Đi chùa hái lộc đầu năm

16/02/2011 - 08:24
Khách hành hương đến chùa Kim Long (Vĩnh Thành - Chợ Lách) vào những ngày đầu năm mới. Ảnh: H.VŨ

Đi chùa, đền, đầu năm là việc làm ý nghĩa và giàu tính văn hóa, là nét đẹp tâm linh không thể thiếu trong đời sống của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến, xuân về. Với nhiều gia đình, đi chùa đầu năm còn là dịp giáo dục cho con cháu một phong tục đẹp đã được nhiều thế hệ gìn giữ.

Với tâm niệm “Đi lễ cả năm không bằng đi rằm tháng giêng”, vì vậy, những ngày đầu năm mới, người người nô nức đi chùa, đi đền. Từ mùng 1 Tết cho đến rằm tháng giêng, hầu hết các chùa trong tỉnh đều đông khách. Những ngôi chùa như chùa Ông (đường Hùng Vương), chùa Viên Minh (đường Nguyễn Đình Chiểu), chùa Bạch Vân (đường Đoàn Hoàng Minh), chùa Viên Giác (phường 5), chùa Vạn Phước (thị trấn Bình Đại)... là nơi được nhiều người viếng thăm nhất. Đến chùa Ông vào tối mùng 8, dòng người chen chân nhau. Càng vào bên trong, khói hương nghi ngút. Từ người già cho đến người trẻ, cầm trên tay nhang, đèn, cành vàng lá ngọc, tim sen, hương lộc, cây phát tài... bước vào chùa. Ngày Tết đi chùa, mỗi người một tâm niệm, một ý nguyện; người thì cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ăn nên làm ra, nhà cửa sung túc, gia đình yên ấm, sức khỏe dồi dào, tai qua nạn khỏi; người thì cầu mong gặp được ý trung nhân, duyên thắm kết chặt, sớm xe tơ kết tóc. Với chị L.P (phường 7, TP.Bến Tre), ngoài việc mong năm mới có sức khỏe dồi dào, công việc thuận lợi, còn cầu được “mẹ tròn con vuông” vì chỉ 2 tháng nữa chị được lên chức làm mẹ. Còn cậu học trò T.T thì ngoài cầu cho gia đình gặp nhiều may mắn, em còn cầu cho việc học hành của mình luôn tấn tới, đặc biệt là sẽ thi đỗ trong kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới. Theo chị C.N (phường 3, TP.Bến Tre), đi chùa đầu năm là một việc làm tốt đẹp, mang lại cho mình niềm thanh thản, tạo đức tin trong cuộc sống. Vì thế, dù tất bật việc khai trương cửa hàng nhưng chị vẫn dành thời gian chuẩn bị cho chuyến hành hương về chùa Bà (ở thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) trong ngày rằm tháng giêng. Ngay từ mùng 5 Tết, chị đã sẵn sàng mọi thứ để cúng chùa. Chị cho biết, ngoài thắp hương cầu một năm mới làm ăn may mắn, chị sẽ rút quẻ, làm công đức và thỉnh lộc đầu năm. Còn bà B, 69 tuổi (phường 5, TP.Bến Tre), tối mùng 8 cũng tranh thủ dẫn đứa cháu nội vừa mới lên mười đến chùa Viên Giác (phường 5, TP.Bến Tre) ở gần nhà để thắp nhang khấn cầu. Năm nào cũng vậy, đi chùa là việc làm đầu tiên trong năm mới của gia đình bà. Lấy tay xoa xoa đầu đứa cháu nội, bà B nói: Tôi già rồi, chỉ cầu mong có sức khỏe thôi. Còn đứa cháu nội đây, tôi dẫn theo, cầu cho cháu ngày càng học giỏi và ngoan ngoãn.

Đi chùa hái lộc đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống tâm linh của người Việt. Nhiều người có ý thức giữ gìn nét đẹp này. Song, bên cạnh đó vẫn có một bộ phận người đang dần đánh mất đi. Họ biến việc đi chùa trở thành dịp để “khoe mình”, chụp ảnh cùng cảnh để chứng tỏ mình là người hiểu biết và luôn hướng về cội nguồn. Bởi thực tế cho thấy, hình ảnh người đi chùa ăn mặc theo kiểu “fashion thiếu vải” đứng, quỳ khấn trước bàn thờ Phật đã không còn hiếm ở các chùa. Cảnh bát nháo, người cầm tay, kẻ kéo áo mời gọi khách mua nhang, đèn, nhành lộc; những người ăn xin, bán vé số, sách xem tử vi trước cổng chùa... đã ít nhiều làm giảm sự thư thái đầu năm của người đi chùa; giảm đi sự tôn nghiêm nơi cửa Phật. Đây là vấn đề đáng để chúng ta suy gẫm.

 

H.THI

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN