|
Dâng hương tại di tích “Đường Hồ Chí Minh trên biển” ở Bến Lộc An. |
7 giờ ngày 15-10-2011, tàu HQ 996 đưa 148 đại biểu đoàn Hành trình theo dấu tích Đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển đã cập Bến Lộc An (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tiếp tục chặng đường thứ tư của cuộc hành trình.
Đầu tiên, đoàn đến dâng hoa, thắp hương tại Bến Lộc An. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bến Lộc An là một đầu mối của Đường Hồ Chí Minh trên biển, nằm bên cửa sông Ray. Bên phải là xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, bên trái là xã Phước Thuận. Hai bên sông Ray là rừng nguyên sinh, ngập mặn, nối liền với rừng Bình Châu - Phước Bửu và hệ thống rừng già rộng lớn phía Bắc và Tây Bắc. Bến Lộc An là nơi thuận lợi cho việc vận chuyển và cất giấu vũ khí. Tại Bến này, ba chuyến tàu của Lữ đoàn 125 Hải quân đã cập bến thành công, vận chuyển được 109 tấn vũ khí trang bị cho quân dân các tỉnh miền Đông Nam Bộ tham gia chiến dịch, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang như: Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bầu Bàng. Từ đó, góp phần làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Bến Lộc An được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1995. Hôm nay, về lại Bến Lộc An, bác Lê Hà, nguyên thuyền trưởng tàu không số 240 và tàu 645, nhớ lại: “Ngày 27-2-1962, tại nơi này, với chiếc thuyền nhỏ bé, các bác ra đi theo lệnh của Trung ương Cục miền Nam để mở đường chở vũ khí vào miền Nam, đi trên đường gặp nhiều sóng to gió lớn, lạc vào bờ, bị địch bắt. Nhưng do ta giả dạng tàu đánh cá, địch không bằng cớ phải thả ra. Các bác lại quyết tâm ra đi tiếp tục, dù phải nhịn đói nhịn khát, có lúc phải uống nước tiểu, nước biển mà sống. Thế nhưng với tinh thần quyết thắng, các bác đã ra Bắc an toàn”. Tại đây, lực lượng đoàn viên, thanh niên của đoàn hành trình đã tiến hành trồng 100 cây xanh, tại khu vực Bia tưởng niệm tàu không số và tặng quà cho ba đồng chí cựu chiến binh đoàn tàu không số.
Các bạn trẻ trồng cây xanh.
Nằm trong chương trình Học kỳ trên biển, đoàn đại biểu chuyến hành trình cắm trại, đóng quân tại Doanh trại của Lữ đoàn 171, vùng 2 Hải quân (phường Thống Nhất, TP.Vũng Tàu). Chiều cùng ngày, đoàn tham quan phòng truyền thống và nghe giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển, vai trò và vị trí của Lữ đoàn 171. Sau đó, đoàn đại biểu được tham quan hai tàu chiến 159AE và tham gia diễn tập báo động sẵn sàng chiến đấu. Bạn Nguyễn Văn Minh - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Thật khâm phục các anh khi vẫn làm việc hăng say dưới cái nóng bức trong khoang máy. Nhìn các anh, tôi hiểu được thế nào là giá trị của lao động và niềm say mê công việc”. Còn đối với chúng tôi, người con của quê hương Bến Tre, tham gia chuyến hành trình hôm nay, thật bất ngờ khi được gặp đồng hương, đang giữ chức vụ quan trọng tại Lữ đoàn 171. Đó là thượng tá Huỳnh Văn Ga - Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 171. Chia sẻ cùng chúng tôi, thượng tá cho biết, từ ngày đoàn hành trình xuất phát, anh đều dõi theo đoàn mỗi ngày (thông qua thông tin trên báo), cứ trông sớm tới ngày đoàn về Bến Lộc An. Đứng trong hàng ngũ lực lượng hải quân lại là một người con của đất Thạnh Phong (Thạnh Phú) anh hùng, nơi có bến của đoàn tàu không số ngày trước, anh không khỏi xúc động và tự hào. Vì điều kiện công tác nên anh không thể gia nhập đoàn để đến Bến Thạnh Phong. Gặp được đồng hương, cả anh và tôi đều xúc động đến nỗi đi đến đâu, gặp ai cũng giới thiệu. Chỉ trong một lúc là cả đoàn hành trình và hầu như cả Lữ đoàn 171 đều biết. Lúc chia tay, anh cứ dặn dò mãi là cho anh gửi lời thăm bà con quê mình.
Tối cùng ngày, đoàn đại biểu tham dự Ngày hội Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương. Đến tham dự có đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Vũng Tàu, ông Lê Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng hơn 800 đoàn viên, thanh niên địa phương. Trong chương trình, mọi người cùng nhau đồng loạt nhắn tin tham gia chương trình Góp đá xây dựng Trường Sa.
Chia tay Bến Lộc An, đoàn đại biểu lên tàu tiếp tục đến cửa Vàm Khâu Băng (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), chặng thứ năm của chuyến hành trình.