Ông Nguyễn Văn Bé Sáu - Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy
phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết, Huyện ủy đã phân công Ủy
viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Huyện ủy viên xuống phụ trách 4 tiểu vùng và các
xã để chỉ đạo, hỗ trợ triển khai công tác phòng chống, ứng phó với bão số 16.
Huyện đã bố trí xe tuyên truyền lưu động trên các trục lộ giao thông, khu dân
cư và chợ; thông tin rộng rãi đến hộ dân và tiểu thương phải ngưng họp chợ vào
ngày 26-12-2017.
Toàn huyện có 168 căn nhà tạm, trung bình 2 người/căn, phải
di dời sang ở nhờ nhà hộ dân lân cận có nhà ở kiên cố hoặc đến ở nhờ nhà người
thân. Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các xã rà soát hộ dân có nhà ở không đảm bảo
để tuyên truyền, vận động di dời đến nơi ở an toàn.
Từng xã cũng đã thành lập 1 đội gồm 10 người, nòng cốt là
lực lượng dân quân, được trang bị 2 máy cưa sẵn sàng hỗ trợ cưa cây đổ ngã,
giúp dân khắc phục các sự cố do bão gây ra.
Công an, Quân sự huyện túc trực đảm bảo quân số để kịp thời
giải quyết những vấn đề có liên quan đến bão. Huyện cũng đã đề nghị các doanh
nghiệp có máy kobe tham gia sẵn sàng hỗ trợ di dời các trụ điện bị ngã đổ do
bão gây ra để đảm bảo phương tiện lưu thông thông suốt.
Cũng theo ông Sáu, hiện người dân đã thu hoạch vụ lúa
gieo sạ còn dưới 50ha. Lo ngại lớn nhất của huyện vẫn là bão kèm theo mưa to,
gió lớn dễ dàng quật ngã cây dừa của hộ dân. Toàn huyện có hơn 18.000ha đất trồng
dừa, nếu bị bão làm thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế của người dân.
Ông Trần Ngọc Tam cho rằng, khối vận và các đoàn thể cần
vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao hơn, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận
thức của người dân trong phòng tránh và ứng phó với bão số 16. Chậm nhất là 14
giờ ngày 25-12-2017, phải kết thúc việc di dời hộ dân, đảm bảo được đến nơi ở
an toàn. Trường hợp không chấp hành chủ trương phải kiên quyết cưỡng chế, không
vì chủ quan hay sợ mất tài sản mà để nguy hiểm đến tính mạng.
Kết thúc buổi làm việc với ông Trần Ngọc Tam, ông Nguyễn
Văn Bé Sáu đã đến các xã Hưng Lễ, Thạnh Phú Đông, Tân Lợi Thạnh và Tân Hào để
kiểm tra công tác trực ứng phó với bão.
Tại các điểm đến, vẫn còn một vài hộ dân nhà ở tạm bợ
nhưng không chịu di dời. Ông Sáu đề nghị lãnh đạo các xã tiếp tục tuyên truyền,
vận động đến 14 giờ ngày 25-12-2017, nếu hộ dân không chịu di dời phải thực hiện
cưỡng chế đưa đến nơi ở an toàn.
Hai ấp 5 và 6 xã Thạnh Phú Đông có 250 hộ phải di dời đến
nhà văn hóa và trường THCS xã. Tại đây, các hộ dân được lo ăn uống để đảm bảo sức
khỏe. Xã Hưng Phong có 18 hộ di dời đến nhà văn hóa và Trung tâm hành chính xã
để ở tạm.
* Sáng 25-12, Ban Chỉ huy phòng, chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Châu Thành đã triệu tập cuộc họp khẩn thông
tin về diễn biến của bão Tembin và phân công cán bộ, nhân viên xuống các địa
phương để hỗ trợ bà con di dời, chằng chống nhà cửa. Do huyện có số lượng bè cá
khá nhiều, lại có hai cồn đi qua nên lãnh đạo huyện chỉ đạo các ngành, địa
phương tập trung hỗ trợ, vận động di dời dân từ hai cồn Tân Định, cồn Cát, xã
Tân Thạch về đất liền. Đến hơn 12 giờ ngày 25-12-2017,
huyện hoàn thành công tác di dời dân.
Lực lượng dân quân tự vệ, Quân sự xã hỗ trợ dân di dời từ cồn Tân Định (Cồn Phụng)
về xã Tân Thạch. Ảnh: P. Tuyết
* Đến 14 giờ ngày 25-12, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chợ Lách đã phối hợp
với chính quyền các xã, thị trấn di dời 1.547/1.797 người thuộc đối tượng phải
di dời (trong đó, có 442 người ở cồn, 138 người già, 208 trẻ em, 137 phụ nữ).
Sáng cùng ngày, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trương Duy Hải,
ông Trần Thanh Vũ - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tới kiểm tra, đôn đốc
công tác phòng tránh bão tại các công trình trọng điểm, các xã thuộc huyện Chợ
Lách.
* Sáng 25-12, Đồn Biên phòng Cửa Đại, huyện Bình Đại đã
ra quân giúp người dân 3 xã biên giới biển của huyện gồm Thừa Đức, Thới Thuận
và Bình Thắng chằng chống nhà cửa và đưa người dân về các điểm tránh trú bão an
toàn, trong đó có Đồn Biên phòng Cửa Đại.
Bộ
đội Biên phòng cõng mẹ Việt Nam anh hùng vào Đồn trú bão. Ảnh: Thu Hiền
Tính đến trưa ngày 25-12, tại Đồn Biên phòng Cửa Đại đã
tiếp nhận trên 200 người dân đến tránh, trú bão; trong đó có 4 phụ nữ mới sinh
con được từ 7 ngày - 1,5 tháng và 1 bà mẹ Việt Nam anh hùng 93 tuổi. Tại đây,
người dân được bộ đội sắp xếp, bố trí chỗ ngủ, nghỉ tại 11 phòng ngủ, phòng làm
việc của các đồng chí biên phòng. Tại đây, người dân được chăm sóc y tế và được
ăn cơm tại đồn. Người dân rất ấm lòng vì được bộ đội của đồn chăm sóc chu đáo,
thử tế và được ở nơi kiên cố, an toàn. Hiện nay, sức khỏe của người dân đều ổn.
Đến thời điểm này tại Bình Đại, trời đã dứt mưa nhưng vẫn
còn gió. Tinh thần lãnh đạo Đồn Biên phòng Cửa Đại chỉ đạo lực lượng không được
lơ là trong công tác ứng phó bão số 16.