|
Cô Nguyễn Kiều Thu Thảo. Ảnh: A.N |
Vóc người nhỏ nhắn, thanh mảnh, đôi môi luôn nở nụ cười tươi - đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về cô giáo Nguyễn Kiều Thu Thảo, Trường Tiểu học Tân Trung (Mỏ Cày Nam).
Từ nhỏ, Thảo rất yêu nghề giáo, cái nghề được xã hội tôn vinh. Vùng quê cô ngày ấy khá trù phú với những vườn mía bạt ngàn. Những hôm đi học về, nhìn cảnh các chị phụ nữ đi đốn mía thuê cô thương lắm. Cô tủi cho phận mình, vì sức khỏe của cô hạn chế, học lớp mười hai rồi mà cứ bị mọi người gọi bằng bé! Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cô thi đỗ vào Trường Cao đẳng Bến Tre, chuyên ngành giáo dục tiểu học.
Thời gian này, Thảo vừa học chuyên môn, vừa học lấy chứng chỉ A vi tính và chứng chỉ B Anh văn. Năm 2001, cô tốt nghiệp cao đẳng với tấm bằng loại giỏi. Thảo phân vân không biết về đâu. Cô cũng đi vài nơi để trải nghiệm cuộc sống. Thế nhưng, có một tình yêu nơi quê nhà khiến cô trở về quê hương. Đám cưới xong, năm 2004, cô xin chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Tân Trung. Sau khi nghỉ hộ sản đứa con gái, cô phấn đấu và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi của huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam), giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Sau khi sanh đứa con trai, năm học 2008 – 2009 vừa qua, cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh lần thứ hai. Ngoài những thành tích giảng dạy trên, năm 2008, cô đoạt giải nhì ứng dụng công nghệ thông tin do Phòng Giáo dục Mỏ Cày Nam tổ chức; năm 2009, đạt giải khuyến khích cấp tỉnh cuộc thi thiết kế giáo án điện tử.
Ở trường là thế, ở nhà cô còn bận rộn hơn. Là con dâu út trong một gia đình làm nghề đóng ghe. Chồng cô là giáo viên Tổng Phụ trách Đội của một trường trung học cơ sở, cha mẹ chồng già yếu, hai đứa con còn quá nhỏ. Hàng ngày, cô thức dậy thật sớm để lo cho con, sau đó đi chợ, mua đồ ăn về nấu cơm cho gia đình và hơn chục người thợ đóng ghe; chuẩn bị hồ sơ, giáo án và đi dạy. Ngoài công việc trên, cô còn phụ chồng quản lý dụng cụ đóng ghe, công thợ, mua cây, nhận hợp đồng... Trong thương trường, khi gặp khó khăn, cô suy tính đến mất ăn mất ngủ. Những ai xem bộ phim “Hương phù sa” thấy Út Nhỏ lo lắng thế nào thì Thảo thế ấy, thậm chí gấp bội, vì cô còn lớp lớp học sinh. Hàng ngày, công việc xong rồi, cô thường chợp mắt quá nửa đêm.
Trước đây, như một cái giá phải trả cho việc làm quá sức, Thảo bệnh nhiều lắm, nào là suy nhược thần kinh, cơ thể và viêm dạ dày. Có những lúc cô nghĩ mình không còn đứng vững được để làm hết công việc. Nhưng từ khi có Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ngày nào cô cũng tập thể dục, sức khỏe của cô hiện nay rất tốt.ÕNhưÕvậy cô đã làm theo lời Bác Hồ dạy: “Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”.
Dạy học là nghề chính, đóng ghe là nghề truyền thống của gia đình nhà chồng, không thể xao lãng, Thảo tâm niệm như thế để không ngừng phấn đấu.