nhạc, nổi tiếng là ca khúc “Người mẹ Lương Hòa”, “Người mẹ bên bến Hàm Luông”... Họa sĩ Trường Chăm cũng góp sức phát triển mỹ thuật tỉnh nhà. Với những đường nét của nghệ thuật bút sắt, “Cây dừa bị bom” là tác phẩm đã giúp ông làm nên tên tuổi.

“Lấy tiếng hát át tiếng bom”, lấy âm nhạc để động viên cổ vũ tinh thần chiến đấu cho bộ đội, nhiều nhạc sĩ đã dốc hết sức  mình sáng tác nhiều ca khúc vượt thời gian. Những năm 1965, nhạc sĩ Quốc Bửu là cánh chim đầu đàn trong sáng tác âm nhạc phục vụ chính trị. Nhiều hành khúc ra đời đã thúc giục, kêu gọi nhân dân vùng lên đấu tranh, như: “Nông dân ơi vùng lên”, “Tiến lên toàn thắng ắt về ta”, “Các anh đi là chiến thắng”... Sau nhạc sĩ Quốc Bửu là nhạc sĩ Lan Phong với ca khúc “Tiểu đoàn 516”, “Quê ta trai tài gái sắc”, “Người mẹ xứ dừa”... và nhạc sĩ Quốc Nam với “Cô du kích vùng ven”, “Lá thư vành đai”, được phát liên tục trên sóng Đài phát thanh Giải phóng. Hoặc nhạc sĩ Xuân Hòa với ca khúc “Xuân về trên vành đai”, “Lá thư tiền tuyến”, “Lời tim khát vọng”, “Mùa hoa đất nước”...

Trong đợt trao giải lần này, ở lĩnh vực sân khấu, soạn giả Lê Huỳnh là người duy nhất nhận giải. Mặc dù sáng tác rất nhiều tác phẩm, song “Cây dừa đỏ” lại gắn liền với tên tuổi của ông, đưa ông đến với giải đặc biệt trong Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về đề tài chiến tranh cách mạng, tại Hà Nội năm 1981, được chọn làm tiết mục văn nghệ phục vụ Đại hội Đảng lần thứ V và các đài phát thanh - truyền hình phát sóng.

Không vũ khí, chỉ bằng óc sáng tạo, biên đạo múa Việt Bình được xem là bậc thầy của những bài múa “Đóa hoa hồng”, “Những bàn tay đẹp”, “Phá ấp chiến lược”... Bà quan niệm, múa để tinh thần luôn lạc quan, giữ vững niềm tin cách mạng tất chiến tất thắng. Vì vậy, dù bị địch bắt giam cầm, song trong tù, bà vẫn múa và dạy múa. Bà còn là người nghiên cứu và phát triển nghệ thuật múa mâm vàng.

Có thể nói, giải thưởng VH - NT Nguyễn Đình Chiểu đợt I lần thứ nhất đã tạo động lực to lớn đối với đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà, nhất là đối với lực lượng văn nghệ sĩ trẻ. Tin rằng, giải thưởng này sẽ là chất men xúc tác nguồn cảm hứng của đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh về đất và người Bến Tre, góp phần xây dựng VH - NT tỉnh nhà vươn lên tầm cao mới, xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

 Danh sách tác giả nhận giải thưởng Văn học nghệ thuật
Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre đợt I lần thứ nhất năm 2010

Văn học:

 

1. Nhà văn Trang Thế Hy, tên thật là Võ Trọng Cảnh, SN 1924, quê quán xã Hữu Định - Châu Thành - Bến Tre.

2. Nhà thơ Lê Hà (đã mất), tên thật là Lê Nguyên, SN 1924, quê quán huyện Tuy Hòa - Phú Yên.

3. Nhà văn Lê Tâm, tên thật là Lê Thị Nhãn, SN 1929, quê quán xã Phước Long - Giồng Trôm - Bến Tre.

4. Nhà văn Thanh Giang, tên thật là Lê Mai Sơn, SN 1930, quê quán xã Tân Thành Bình - Mỏ Cày Bắc - Bến Tre

5. Nhà văn Đoàn Tứ (đã mất), tên thật là Đoàn Văn Bô, SN 1931, quê quán xã Hương Mỹ - Mỏ Cày Nam - Bến Tre

6. Nhà thơ Chim Trắng, tên thật là Hồ Văn Ba, SN 1938, quê quán huyện Châu Thành - Bến Tre

7. Nhà văn Nguyễn HỒ, tên thật là Nguyễn Minh Triết, SN 1942, quê quán xã Phong Mỹ - Giồng Trôm - Bến Tre.

Nhiếp ảnh:

 

1. Nhà nhiếp ảnh, phóng viên chiến trường Tư Chiến, tên thật là Nguyễn Hữu Xem, SN 1933, quê quán xã Hưng Nhượng - Giồng Trôm - Bến Tre.

2. Nhà nhiếp ảnh, phóng viên Nguyễn Phúc Hậu, tên thật là Nguyễn Văn Tưởng, SN 1948, quê quán tại xã Bình Hòa - Giồng Trôm - Bến Tre.

Mỹ thuật:

1. Họa sĩ Hà Mãnh (đã mất), SN 1928, quê quán xã Minh Đức - Mỏ Cày Nam - Bến Tre.

2. Họa sĩ Lê Dân, tên thật là Lê Thanh Liêm, SN 1944, quê quán xã Bình Hòa - Giồng Trôm - Bến Tre.

3. Họa sĩ Trường ChĂm, tên thật là Trương Văn Thảng, SN 1950, quê quán xã An Định - Mỏ Cày Nam - Bến Tre.

Âm nhạc:

 

1. Nhạc sĩ Quốc Bửu (đã mất), tên thật là Nguyễn Thành Nam, SN 1942, quê quán xã Hữu Định - Châu Thành - Bến Tre.

2. Nhạc sĩ Lan Phong, tên thật là Nguyễn Tấn Đạt, SN 1942, quê quán xã Tường Đa - Châu Thành - Bến Tre.

3. Nhạc sĩ Quốc Nam, tên thật là Nguyễn Tấn Đức, SN 1950, quê quán xã Bình Khánh Tây - Mỏ Cày Nam - Bến Tre.

4. Nhạc sĩ Xuân Hòa (đã mất), SN 1951, quê quán Bến Tre.

Sân khấu:

1. Soạn giả Lê Huỳnh, tên thật là Huỳnh Văn Cam, SN 1940, quê quán xã Thạnh Phú Đông - Giồng Trôm - Bến Tre.

Múa:

1. Biên đạo múa Việt Bình (đã mất), tên thật là Lê Ngọc Anh, SN 1934, quê quán xã Hòa Lộc - Mỏ Cày Bắc - Bến Tre.

H.THI

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN