Dịch cúm gia cầm có dấu hiệu bùng phát mạnh

01/03/2017 - 07:27

Theo bà Phan Thị Thu Sương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), để ngăn chặn dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, Phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố tham mưu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm ngay khi mới phát sinh, đặc biệt tại các địa phương có sự lưu hành của vi-rút, các địa bàn trọng điểm chăn nuôi, nơi có ổ dịch cũ, các đầu mối vận chuyển gia cầm cần tập trung kiểm tra thường xuyên.

 Khi phát hiện bệnh hoặc có dấu hiệu nghi bệnh cúm gia cầm phải báo cáo ngay về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để lấy mẫu xác định chủng vi-rút gây bệnh và có biện pháp nhanh khống chế dịch bệnh. Khẩn trương triển khai thực hiện tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm và tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt I-2017 theo kế hoạch của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

Riêng các đối tượng không nằm trong diện tiêm phòng, tiêu độc Nhà nước hỗ trợ vắc-xin, hóa chất thì tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi tự tổ chức thực hiện để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đoàn công tác liên ngành tổ chức các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý kịp thời các trường hợp lén lút vận chuyển gia cầm từ ngoài tỉnh vào giết mổ, mua bán chưa qua kiểm soát của cơ quan thú y. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, các dấu hiệu nhận biết gia cầm mắc bệnh cúm, chủ động tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm và làm tốt công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi để phòng ngừa dịch bệnh; khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm. Trường hợp có tiếp xúc với gia cầm, đặc biệt là gia cầm bị bệnh, chết ít nhất phải đeo khẩu trang, găng tay. Tuyệt đối không giết mổ gia cầm bệnh, chết làm thực phẩm, không ăn tiết canh gia cầm, chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm sạch bệnh đã được nấu chín kỹ.

Đối với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở tham mưu UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhằm phát hiện sớm các trường hợp gia cầm bệnh, chết hoặc nghi nhiễm bệnh cúm gia cầm để có biện pháp xử lý, bao vây kịp thời. Sử dụng vắc-xin, hóa chất còn tồn năm 2016 để triển khai ngay kế hoạch tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm và tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt I-2017 theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.

Các Trạm kiểm dịch động vật trên địa bàn tăng cường hoạt động, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm từ các địa phương khác vào địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương đang có dịch bệnh, lưu ý kiểm dịch gia cầm giống. Kiên quyết xử lý các trường hợp mua bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y…

Trước đó, ngày 17-2-2017, Bộ NN&PTNT ban hành công điện khẩn gởi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Y tế, Tài chính, Giao thông vận tải về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi-rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi-rút khác xâm nhiễm vào Việt Nam.

Ngoài ra, theo báo cáo của Cục Thú y ngày 22-2-2017, cả nước có 6 tỉnh với 7 ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, dịch bùng phát ở các tỉnh: Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Sóc Trăng, An Giang, Nam Định, trong đó Nam Định và Quảng Ngãi xảy ra cúm gia cầm A/H5N1 trên vịt, Quảng Ngãi có cúm A/H5N6.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN