Diễn tập là làm dày kinh nghiệm cho mình

21/08/2009 - 08:55
Thiếu tướng Lê Minh Tuấn (bìa trái) và Thiếu tướng Võ Hồng Quang (thứ hai bên phải) thăm hỏi lực lượng dự bị động viên.

Bão Durian năm 2006, Ba Tri là một trong ba huyện bị ảnh hưởng nhiều nhất. Huyện có 2 người chết, 99 người bị thương, 4.288 nhà sập, 16.403 nhà bị hư hỏng, nhiều hecta lúa, hoa màu bị tàn phá…, tổng thiệt hại ước tính khoảng 210 tỷ đồng. Đã gần 3 năm nhưng khi ngẫm lại, người dân xứ biển vẫn chưa hết ám ảnh bởi trận cuồng phong. Ba Tri vừa phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông, tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn nhằm giúp lãnh đạo địa phương cũng như bà con xứ biển có thêm kinh nghiệm ứng phó, làm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chạy bão…

Ba Tri hai ngày diễn tập, trời trong veo, nắng nóng nhưng quanh khu vực Thị trấn và xã An Hòa Tây vẫn hừng hực khí thế như… có bão. Những anh bộ đội mang sắc phục chiến trường; các hội trường khu vực hành chính huyện tấp nập các cuộc họp một cách nghiêm túc về tình hình, phương án phòng tránh bão; những chùm pháo sáng báo bão, tiếng loa phóng thanh kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn; những cụ già, phụ nữ, trẻ em tay xách nách mang tất tả đi như chạy… Ba Tri đang gồng mình chống chọi cùng… bão dữ. Ngư dân Hồ Văn Trung (xã An Thủy) đã có hơn 10 năm gắn đời mình với biển. Được chứng kiến cảnh Đồn Biên phòng 598 bắn báo sáng báo bão, cứu người rơi xuống biển, lực lượng cứu hộ của y tế cấp cứu ngay tại cảng cá, anh cảm thấy nao nao: “Tôi cũng nhiều lần được thấy tín hiệu báo bão từ ngoài khơi, cũng rất nhiều lần chạy bão nhưng được thấy bài bản như thế này là lần đầu. Ngư phủ phải mặc áo phao để nếu có rơi xuống biển người ta còn cứu kịp hén!” – anh Trung chia sẻ.

Đảm bảo tính mạng, tài sản của dân và công trình công cộng là vấn đề cốt yếu của công tác phòng tránh bão. Tập cách chằng néo nhà cửa, vận động lực lượng dự bị động viên bảo vệ đê điều, đưa bà con vùng nguy hiểm đi sơ tán là những nội dung được Ba Tri đặc biệt quan tâm trong diễn tập. Năm nay, được sự hỗ trợ của Dự án Rủi ro thiên tai WB4.Cr.4114-VN, Ba Tri đã đầu tư nhà tránh bão và cầu, đường dẫn đến nhà tránh bão ở ba xã: An Đức, An Hiệp và An Hòa Tây (mỗi xã 143 ngàn USD). Bà Phạm Thị Tuyến (An Hòa Tây) hổn hển cùng đồ đạc lỉnh kỉnh, nói nhà bà trong trận bão năm 2006 bị sập, bà và mấy đứa con suýt mất mạng. Ôm con đứng giữa trời mà không biết chạy đi đâu, về đâu. “Trời ơi, hồi đó mà có cái nhà chắc chắn như vầy, dân ở đây đỡ biết bao nhiêu. Xóm này nghèo lắm, nhà nào cũng muốn bay theo bão nên đâu biết chạy đi đâu” – bà Tuyến nói. Nhà tránh bão ở đây có sức chứa khoảng 30 người, dù không nhiều nhưng phần nào chia sẻ được nỗi lo canh cánh của bà con vùng đất cồn, nơi ven sông, ven biển…

Bài học cho mình và cho mọi người

Vì là diễn tập, nói và thực hành những chuyện có thể xảy ra nhưng trong thời điểm, không gian hoàn toàn trái ngược nên ít nhiều làm cho người trong cuộc chưa thật sự nhập tâm. Có những cuộc họp (3 cuộc họp của Thường trực Huyện ủy mở rộng, họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn huyện, họp khắc phục hậu quả bão, và các cuộc họp của Quân sự, Biên phòng) được đánh giá là súc tích, các ý kiến phát biểu và chỉ đạo sâu, sát thực tế. Lãnh đạo thể hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Nhưng đồng thời cũng có những cuộc họp (Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm Viễn thông 8, Khối vận) tác phong còn chậm, thiếu tính khẩn trương, Ban chỉ đạo phát biểu còn dài, chưa sát với trọng tâm. Thiếu tướng Lê Minh Tuấn – Phó Tư lệnh Quân khu 9 khẳng định công tác diễn tập là cần thiết, không được chủ quan, xem thường. Bởi diễn tập là nhằm nâng cao khả năng chỉ đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của các lực lượng quân sự, công an, biên phòng và vai trò nòng cốt của mặt trận, đoàn thể trong thực hành xử lý tình huống ứng phó với thiên tai bão lụt, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Thông qua diễn tập cũng là để kiểm tra, đánh giá khả năng tổ chức hiệp đồng giữa các cơ quan, ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn về khả năng huy động lực lượng, cơ sở vật chất, đảm bảo thông tin liên lạc, y tế, khắc phục hậu quả. Đặc biệt là phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và nhân dân theo phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn, sơ tán dân.

