Đoàn Vĩnh An - chàng trai mê… Đình!

10/06/2016 - 07:07

Cặp bình Khang Hy niên chế bị sứt miệng được An chế tác lại dù không phải thợ gốm.

“Sự có mặt của hàm cá đao, hộp đựng sắc phong và chiếc mõ hàng trăm tuổi khiến đình Phú Tự trở nên đặc sắc hơn những ngôi đình khác, rồi cây Bạch mai di sản…” - Đoàn Vĩnh An say sưa kể về ngôi đình và chỉ dẫn cho chúng tôi nhiều điều thú vị do chính anh khám phá.

Gia đình An có ba đời là thành viên Hội hương đình Phú Tự (ngôi đình tọa lạc ở xã Phú Hưng, TP. Bến Tre). Cha An - ông Đoàn Văn Mười, hiện là Trưởng Ban khánh tiết đình Phú Tự. Điều làm chúng tôi thích thú là Đoàn Vĩnh An một chàng trai tuổi đôi mươi, là công nhân may lại có thể am hiểu, kể và giải thích được nhiều nghi lễ, vật dụng, lịch sử về ngôi đình như một “nhà nghiên cứu văn hóa”.

Những cổ vật vô giá

Mỗi lần đến đình Phú Tự, không gian hoài cổ, trầm tĩnh, và luôn sạch sẽ làm chúng tôi rất thích. Sở dĩ ngôi đình được nhiều người biết đến bởi nơi đây có cây di sản cổ thụ Bạch mai hơn 300 năm tuổi, khách thường đến để chiêm ngắm cây. Thế nhưng, qua lời giới thiệu của An, bỗng chốc chúng tôi như lạc vào một thế giới khác, giữa xưa và nay: “Đình Phú Tự là một di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhưng có nét đặc trưng riêng vì có nhiều món cổ vật vô giá” - An kể.

Cái mõ là một trong bộ ba nhạc cụ truyền thống phải có ở đình Nam Bộ gồm mõ, trống chầu và chiêng. Cái mõ tương truyền có từ thời dựng đình đến nay, ngoài trăm tuổi, được chế tác từ lõi của một cây cổ thụ to, đường kính chỗ phình to nhất là 0,4m, chiều dài là 1,68m, độ vang của mõ rất xa. Mỗi năm đánh hai lần vào dịp lễ Kỳ yên (16 tháng 3 âm lịch) và lễ Chạp miễu (16 tháng Chạp âm lịch).

Cổ vật thứ hai đến từ biển mặc dù đình Phú Tự không hề gần biển, đó là hàm cá đao. Cấu trúc hàm cá đao từ xương sụn, hai bên răng rất nhiều nhưng bị mất dần, các bô lão trong đình cũng không biết về gốc tích của hàm cá đao, vì sao có ở đình và có từ khi nào.

Một cổ vật đặc biệt khác là hộp sắc phong, trên nắp hộp chạm cặp lưỡng long tranh châu từ nguyên một khúc gỗ liền khối chạm từ trên xuống dính với chiếc hộp. Bốn góc hình 4 con dơi, mặt trước hình bầu rượu hồ lô có những vần mây cuộn lại, hai bên hông chạm các chữ “Ấp Thị phụng cung” - “Giáp Thân niên” từ đó xác định niên đại của hộp sắc vào năm 1824. Ngoài ra còn có văn phòng tứ bửu gồm viết, lệnh tiễn, ấn… Đình Nam Bộ với tín ngưỡng thờ thần thường thờ quan võ, ở đình Phú Tự với sự có mặt của văn phòng tứ bửu cho thấy đình thờ cả quan văn lẫn quan võ, văn võ song toàn.

Độc đáo cây Bạch mai

Cây Bạch mai vốn không phải mọc trước đình mà mọc bên hông đình. An cho biết, từ lịch sử đình Phú Tự và hộp đựng sắc phong cho  thấy ngôi đình được khởi dựng trước năm 1824. Vì phải có cơ sở thờ tự tín ngưỡng mới xin vua ban sắc phong về thờ. Đình Phú Tự thờ “Thiên tử phong bách thần”, thần trấn giữ, bảo vệ lê dân, khẳng định chủ quyền của một vùng đất. Trước kia đình có quy mô nhỏ, làm bằng cây lá, xây dựng quay về hướng Đông, cây Bạch mai lúc này ở bên hông đình. Hiện tại, nếu đào xuống khoảng 5 tấc đất, sẽ thấy những tảng đá ong kê chân cột đình còn sót lại. Sau đó không rõ năm nào, ông Hương chủ Mưu (tức ông Nguyễn Trí Mưu là ông nội của liệt sĩ Nguyễn Trí Hữu - Tỉnh ủy viên, phụ trách Ban Kinh tế Tài chính Tỉnh ủy Bến Tre) trình bày với các vị Hương chức làng Phú Tự nên đổi hướng của đình để làng Phú Tự được hưởng vượng khí giúp dân làng làm ăn phát đạt và cội Bạch mai là một loại cây quý hiếm cần phải đặt ở một vị trí xứng đáng ngay trước chính môn. Biết ông Hương chủ Mưu là một trí thức, lại giỏi về phong thủy và địa lý, các Hương chức bàn tính rồi quyết định quay cửa đình Phú Tự về hướng chánh Nam như hiện trạng đình Phú Tự ngày nay.

