Doanh nghiệp đồng hành cung ứng hàng hóa, tiêu thụ nông sản

23/08/2021 - 05:55

BDK - Theo đánh giá của Tiểu ban Hậu cần phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, tình hình cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) đầu mối trên địa bàn tỉnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng thiết yếu cho người dân. Tuy nhiên, có lúc, có nơi còn xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ. Vấn đề này được các sở, ngành, địa phương thống nhất cách tháo gỡ, giúp việc chuyên chở, giao nhận hàng cho người dân được thông suốt, thuận lợi trong thời gian tới.

Người dân xã Bình Phú (TP. Bến Tre) mua thịt heo tại một quầy bán hàng lưu động. Ảnh: T.Thảo

Người dân xã Bình Phú (TP. Bến Tre) mua thịt heo tại một quầy bán hàng lưu động. Ảnh: T.Thảo

Cung ứng hàng hóa

Các DN lớn đóng vai trò đầu mối cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã cam kết đảm bảo cung ứng đủ cho người dân. Cụ thể như Siêu thị GO! Bến Tre, Co.opmart, hệ thống cửa hàng Vinmart+, hệ thống Bách hóa xanh, Công ty Lương thực Bến Tre, Công ty Thương mại Trúc Giang, Công ty Nguyễn Văn Thông. Qua hơn 2 đợt giãn cách xã hội, các DN đã tích cực đồng hành cùng địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh, cung ứng đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân tiêu dùng trong thời gian giãn cách.

Bên cạnh đó, các thương nhân phân phối gạo (6 vựa gạo tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam), các thương nhân phân phối mặt hàng thực phẩm công nghệ (DNTN Nguyễn Văn Thông, huyện Mỏ Cày Nam; DNTN Hải Nga, Lâm Duyên, Quang Minh, Hai Chung, Trúc Quang, Ngân Tú, TP. Bến Tre; Nguyễn Hưng, huyện Châu Thành…), với hệ thống các cơ sở phân phối là các tiệm tạp hóa rải khắp trên địa bàn các ấp, khu phố của các xã, phường trong tỉnh, đóng vai trò rất quan trọng trong việc lưu thông, phân phối các mặt hàng thiết yếu.

Trong tháng 8-2021, các đơn vị này đã tích trữ hàng hóa nhu yếu phẩm để phục vụ nhân dân. Cụ thể như: gạo 1.215 tấn, thịt heo 53 tấn, thủy hải sản, thực phẩm đông lạnh trên 161 tấn, thịt gia cầm trên 28 tấn, rau, củ các loại trên 766 tấn, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mì ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 94.368 thùng...

Bắt đầu từ khi thực hiện giãn cách xã hội, Siêu thị Co.opmart Bến Tre đã có giải pháp dự trữ lượng hàng rau, củ, quả, những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tăng gấp đôi so với ngày thường. Bình quân siêu thị nhập hàng về 2 - 3 lần/ngày. Tuy nhiên, từ khi tỉnh triển khai việc áp dụng khung giờ đối với việc người dân ra đường cũng như áp dụng mô hình đi chợ thay cho dân đã hạn chế người dân mua sắm rất nhiều. Do đó, để giải quyết lượng hàng dự trữ bị tồn kho, siêu thị đã linh hoạt phân tán lượng hàng dự trữ bằng cách nhập về nhiều lần theo tiến độ thay vì dự trữ quá nhiều tại kho.

“Siêu thị cũng như các DN - đầu mối cung ứng hàng hóa bán lẻ có đội ngũ nhân viên giao hàng bằng xe hai bánh. Mặt khác, trước yêu cầu của tỉnh về việc Siêu thị Co.opmart Bến Tre nên cung ứng hàng hóa theo đơn hàng về đến các huyện ngoài phạm vi TP. Bến Tre, theo siêu thị, để làm được việc này, siêu thị cần sự hỗ trợ về chủ trương của tỉnh, tạo điều kiện cho siêu thị có xe bán hàng lưu động theo thời điểm…”, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bến Tre Nguyễn Thụy Phương Lan cho biết.

DNTN Nguyễn Thông, huyện Mỏ Cày Nam đóng vai trò cung ứng lượng hàng hóa khá lớn trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú. Thời gian qua, DN thuận lợi trong việc dự trữ, cung ứng đủ hàng hóa cho khu vực Cù lao Minh. Tuy nhiên, DN gặp không ít khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, lực lượng vận chuyển hàng hóa của công ty cũng ngán ngại tiếp xúc tại chốt kiểm soát dịch, cũng như rất cần sự đồng nhất về quy định kiểm soát các thủ tục giữa các chốt, nhằm tạo thuận lợi cho nhân viên giao hàng không bị ách tắc. DN rất cần có sự điều chỉnh về khung giờ hoạt động.

Hệ thống Bách hóa xanh có 55 cửa hàng trên toàn tỉnh, với những cửa hàng lớn nhập về đều đặn 10 - 15 tấn hàng/cửa hàng/ngày. Cửa hàng nhỏ 2 - 3 tấn/ngày (tùy theo nhu cầu tiêu dùng tại địa phương). Theo đại diện Bách hóa xanh Bến Tre, việc đáp ứng sức mua trong thời gian đầu gặp khó khăn, có xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ đối với mặt hàng người dân mua quá nhiều như các loại bột, mì tôm. Tuy nhiên, hệ thống đã nhanh chóng điều tiết, đảm bảo cung ứng trong thời gian tiếp theo.

Kết nối tiêu thụ nông sản

Siêu thị Co.opmart Bến Tre đã tích cực hỗ trợ nông dân tại các huyện tiêu thụ nông sản qua nhóm Zalo chung về theo dõi thị trường và hỗ trợ tiêu thụ nông sản của Sở Công Thương. Theo bà Nguyễn Thụy Phương Lan, vấn đề khó khăn ở đây là người dân thiếu người thu hoạch và không có phương tiện vận chuyển hàng hóa nên có lúc, có nơi việc kết nối tiêu thụ hàng hóa bị đứt gãy. Đây là lý do đáng tiếc mà siêu thị Co.opmart chỉ kết nối tiêu thụ được với 3 đầu mối tiêu thụ nông sản.

Cung ứng, giao nhận hàng hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Bến Tre. Ảnh: Cẩm Trúc

Cung ứng, giao nhận hàng hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Bến Tre. Ảnh: Cẩm Trúc

“Để duy trì kết nối, rất mong bà con được hỗ trợ tốt hơn về phương thức thu hoạch, thu gom và vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, ổn định giá cả theo mức giá đàm phán”, bà Nguyễn Thụy Phương Lan nói.

Còn theo đại diện hệ thống Bách hóa xanh, cần có vựa thu gom nông sản của nông dân. Vựa đó sẽ liên kết với Bách hóa xanh để thu mua hàng nông sản nhỏ lẻ trong dân. Hướng tới, Bách hóa xanh sẽ linh động hình thức thu mua trực tiếp trong nhân dân, nhằm hạn chế khâu trung gian. 

Siêu thị GO! Bến Tre cũng đang hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho Bến Tre với 2 sản phẩm là đậu phộng, củ sắn. Trong 2 ngày 20 và 21-8-2021, Siêu thị GO! Bến Tre đã nhập về 4 tấn củ sắn và 3 tấn đậu phộng. Siêu thị GO! Bến Tre cho biết phải cần sự kết nối của hệ thống các cửa hàng GO trên toàn quốc mới có thể tiêu thụ được sản lượng khá nhiều của các sản phẩm.

Theo Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh La Văn Bé, ngay lúc nông dân đang cần tiêu thụ nông sản nhất, đề nghị Bách hóa xanh cũng như nhiều DN, đơn vị phân phối linh hoạt hơn trong cách thức mua hàng nông sản tại địa phương, góp phần tiêu thụ, cung ứng hàng hóa thông suốt trên địa bàn tỉnh. 

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích