Tái hiện hình ảnh sinh hoạt văn hóa văn nghệ của đồng bào S’tiêng.
Hẳn đã có rất nhiều người biết đến sóc Bom Bo khi nghe qua bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng với giai điệu vui tươi và chứa chan lòng yêu nước “… Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa/ sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khua/ Bồng con ra võng để đòng đưa/ Giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa…”.
Không chỉ biết qua bài hát, đầu tháng 7-2016, đoàn nhà báo
tỉnh Bến Tre đã có chuyến đi thực tế qua nhiều địa điểm tại Bình Phước và Đắk Lắk
(do Hội Nhà Báo tỉnh Bến Tre tổ chức) và sóc Bom Bo là trong những điểm dừng
chân của đoàn trong chuyến đi vừa nêu. Đến với Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng,
chúng tôi đã có dịp tìm hiểu thêm về đất và người nơi đây.
Đôi nét về Khu bảo tồn
văn hóa dân tộc S’tiêng
Đoàn nhà báo Bến Tre đã được Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước
tiếp đón với tình cảm nồng hậu, mến khách, đại diện Hội đã giới thiệu và đưa
chúng tôi tham quan một số địa điểm du lịch nổi bật của tỉnh, nhưng có lẽ gây ấn
tượng mạnh mẽ nhất với đoàn là Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng. Khu bảo tồn
được đặt tại thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, được xây dựng và đưa vào
hoạt động từ giữa tháng 10-2015 đến nay (diện tích hơn 113ha) với các phần như:
nhà đón tiếp (nhà trưng bày), nhà dài truyền thống dân tộc S’tiêng, sân lễ hội…
Anh Điếu Khươi - bảo vệ kiêm hướng dẫn khu vực Nhà dài
(anh là người dân tộc S’tiêng) đã nhiệt tình giới thiệu với đoàn chúng tôi đôi
nét về văn hóa người S’tiêng và giải thích ý nghĩa một số sản vật được trưng
bày tại đây. Anh cho biết, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, trung bình mỗi tháng
có khoảng 600 khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Nhà dài truyền
thống của người dân tộc S’tiêng trong đời sống hiện nay đã ít đi, số nhiều đã
xây dựng nhà kiên cố theo lối kiến trúc hiện đại. Việc cho xây dựng tái hiện Nhà
dài của người dân tộc S’tiêng trong Khu bảo tồn của tỉnh Bình Phước là nhằm để
bảo tồn, lưu giữ và giới thiệu những nét văn hóa truyền thống trong đời sống của
người dân tộc S’tiêng.
Đặt trước khu vực Nhà dài là những hình tượng bằng đá tái
hiện cảnh sinh hoạt, cùng giã gạo của đồng bào S’tiêng với các anh chiến sĩ giải
phóng quân. Nói thêm, sóc Bom Bo là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, gắn
bó mật thiết và cống hiến rất nhiều cho cách mạng, người dân ở sóc Bom Bo (phần
đông là đồng bào dân tộc S’tiêng) đã gắn bó, đoàn kết, yêu thương với chiến sĩ
cách mạng, tạo nên một hình ảnh đẹp sâu sắc về tình quân dân. Và đây cũng chính
là một trong những điều đã tạo cảm hứng sáng tác bài hát “Tiếng chày trên sóc
Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng, bài hát đã đi vào trái tim của nhiều thính giả
âm nhạc. Đoàn nhà báo Bến Tre đã nhanh tay ghi lại nhiều hình đẹp tại đây,
trong đó có hình ảnh về các tượng được tạc thật sống động: đó là người phụ nữ S’tiêng
với bộ váy thổ cẩm thật rực rỡ, xinh đẹp, gương mặt tươi vui, hồng hào đang hào
hứng cầm chày giã gạo cùng với các anh bộ đội với dáng người khỏe khoắn, gương
mặt khôi ngô và trông không khí họ làm việc thật vui vẻ, đoàn kết.
Nhà dài có chiều dài khoảng 30m, nền đất, mái tranh, mái
dài xuống thấp gần chạm đất, vách bằng tre nứa, nhà có hai cửa ra vào ở hai đầu
nhà. Theo giới thiệu của anh Điếu Khươi, người S’tiêng rất coi trọng sự yêu
thương, gắn bó giữa người thân trong gia đình, căn nhà dài được cất dài vừa để
thuận tiện không gian cho tất cả những người trong một gia đình cùng sống chung
(ông bà, cha mẹ, con cháu), mặt khác mang ý nghĩa là sự nối dài tình yêu thương, nối
tiếp truyền thống gia đình. Trong nhà, có riêng một gian gác nhỏ để chứa lúa hoặc
thực phẩm, có một bếp lửa nhỏ đặt giữa nhà vừa là để dùng nấu ăn cũng là mang ý
nghĩa duy trì sự ấm cúng, quây quần bên nhau của gia đình ấy. Trưng bày trong
Nhà dài còn có rất nhiều bình rượu lớn để dành tiếp khách của người S’tiêng (bình
trống chỉ mô phỏng lại). Người S’tiêng không chỉ hiếu khách mà phần lớn rất
thích ca hát, có thể nói, âm nhạc dân tộc S’tiêng và nghệ thuật cồng chiêng đã
góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa đặc sắc, rất riêng của dân tộc Việt
Nam.
Ấn tượng Sóc Bom Bo
Phần lớn trong đoàn nhà báo Bến Tre (12 người) đều là những
người lần đầu tiên đến đây, cảm nhận mới mẻ, vui tươi, thú vị. Chị Ngọc Diệp -
phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Bến Tre chia sẻ, đã được nghe bài hát về
sóc Bom Bo từ rất lâu và qua các kênh truyền thông, cũng đã được biết thông
tin, hình ảnh về sóc Bom Bo nhưng đây là lần đầu tiên chị được đến đây. Chị cảm
nhận văn hóa của đồng bào S’tiêng rất phong phú nhất là đời sống tinh thần. Họ
cũng giàu tình cảm. Đó là tình cảm giữa những người thân trong gia đình, giữa đồng
bào S’tiêng với nhau, rồi giữa đồng bào S’tiêng với các dân tộc khác và đặc biệt
là tình cảm đồng bào S’tiêng với cách mạng. “Tôi thấy việc cho xây dựng và đưa
vào hoạt động Khu bảo tồn này là rất hay, tạo điều kiện để du khách gần xa hiểu
thêm về văn hóa dân tộc S’tiêng nói nói riêng, văn hóa của người Việt Nam nói
chung” - chị nói.
Lúc đoàn đến đây là vào thời điểm buổi sáng nắng đẹp, thuận
lợi cho đoàn tham quan và chụp ảnh. Do tính chất là đoàn… nhà báo nên hầu hết
thành viên trong đoàn đều tranh thủ tác nghiệp, ghi lại nhiều hình ảnh đẹp tại
đây. Nhiếp ảnh Minh Nhựt - hội viên Phân hội Nhiếp ảnh, Chi hội Thông tin - Văn
nghệ, Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre đã không ngừng bấm máy.
Với anh, khoảnh khắc tại Sóc Bom Bo là cơ hội để anh tìm kiếm những bức ảnh đẹp
như đam mê vốn có của anh. Anh nói: “Tại quê nhà Bến Tre cũng có rất nhiều nơi,
nhiều nội dung để chụp ảnh đẹp nhưng mỗi một chuyến đi thực tế ngoài tỉnh thế
này thì chúng tôi có thêm điều kiện để cho ra những bức ảnh có nội dung mới,
mang nhiều ý nghĩa”.
Mỗi người có một cảm nhận khác nhau, riêng người viết, dẫu
chưa say men rượu đồng bào S’tiêng nhưng những nét đẹp tình cảm, đời sống văn
hóa của đồng bào S’tiêng trên sóc Bom Bo thông qua Khu bảo tồn đã làm say lòng,
ấn tượng khó quên. Ở đó, có những cô gái, chàng trai S’tiêng xinh tươi, giỏi
giang và giàu tình cảm, họ đã làm nên một phần bức tranh tươi đẹp của đất và
người Việt Nam vốn rất kiên cường và giàu lòng nhân ái.