Đoàn Vĩnh An cho biết rất nhiều tài liệu nhầm lẫn cho rằng Bạch mai đình Phú Tự là mai mù u. Theo quan sát của anh, trong khuôn viên đình có hẳn một cây mai mù u. Nếu đem so sánh hai cây mai này cùng lúc trổ hoa mới thấy rõ sự khác nhau. “Hoa Bạch mai chỉ nở một ngày là rụng, khi rụng thì rơi toàn bộ từ cuống đến bông. Mai mù u chỉ rụng cánh hoa, còn nhụy để kết trái. Trái mai mù u khi chín màu vàng cam, ăn được, vị chua chua. Khi trái mai mù u rớt xuống sẽ mọc lên cây con. Còn Bạch mai thì không có trái, khó nhân giống nên cây mới quý hiếm...” - kể đến đây An cười tít mắt như đang kể về người yêu. Hoa Bạch mai mọc không theo một quy luật nào, bất cứ chỗ nào của cây cũng có thể ra hoa. Giữa thân cây xù xì, nhiều chỗ cành khô trơ xương vẫn trổ ra những đóa hoa trắng muốt xinh xắn. An có hẳn một tập ảnh ghi lại những khoảnh khắc ấy của cây.

Mỗi năm hoa nở một lần vào khoảng tháng Giêng âm lịch, thời gian ngắm hoa thích hợp nhất là từ 7 - 8 giờ sáng, lúc này hoa vừa nở, đẹp và thơm nhất.

Góp phần giữ gìn di sản

Nhà gần bên đình Phú Tự, từ nhỏ, An thường đi coi cúng đình. Lớn một chút, An phụ vài việc vặt như dọn dẹp, bày hoa quả, chăm sóc hoa kiểng ở đình. Với An, tình yêu dành cho ngôi đình xuất phát từ sự gắn bó, am hiểu về lịch sử. Và những câu chuyện, tấm gương của người xưa đã cho chàng trai trẻ bài học về sự cẩn thận, trân trọng công sức lao động của cha ông, tiếp nối công việc giữ gìn di sản cho thế hệ mai sau.

Trong vai “hướng dẫn viên”, An mang cho chúng tôi xem cặp bình hoa dưới đáy bình ghi “Khang Hy niên chế 1662-1722” do người dân hiến tặng cho đình. Ông Hai Bồn - Chánh bái của đình là một cao niên được giao nhiệm vụ bảo quản đồ vật của đình kể cho An. Gia đình ông Hai cũng có ba đời gắn bó với đình Phú Tự, lúc rảnh rỗi An và ông thường uống trà, nghe ông kể chuyện đời xưa về ngôi đình mà cả hai ông cháu đều yêu mến, tâm huyết và gắn bó cuộc đời.

Nâng niu chiếc bình, An kể: “Vào một buổi nọ ông cháu ngồi uống trà, em bày tỏ sự tiếc nuối vì cặp bình hoa Khang Hy niên chế bị sứt miệng nhiều quá, coi như hỏng mất. Ông Hai chợt nhớ ra mình vẫn còn giữ miếng gốm bị sứt cách đây… vài chục năm do ông nhặt được. Lúc ấy ông còn trẻ, thời đó chưa có keo dán. Ông vẫn giữ cẩn thận và mang ra để em gắn vào”. An còn chế tác những chỗ bị sứt mất gốm, dù không hề biết về nghề gốm. Phải nhìn kỹ mới thấy được hai chiếc bình đã được chế tác lại phần miệng bình.

“Dù cuộc sống con người phải lo kinh tế nhưng song song đó giá trị đời sống tinh thần cũng vô cùng quan trọng. Mình yêu ngôi đình đến từng viên ngói, từng ngõ ngách, mỗi khi gặp khó khăn, chán nản, nghĩ về đình mình vượt qua được hết. Ước mong của mình là được tìm hiểu về tín ngưỡng dân gian, vừa để học hỏi mang về những cái hay, cái mới cho đình Phú Tự vừa hiểu để phát huy những gì tốt mà đình của mình còn lưu giữ” - An tâm sự.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN