Với hai tiết mục tham gia tại Liên hoan Múa không chuyên toàn quốc lần thứ III năm 2011 (tổ chức tại tỉnh Tiền Giang), đoàn nghệ thuật múa không chuyên tỉnh Bến Tre đều đã nhận được giải thưởng: huy chương vàng cho tiết mục “Hạt muối quê tôi” và huy chương bạc cho tiết mục “Duyên dáng làng nghề”. Đây là kết quả từ sự nỗ lực tập luyện của đội ngũ diễn viên, sự tâm huyết, hết mình của các biên đạo múa và sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo chuyên môn.
Tiết mục múa “Hạt muối quê tôi” đoạt huy chương vàng tại Liên hoan Múa lần III - 2011. Ảnh: Quang Án
“Cần cù bù... khó khăn”
Dù là lần đầu tiên có mặt trong Liên hoan Múa không chuyên toàn quốc lần thứ III năm 2011 nhưng Bến Tre đã có được kết quả “ngoài mong đợi” (ở 2 lần Liên hoan trước đó do địa điểm tổ chức quá xa - Hà Nội, nên Bến Tre không đủ điều kiện tham dự). Là người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề, biên đạo múa Kim Loan - người trực tiếp dàn dựng chương trình (cùng với biên đạo múa Mỹ Ngọc) đã rút ra được những yếu tố cần thiết phải có của tác phẩm múa hay. Cô cho biết, chúng tôi đã phải suy nghĩ, trăn trở rất nhiều để chọn đề tài và chúng tôi quyết định chọn những đề tài mang nét riêng của xứ dừa. Một mặt để tôn vinh, giới thiệu đến bạn bè gần xa những nét đẹp truyền thống của quê hương, mặt khác, để không bị trùng lắp đề tài với các đoàn khác. Giới thiệu về nghề làm muối và làng nghề tiểu thủ công nghiệp (đan đát) là hai đề tài được lựa chọn để dàn dựng chương trình.
Đoàn nghệ thuật múa không chuyên tỉnh Bến Tre do Trung tâm Văn hóa tập hợp, xây dựng. Ngoài một số cá nhân có chuyên môn chính thức còn có những hạt nhân từ các phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, là những cán bộ, công nhân, học sinh, sinh viên, người lao động các nơi trong tỉnh. Dù điều kiện cơ sở vật chất (phòng tập luyện) còn nhiều khó khăn, nhưng hầu hết các “diễn viên múa” rất tích cực, chịu khó rèn luyện, có tinh thần cầu tiến. Khi đã vào “cao điểm” tập luyện thì bất kể cả thời gian và ăn uống, anh em quyết tâm tập luyện cho thật tốt mới nghỉ ngơi.
Chị Cao Thị Tuyết Trang - Phó Giám đốc Trung Văn hóa tỉnh cho biết thêm, dù không đặt nặng thành tích khi tham gia thi diễn ở các hội thi, liên hoan... nhưng đoàn nghệ thuật múa không chuyên tỉnh Bến Tre luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo ngành và cô chú thuộc giới chuyên môn. Sau khi mỗi chương trình hoàn tất, các tác phẩm đều được đưa ra diễn báo cáo để các cô chú có chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm như các nhạc sĩ: Lan Phong, Quốc Nam, Huy An... đóng góp, kịp thời điều chỉnh những động tác còn “thô”, những chi tiết còn “vụn”... đảm bảo từ nội dung đến hình thức đều được chỉn chu trước khi lên đường thi diễn. Không chỉ thể hiện sự quan tâm trong việc đến tham dự các buổi biểu diễn báo cáo, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh còn tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng chương trình đạt kết quả tốt nhất.
Quả ngọt ra đời
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, lực lượng diễn viên đa số là cộng tác viên từ cơ sở và các ban, ngành..., nhưng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, ngành văn hóa, tâm huyết của những người làm công tác chuyên môn và sự nhiệt tình, nỗ lực của đội ngũ “diễn viên”, công tác văn hóa văn nghệ Bến Tre đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Điển hình như: đạt nhiều huy chương vàng, bạc tại các lần Liên hoan Tiếng hát hẹn hò chín dòng sông cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long (huy chương vàng cho tiết mục “Đất lành chim đậu” - 2009, huy chương vàng cho tiết mục “Nét đẹp quê hương” 2011...). Một số huy chương ở cấp toàn quốc như: huy chương bạc cho tiết mục “Làng nghề hồi sinh” 2001, huy chương vàng cho tiết mục “Dệt đẹp quê hương” 2005...
Dấu ấn tại Liên hoan Múa không chuyên toàn quốc lần thứ III năm 2011 mà Bến Tre đạt được là kết quả được tựu thành từ rất nhiều yếu tố. Như đã nói, “ra quân” tham gia với tinh thần vì nghệ thuật, góp mặt để cùng tạo nên sự sinh động cho liên hoan, tôn vinh nghệ thuật múa của quê hương, đoàn Bến Tre đã dốc hết sức để có những tác phẩm múa đặc sắc gửi đến Liên hoan và giới thiệu cùng khán giả gần xa. Sự chăm chút được thể hiện qua hơn 2 tháng tập luyện nghiêm túc, cật lực của đội ngũ diễn viên, sự trằn trọc, suy tư, chăm chút cho từng chi tiết, từng động tác của biên đạo múa Kim Loan và Mỹ Ngọc (người trực tiếp dàn dựng chương trình). Các trang phục, dụng cụ được chọn lọc một cách chu đáo, kỹ lưỡng, phù hợp với việc tôn vinh nét đẹp truyền thống làng nghề tiểu thủ công nghiệp, tôn vinh nét đẹp giản dị của người nông dân chân chất. Hình ảnh các thiếu nữ làng nghề với trang phục áo bà ba - quần đen, đầu quấn khăn rằn duyên dáng, gương mặt ngời sáng với nụ cười tươi... ở tiết mục múa “Duyên dáng làng nghề” đã gây được ấn tượng cho người xem.
Với những cố gắng nỗ lực như trên, Bến Tre là một trong 15 đoàn nghệ thuật múa không chuyên được nhận bằng khen của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tại Liên hoan lần này. Ngoài ra, đoàn nghệ thuật múa không chuyên tỉnh Bến Tre còn được nhận bằng khen của UBND tỉnh.