Ông Cao Văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, qua 10 năm thực hiện, việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đạt kết quả khả quan. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, tỷ lệ chia cổ tức năm sau cao hơn năm trước. Cơ cấu lao động phù hợp với tình hình mới, số lượng lao động không tăng, nhưng trình độ chuyên môn, tay nghề được doanh nghiệp quan tâm đào tạo…
Đầu năm 2001, tỉnh có 25 doanh nghiệp (DN) 100% vốn Nhà nước, quy mô vốn từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng: 11 DN, từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng: 5 DN, từ 10 đến dưới 20 tỷ đồng: 3 DN, trên 20 tỷ đồng: 6 DN; kết cấu ngành nghề gồm: công nghiệp 8 DN, xây dựng 5 DN, thương mại dịch vụ: 7 DN, văn hóa: 1 DN, giáo dục: 1 DN, y tế: 1 DN và ngành khác: 2 DN. DN kinh doanh có lãi: 23, hòa vốn: 1, thua lỗ: 1. Khi chuyển sang cơ chế thị trường, nhiều doanh nghiệp đã thích ứng và hoạt động có hiệu quả; cơ cấu, quy mô được điều chỉnh phù hợp, trình độ quản lý bước đầu có tiến bộ. Các DN này là lực lượng quan trọng trong đảm bảo các sản phẩm chủ yếu, dịch vụ công ích thiết yếu và nòng cốt trong tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, quy mô doanh nghiệp nhỏ, công nghệ lạc hậu, chậm đầu tư đổi mới, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh thấp, tốc độ phát triển không cao. Một số doanh nghiệp còn tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Khi tiếp nhận chủ trương của Đảng, Nhà nước về tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DNNN; nhất là Nghị quyết TW3 (khóa IX), tỉnh chỉ đạo các ngành nghiên cứu, quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết. Số lượng DN 100% vốn Nhà nước sắp xếp theo hình thức: chuyển sang Công ty TNHH một thành viên 4 DN, sáp nhập 1 DN, giải thể 2 DN, phá sản 1 DN, chuyển thành đơn vị sự nghiệp 3 DN và 12 DN chuyển sang công ty cổ phần (hình thành 15 công ty cổ phần). Tổng vốn điều lệ ban đầu của 15 công ty cổ phần là 323,993 tỷ đồng; trong đó, số công ty có vốn Nhà nước trên 50% vốn điều lệ chiếm 44,44%. Đến ngày 30-6-2010, tổng vốn điều lệ của các DN trên là 437,384 tỷ đồng; trong đó, DN có vốn Nhà nước trên 50% vốn điều lệ là 1 DN. Các DN xử lý tốt nợ tồn đọng trước và sau khi sắp xếp, chỉ trừ 1 DN đến nay chưa thu hồi hết nợ tồn đọng và đang kiến nghị Bộ Tài chính xem xét xóa nợ. Các DN sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp DN đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính. Qua sắp xếp, đổi mới DNNN, bước đầu tỉnh đã điều chỉnh lại cơ cấu ngành nghề của các DN, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế địa phương; trong đó, tập trung ưu tiên phát triển ngành nghề phát huy lợi thế như công nghiệp chế biến hàng nông - thủy sản và quan tâm DN sản xuất kinh doanh lĩnh vực mà trước mắt các DNTN chưa đảm nhận được. Thông qua cổ phần hóa DN, Nhà nước đã huy động được hơn 625 tỷ đồng; trong đó, đấu giá cổ phần ngoài DN 550 tỷ đồng, bán cho lao động trong DN hơn 75 tỷ đồng.
Sắp xếp lại DNNN, đặc biệt là chuyển đổi DNNN sang công ty cổ phần, đồng nghĩa với chuyển đổi từ hoạt động theo Luật DNNN sang Luật DN, tạo nên bộ máy quản lý năng động và tính chủ động được phát huy, không còn lệ thuộc vào cơ chế xin cho. Từng thành viên trong công ty cổ phần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong lao động. Tính đến thời điểm này, có 2 công ty hoạt động không hiệu quả đã bán cho các công ty cổ phần khác. 13 công ty cổ phần còn lại, phần lớn hoạt động hiệu quả, tỷ lệ cổ tức năm sau cao hơn năm trước. Số DN hoạt động hiệu quả chưa cao, không ổn định, do năng lực lãnh đạo, điều hành chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Sau khi chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đa số DN sắp xếp, cơ cấu lại lao động phù hợp với tình hình mới theo hướng nâng cao năng suất lao động, đi đôi nâng cao tay nghề lao động trực tiếp và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý. Các DN Nhà nước còn nắm giữ 100% vốn trên một số ngành nghề, lĩnh vực quan trọng như quản lý, khai thác thủy nông, cấp thoát nước, đã phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, góp phần ổn định kinh tế trong những lúc khó khăn như thời tiết nắng hạn, mặn xâm nhập sâu vào đất liền, thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt…
Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN vẫn còn những tồn tại, vướng mắc như: Một số cán bộ quản lý do ảnh hưởng quyền lợi cá nhân, tư tưởng không an tâm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Hầu hết, bộ máy lãnh đạo DN không thay đổi, một số DN chưa thấy hết quyền hạn, trách nhiệm trong kinh doanh. Một số DNNN về mặt pháp lý đã có quyết định chuyển sang công ty cổ phần nhưng trên thực tế chưa hoạt động đã lâm vào phá sản. Các cơ quan có chức năng quản lý DN chưa quan tâm đến tiến độ thực hiện sắp xếp của DN, xem đó là trách nhiệm của Ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới và phát triển DN.
Cũng theo ông Cao Văn Trọng, hiện còn 4 DN hoạt động theo hình thức là Công ty TNHH một thành viên. Kế hoạch sắp xếp giai đoạn 2011-2015 là: giữ nguyên 100% vốn Nhà nước Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi và Công ty TNHH một thành viên Xổ số Kiến thiết; chuyển sang công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước (năm 2014) và Công ty TNHH một thành viên Công trình đô thị (năm 2015). Ban chỉ đạo sắp xếp, đổi mới, phát triển và xếp hạng DN tỉnh tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các sở có quản lý DN phối hợp với DN thuộc diện sẽ sắp xếp, chuyển đổi có kế hoạch phổ biến chủ trương, chính sách liên quan đến sắp xếp, đổi mới DN, giúp cán bộ, công nhân hiểu mục đích, ý nghĩa để an tâm và gắn bó với công việc sau khi sắp xếp; phối hợp DN cập nhật, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Hàng năm, thông qua chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ, tỉnh phối hợp với các trường, tổ chức khoa học, mở lớp đào tạo cán bộ quản lý, từng bước thích nghi điều kiện hội nhập.