Lực lượng viễn thông và dân quân tự vệ khắc phục sự cố
cáp viễn thông.

Theo dõi suốt quá trình diễn tập, Thiếu tướng Võ Hồng Quang – Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh đánh giá Ba Tri diễn tập đạt khá tốt. Tuy nhiên, huyện cần chú ý thành phần tham dự các cuộc họp, trong đó phải có Phó Bí thư Huyện ủy đi thực tế theo dõi, kiểm tra tình hình bão. Thiếu tướng Võ Hồng Quang cho biết trong điều kiện khẩn cấp về an ninh chính trị, phòng chống bão lụt…, chủ tịch UBND huyện có quyền huy động lực lượng dự bị động viên, nhưng cần lưu ý khu vực, thời điểm huy động. Lực lượng dự bị động viên thực tế là người trụ cột trong mỗi gia đình. Thông thường lực lượng này phải huy động từ 12 đến 48 tiếng. Vì thế, trong tình huống khẩn cấp, nếu có thể, phải được huy động lực lượng dự bị động viên từ địa phương khác – nơi ít bị ảnh hưởng. Có như vậy mới ổn định được tâm lý của anh em trong suốt quá trình phục vụ.

Vấn đề sơ tán dân được bàn nhiều trong cuộc họp rút kinh nghiệm. Theo Bí thư Huyện ủy Ba Tri Cao Văn Trọng, huyện diễn tập phần sơ tán dân theo kết cấu Dân vận chỉ làm công tác vận động, thuyết phục, không đảm trách công tác di dân mà do lực lượng Quân sự và Biên phòng làm. Bởi, theo ông Trọng, hai đơn vị này có thể huy động phương tiện, lực lượng, trong nhiều tình huống phải áp dụng biện pháp mạnh để đảm bảo sự an toàn tính mạng của nhân dân. Không đồng ý với quan điểm này, Thiếu tướng Võ Hồng Quang cho rằng vai trò của đoàn thể, mặt trận Tổ quốc, tổ nhân dân tự quản là chủ yếu, là cơ quan chủ trì trong công tác sơ tán dân. Quân sự, Biên phòng còn nhiều nhiệm vụ khác, chỉ làm công tác kiểm tra sơ tán dân mà thôi. Thiếu tướng Võ Hồng Quang nói địa phương cần lưu ý đến lực lượng đối ứng tại chỗ. “Không thể để tình trạng, người nơi khác đến hỗ trợ mình phòng tránh, khắc phục hậu quả bão mà người địa phương chỉ ngồi nhìn, thậm chí còn tổ chức nhậu nhẹt. Vấn đề quan trọng và hiệu quả nhất trong phòng tránh bão chính là thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật chất tại chỗ”. Thiếu tướng Lê Minh Tuấn cũng tán thành quan điểm này: “Bảo vệ dân là trách nhiệm của Đảng nhưng không nên bảo vệ dân theo kiểu gà mẹ bảo vệ gà con. Vấn đề của hệ thống chính trị là làm sao để dân thấy được sự nguy hiểm của bão, biết tự bảo vệ mình trước mọi tình huống; phải làm sao bồi dưỡng cho dân có tinh thần tự lực tự cường, không tạo cho dân có tính trông chờ, ỷ lại”. Theo Thiếu tướng Lê Minh Tuấn, việc sơ tán dân tránh bão là cần thiết nhưng chỉ trong tình huống bức thiết. Vấn đề là học tập cho dân biết khi có bão phải làm gì, chẳng hạn: tự đến xóm giềng có nhà cửa chắc chắn, dùng cống chứa nước, tảng-xê… để tránh bão. Thực tế các địa phương thường có quan điểm đưa dân đến nơi ở tập trung mà không hướng dẫn dân cách tự bảo vệ mình. Cái khó của chuyện ở tập trung là ai lo chuyện ăn ở của dân nếu thời gian kéo dài. Vấn đề không phải phát ngay gói mì tôm, ổ bánh mì, vì dân mình không đói trong ngày một ngày hai khi tránh bão. Người dân phải thể hiện tính tự lực tự cường. Tính tương thân tương ái trong phòng chống bão trước hết chính là những người láng giềng, anh em dòng họ đùm bọc lẫn nhau.

Cuộc diễn tập qui mô không lớn nhưng mỗi ngành, mỗi đơn vị và người dân đều có thêm kinh nghiệm phòng tránh bão cho mình và cho cộng đồng. Ba Tri sẽ xem lại cách neo đậu tàu thuyền, làm mẫu để hướng dẫn cho ngư dân. Kinh nghiệm chạy bão, huy động lực lượng như thế nào là hợp lý. Dẫu còn một vài hạn chế nhưng qua cuộc diễn tập này, cả hệ thống chính trị và nhân dân Ba Tri sẽ tự tin hơn trước bão. Không ai muốn thêm một lần chứng kiến trận cuồng phong, nhưng trang bị kiến thức cho mình để tự tin ứng phó trong mọi tình huống là điều cần làm và nên làm.

Bài, ảnh: Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN