Anh Trần Văn Kha chăm sóc kiểng mai vàng tại ấp Phú Hội.
Thành công ban đầu
Năm 2009, khi mới thành lập, “Tổ liên kết sản xuất mai vàng” chỉ có 16 thành viên (mỗi hộ là 1 thành viên) tại ấp Phú Hội. Trong 16 thành viên, có 10 thành viên là hộ nghèo. Sau 6 năm, tổ tăng lên 33 thành viên, trong đó có 10 thành viên thoát nghèo bền vững. Diện tích sản xuất đạt 22 ngàn mét vuông, sản lượng trên 17 ngàn sản phẩm/năm.
Năm 2016, “Tổ liên kết sản xuất mai vàng” được đổi tên thành “Tổ hội nghề nghiệp mai vàng Phú Hội” sau này mang tên “Chi hội nghề nghiệp mai vàng Phú Hội”, với 43 thành viên. Diện tích sản xuất tăng lên gần 45 ngàn mét vuông.
Ông Trần Văn Kha - Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp mai vàng Phú Hội phấn khởi: “Chúng tôi đang xây dựng thương hiệu cho chi hội, đặt hết tâm huyết vào nghề sản xuất kiểng mai vàng. Qua đó, ngày càng nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Thương hiệu kiểng mai vàng của chi hội ngày càng phát triển bền vững. Thu nhập từ kiểng mai vàng của 43 thành viên cũng tăng lên. Bên cạnh sản xuất kiểng mai tàn, hội viên trong chi hội còn sản xuất mai ghép”.
Năm 2020, hộ bán kiểng mai vàng trong chi hội ít nhất cũng được 200 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Tại ấp Phú Hội, ông Đỗ Văn Lâm là thành viên trong chi hội, Tết Nguyên đán 2020, chỉ trong 2 tuần ông đã bán hết 1.200 cây mai tại vườn, tổng thu khoảng 2,4 tỷ đồng. Tết Nguyên đán 2021, ông có khoảng 1.300 cây mai vàng bán hết tại vườn. Tết 2022, ông cũng thu lợi nhuận khá cao từ kiểng mai vàng.
Phát huy hiệu quả
Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp mai vàng Phú Hội Trần Văn Kha cho hay: Năm 2022, diện tích sản xuất kiểng mai vàng của chi hội tăng lên hơn 50ha ở các ấp: Phú Hội, Vĩnh Phú, Hòa Khánh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hưng 1, Vĩnh Hưng 2… Có hơn 80 hộ chuyên sản xuất mai vàng các loại phục vụ thị trường từ Hà Nội tới Cà Mau, với khoảng 1 triệu sản phẩm. Thị trường tiêu thụ mai vàng của chi hội khá nhiều tại: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang (nhiều nhất ở Phú Quốc). “Chỉ riêng hộ của tôi, hàng năm có 400 chậu mai tàn. Hiện tại tôi đã bán cho thương lái khoảng 130 chậu (đa phần là họ gửi lại đây thuê tôi chăm sóc để gần Tết chở đi). Cái mới của chi hội là bán mai vàng tại vườn và bán qua mạng: Zalo, Facebook, Youtube… hiệu quả kinh tế rất cao. Nhiều hội viên trong chi hội thu nhập 2 - 3 tỷ đồng/năm từ kiểng mai vàng.
Các sản phẩm mai vàng ở Vĩnh Thành đến giờ này thương lái đã mua với số lượng khoảng 30% và đang săn tìm mua tại vườn đến Tết. Nhiều hộ trong chi hội cũng để dành một số kiểng mai vàng tham gia Chợ hoa Tết Bình Điền năm 2023 để giữ khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh”, ông Kha cho biết thêm..
Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thành Nguyễn Văn Liêm cho biết, cuối tháng 10-2022, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đã đến tham quan và đánh giá cao các mô hình sản xuất kiểng mai vàng của chi hội. Qua đó, người dân ở đây cảm thấy an tâm hơn để vào HTX Mai vàng Vĩnh Thành.
Chi hội nghề nghiệp mai vàng Phú Hội đang lưu trữ và nhân rộng các giống mai: tứ quý, cúc hoa hồng, cúc quý phi, cúc 2 tầng hoàng hậu, cúc 2 tầng Huỳnh Tấn Phát, lá ngọc cành vàng, huỳnh tỷ, giảo Thủ Đức, bạch mai, mai vàng Phú Tân, cúc mai, mai thơm, mai quắn, mai Đại Lộc, mai cúc Thọ Hương, mai cúc VIP… Sau khi lên HTX Mai vàng Vĩnh Thành, các xã viên hứa đồng lòng phát triển HTX đúng theo Luật HTX năm 2012. Phấn đấu năm 2023 đạt doanh thu 1,52 tỷ đồng, lợi nhuận 52,4 triệu đồng. Đến năm 2027, tổng doanh thu đạt 2,225 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn 135 triệu đồng.
“Chi hội nghề nghiệp mai vàng Phú Hội là một hình thức tổ chức kinh tế tập thể đang phát huy hiệu quả, thành công nhất ở Chợ Lách nói chung và Vĩnh Thành nói riêng. Khi lên HTX Mai vàng Vĩnh Thành, tin rằng sẽ tạo nhiều mối liên kết để phát triển kinh tế cho địa phương, thu nhập người dân sẽ tăng theo hướng bền vững. Từ đó, góp phần cho Vĩnh Thành giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao”.
(Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh)
|
Bài, ảnh: Hoàng Vũ