Điển hình của Câu lạc bộ Làm theo gương Bác

06/02/2015 - 07:31

Cô Phan Thị Chính.

Cô Phan Thị Chính sinh năm 1931, trong một gia đình có truyền thống cách mạng; hiện ngụ tại Phường 3, TP. Bến Tre; quê quán xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú. Năm 1947, cô tham gia cách mạng và 2 năm sau, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Do có nhiều thành tích trong công tác thanh niên, năm 1956 cô được trên giao nhiệm vụ Bí thư Đoàn Thanh niên Lao động xã Quới Điền; đến năm 1958 làm Bí thư Chi bộ xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú.

Cô Chính tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ, sẵn sàng gánh vác nhiều nhiệm vụ do cách mạng giao và đã có những đóng góp to lớn trong đấu tranh trực diện với địch. Năm 1959, trong một lần đi công tác, cô bị địch bắt nhốt 2 năm ở Khám lá Bến Tre. Trong quá trình hoạt động cách mạng, cô nhiều lần bị kẻ thù giam cầm, tra khảo, đánh đập tàn nhẫn ở khám Chí Hòa (1961), Thủ Đức (1962), Phú Lợi (1964), do không khai cơ sở cách mạng và chống đối nội quy của nhà tù. Năm 1966, cô bị chúng đưa đi biệt giam ở chuồng cọp nhà tù Côn Đảo. Năm 1968, chúng chuyển cô vô khám Chí Hòa, cũng tại đây đã nổ ra một cuộc đấu tranh chống thảm sát làm 3 chị hy sinh. Với tấm lòng kiên trung, niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng, một lòng một dạ theo Đảng và Bác Hồ, cô không khai ra một cơ sở cách mạng nào mà cô biết.

Đến năm 1972, biết không khai thác thêm được gì ở cô nên chúng trả tự do cho cô.  Cô trở về nhà mang theo chứng bệnh lao phổi thời kỳ thứ 2. Thời gian này, cô vừa móc nối với cơ sở cách mạng cũ tham gia hoạt động trở lại, vừa phải lo thuốc thang trị bệnh gần 3 năm ròng.

Sau hòa bình, cô được tổ chức phân công công tác tại Hội Phụ nữ Giải phóng Việt Nam tỉnh Bến Tre. Dù ở cương vị nào, cô cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của người cán bộ cách mạng, người đảng viên; tận tâm, tận tụy ở các mặt công tác. Năm 1988, cô nghỉ hưu. Cô mang dáng dấp đặc trưng của người phụ nữ Nam Bộ, vẫn chiếc áo bà ba giản dị, mái tóc búi gọn gàng điểm nhiều sợi bạc, vẫn tràn đầy nhiệt huyết của thời son trẻ. Cô lao vào công tác với mong ước góp một phần nhỏ bé xây dựng quê hương, lấy công việc phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân làm lẽ sống, mà quên đi hạnh phúc riêng mình. 

Năm 2009, cô vinh dự nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, với số tiền thưởng kèm theo 5 triệu đồng. Cô tặng 1,5 triệu đồng cho Quỹ Vì người nghèo Phường 3, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Câu lạc bộ hưu trí phường. Ngoài ra, cô còn cho 3 hộ khó khăn mượn 10 triệu đồng để lo cho con ăn học.

Tháng 10-2014, cô là một trong 33 thành viên đầu tiên, được xem là thành viên sáng lập Câu lạc bộ “Làm theo gương Bác” của Đảng bộ Phường 3, và cô đã tự nguyện ủng hộ Quỹ Câu lạc bộ 500 ngàn đồng để có kinh phí hoạt động. Sự gương mẫu trong công việc và đạo đức của cô đã ảnh hưởng rất lớn đến cán bộ, đảng viên của phường, nhất là lớp cán bộ trẻ, để mọi người học tập và noi theo.

Bài, ảnh: Trần Ngọc Điệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN